Những bông hoa không tàn

- Thứ Bảy, 07/02/2015, 14:43 - Chia sẻ

Tết năm ấy, nhà thơ Yến Lan còn cư ngụ ở một căn gác số chẵn phố Hàng Quạt. Tôi đến chúc Tết, nhà thơ đứng dậy bắt tay tôi, mời tôi ngồi, rồi hào hứng đọc cho tôi nghe bài thơ tứ tuyệt chắc ông vừa khai bút:

Em đến xin hồng, hồng chửa nụ
Hôm nay hồng nở bóng em xa
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa!
 

Cả bài thơ sáng tạo nhất ở chữ cầm dùng cho cả người và… hoa.

Cầm chân khách, bởi vì khách đến rồi đi, bao giờ gặp lại? Hoa cũng thế, hoa như người khách thăm, đến rồi đi… Với ông, hoa như người vậy. Làm xong nhiệm vụ, nó không tàn, nó ra đi… Ông không chỉ tái tạo chữ, ông còn phát nghĩa thêm cho nó ở cái hành động ra đi.

Nhà thơ Yến Lan thuộc nhóm thơ Bình Định, cùng với Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, người thời ấy mệnh danh các ông là nhóm Bàn thành tứ hữu. Ông có đặc điểm: càng về già, càng viết ngắn và trụ lại ở thể thơ tứ tuyệt. Lần sau, khi ông nghỉ hưu, về lại quê hương, tôi có dịp ghé thăm Bình Định, ông tặng tôi tập thơ tứ tuyệt vừa in xong, lại thêm thú vị vì ông đặt tên cho nó là Cầm chân hoa vừa mang ý nghĩa: thơ ông như người cầm giữ lại những tinh hoa của cuộc đời, của đất trời tươi đẹp. Nó lại vừa mang tên bài thơ nhỏ ông làm hôm ấy mà khái quát được cả sự dài rộng, trường tồn của Thơ và cái Đẹp. Tôi, tất nhiên là người may mắn được chứng kiến sự ra đời của cả hai hiện tượng ấy, nhất là được đọc cả những nét thần hứng chưa giãn hết trên gương mặt ông sớm mùng một Tết năm ấy.

Nương rẫy mùa xuân Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Thưởng hoa là sự thẩm định vô cùng tinh tế. Nếu Yến Lan tinh tế ở chữ cầm, thì Xuân Diệu tinh tế ở mắt nhìn, ở cảm giác, trí tưởng tượng:

Sắc đào như thở rung rung
Toàn cây là một nỗi lòng nở hoa

Nhà bình luận thơ Viên Mai nổi tiếng ở Trung Quốc đã vô cùng thán phục khi nghe một “thảo dân” reo lên: “Ồ! Cả một thân hoa!” trước cây hoa nở rộ hết mình. Xuân Diệu đã học được và nâng cao hơn một buớc: “Toàn cây là một nỗi lòng nở hoa”.

Nhà thơ Lý Bạch là người gắn bó với trăng nhiều nhất trong giới thơ. Ông uống rượu với Trăng, với cái bóng của mình, và không quên mời cả Hoa chứng kiến:

Có rượu không có bạn
Một mình chuốc dưới Hoa
Cất chén mời trăng sáng
Mình với Bóng là ba.
(Một mình uống rượu dưới trăng, Tương Như dịch

Ông cha ta ngày xưa sống rất gần thiên nhiên, nghe tiếng chim kêu mà biết thời khắc, nhìn hoa để thấy mùa đi. Nhà sư thi sĩ Huyền Quang (1254 - 1334) đã từng ghi nhận: Năm cuối trong rừng không có lịch/ Kìa hoa cúc nở biết trùng dương.

Trùng dương đây là Tết Trùng cửu mùng 9 tháng 9, đã sang tiết thu.

Không thể kể hết có bao nhiêu bài thơ hay liên quan đến hoa. Hoa thường gợi một kỷ niệm, là cớ để thi sĩ bày tỏ nỗi lòng:

Trăm giàn lý đỏ đã lên hoa
Tâm sự như in cảnh ác tà
 

Câu chuyện thương tâm ở mùa hoa nào thì người trong cuộc mặc nhiên mã hóa mùa hoa đó thành biểu tượng cho chuyện của mình:

Hôm nay lại nở hoa ly đỏ 
Trong rượu vân vân bao vết cũ 
Người chẳng thấy rằng hoa như tim
Hoa nát lòng ta đau vạn thuở.

