Như bầu trời nghệ thuật

- Thứ Ba, 09/10/2018, 08:40 - Chia sẻ
Các bộ sưu tập chính là lời khẳng định chống lại nền công nghiệp thời trang “mì ăn liền” đang chiếm lĩnh tư duy của mọi người. Haute couture - thời trang cao cấp không phải xu hướng cố định mà giống như bầu trời nghệ thuật được vun trồng từ những nghệ nhân lành nghề.

Sang trọng, đẳng cấp và di sản

Hưởng ứng Tuần lễ Thời trang Paris ở Pháp, Tuần lễ Phim thời trang tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace, Hà Nội từ ngày 24.9 - 2.10 đã mang đến một góc nhìn về Haute couture, thời trang cao cấp. Đó là giai đoạn thăng trầm của làng thời trang cao cấp Paris sau Thế chiến thứ hai, bắt đầu từ những tài năng kiệt xuất Dior, Balenciaga, Saint-Laurent... chung tay xây dựng nên 25 năm huy hoàng của đế chế Haute couture, trước khi nhường lại sân khấu cho thời trang công nghiệp (ready-to-wear). Những thước phim tài liệu đặt khán giả giữa hai dòng thời trang may sẵn và thời trang cao cấp, cùng các câu chuyện nói lên tâm huyết của người làm ra nó.

Haute couture là thuật ngữ Pháp dùng để chỉ sản phẩm đạt chất lượng cao nhất của các nhà thiết kế may mặc đặt làm riêng theo kích thước. Haute couture là sự kết hợp công nghệ kỹ thuật các ngành nghề thủ công với phụ kiện cao cấp, từ sản xuất lông, kim hoàn, thợ thêu... Các nhà thiết kế không thể tự gọi mình là thời trang cao cấp trừ khi được Liên đoàn thời trang cao cấp Pháp thông qua. Các mẫu thiết kế được làm theo số đo của người mặc, hầu như làm bằng tay, cẩn thận đến từng chi tiết và khách hàng hoàn toàn yên tâm về tính độc nhất vô nhị. Thông thường, để sản xuất một bộ trang phục như vậy phải mất 100 - 150 giờ, đôi khi lên đến 1.000 giờ và giá tiền của nó cũng không hề nhỏ. Thống kê từ nhiều tạp chí lớn, thế giới chỉ có vài nghìn khách hàng đủ tài chính để sở hữu những thiết kế dạng này.

Theo Giám đốc Marketing của Yakson Beauty Việt Nam Ly Vũ, người có 4 năm kinh nghiệm làm biên tập viên về thời trang và đảm nhiệm vai trò stylist, thiết kế cho một vài thương hiệu tại Pháp, nếu phân trang phục thành ba tầng - sang trọng, đẳng cấp và di sản - thì Haute couture hội tụ cả ba. Thời trang cao cấp đôi khi là sự tìm kiếm những gì khá đơn giản nhưng chủ nhân có thể sáng tạo, làm những gì mình thích mà không phụ thuộc tiền bạc, thương hiệu hay thị trường, khách hàng cũng rất khác. Không giống thời trang may sẵn, Haute couture giữ lại nếp thủ công, những đường may tinh tế, được làm ra có thể chỉ để mặc trong một ngày.

Với một tỷ lệ bán thấp, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe và mức độ sử dụng ít như vậy, vì sao cần nỗ lực và bỏ chi phí vào nó quá lớn? Câu trả lời là, thời trang cao cấp tạo nên một “giấc mơ” về xiêm y và vẻ đẹp mà người bình thường khó có thể chạm vào. Giấc mơ ấy nâng tầm thương hiệu và khiến cho khách hàng chú ý đến các bộ sản phẩm ứng dụng sau đó. Tuy vậy ngày nay, không ít nhà thiết kế sử dụng bừa bãi tên gọi thời trang cao cấp, khiến công chúng nhầm tưởng trang phục chỉ cần bán với giá đắt và được làm thủ công thì được gọi là Haute couture.


Nhà thiết kế Christian Dior và những tác phẩm thời trang cao cấp để đời

Có còn chỗ đứng?

Hòa vào xu thế chung, những giá trị truyền thống có thể bị mai một như nghề thủ công, thiếu hụt thợ lành nghề… nhất là trước sự lên ngôi của “thời trang nhanh” hay thời trang may sẵn. Nếu như phải chờ rất lâu để sở hữu một mẫu trang phục Haute Couture với giá đắt đỏ thì trong ngành công nghiệp thời trang may sẵn, chỉ cần vài tuần là thị trường đầy rẫy sản phẩm chạy theo xu hướng với mức giá rẻ hơn rất nhiều. Áo váy của các nhà máy phát triển khắp nơi với việc sử dụng máy may, dây chuyền lắp ráp, tạo nên sự đa dạng chủng loại và phục vụ nhiều lứa tuổi