 Đó là bài Can trường hành nổi tiếng của Thâm Tâm. Hoa cũng có nhiều sắc độ màu và hương như tính tình con người. Có người trong sáng, hiền dịu, có người sắc sảo dữ dằn. Nhà thơ Chế Lan Viên vào vườn Bác, vì nhớ đến Bác mà hiểu được mùi hương dung dị thanh cao của hoa mộc:

Nhớ Bác, hiểu mùi hoa mộc
Làn hương đạm ấy sao nồng
Ngỡ khuất sau làn gió biếc
Trong hồn, thơ mãi vào trong
                                (Hoa mộc trong vườn Bác)

Có thứ hương hoa quyến rũ mạnh mẽ:

Mở cửa, đường thơm hoa sữa gọi
Phải bùng ra phố, phải đi thôi
 
                                (Thu cảm, Vân Long)

Mùi hoa dạ hương thì còn “dữ dằn“ hơn thế nữa mà nhà thơ Trần Lê Văn đã phải miêu tả:

Không chừng mực chẳng êm đềm
Giữa vườn nổi trận hương đêm dạt dào
Say người, say cả chiêm bao
Trông hiền dịu thế mà sao dữ dằn. 
                                            (Hoa dạ hương)

Nhưng thường thì hoa vẫn biểu trưng cho những gì dịu dàng, xinh nhỏ. Thi sĩ Nguyễn Bính trách người yêu  thật tế nhị:

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Và ông dùng hoa để nhắc nhủ:
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê

Còn gì tự nhiên hợp lẽ hơn Hoa chanh nở giữa vườn chanh, điều hiển nhiên như chân lý khiến cô gái không thể giận được chàng trai khéo nói.

Còn một kiểu hay, mượn hoa nói người, gửi tình mà ta không dễ thấy ngay vì nó tinh tế quá:

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó!
  
                            (Thu nhà em, Lê Đạt)

Mùa thu là của mọi nhà, sao lại có mùa thu nhà em? Ấy bởi cái gì riêng của em đều hay đều đẹp cả, những cái chung của mọi người, gần em, đều bị “riêng hóa” . Lại còn nắng cúc nữa. Nắng là của trời, nhưng bông cúc cũng vàng như mặt trời, vừa tạo được ánh sáng, vừa tạo được bóng râm cho nên trên sân vườn ta thấy được từng vũng nhỏ lăm răm. “Lăm răm” lại là một chữ mới nữa. Cái vũng thơ đó dường như chỉ để dành riêng cho cô gái rửa lông mày.

Vườn đẹp, hoa đẹp, người đẹp khiến chàng trai ngẩn ngơ… Nhà thơ đã “mã hóa” tâm cảm ấy trong một từ heo may với cách tu từ sáng tạo: dùng danh từ thay cho tính từ: Nông nỗi heo may từ đó.

Trong thơ tình yêu của ta có bụi hoa nho nhỏ dịu hiền như trên, lại có cả cây hoa lực lưỡng đánh dấu cả một vùng quê của người ta yêu dấu, làm cái mốc của sự mong chờ cho chàng trai đang yêu:

Và nỗi nhớ chẳng có gì nguôi nổi
Trong bập bùng hoa gạo phía bờ em

                    (Hoa gạo phía bờ em, Hoàng Hữu)

Sắc hoa, chỉ nguyên màu đỏ cũng đã nhiều sắc độ, ngoài sắc độ màu còn cả sắc độ tình cảm người viết, khiến một họa sĩ bậc thầy cũng phải lúng túng khi chọn màu cho hai câu thơ này:

Nếu hoa biết mình chỉ là chứng nhân cho những cuộc tình
                                                                     dang dở

Hẳn màu đỏ kia không thể đỏ thế này?  
                                    (Thơ Nguyễn Hà)

Vậy phải đỏ thế nào để hợp với vai trò chứng nhân cho cuộc tình tan vỡ?

Để bài viết có hậu, xin bạn đọc nghe những câu kết của một mối tình đang nở rạng của nhà thơ Phạm Công Trứ:

Tay em cầm một bông hồng
Đẹp tươi như thể… trắng trong như là…
Sao anh như thấy thừa ra
Hoặc là hoa ấy hoặc là… chính em.

Để ca ngợi một cô gái, nhà thơ sẵn sàng loại trừ bông hoa một cách oan uổng. Sao ta không thể ôm gọn cả cô gái cầm bông hoa vào lòng mình. Không có gì là thừa cả trong cõi đất trời này!

Vân Long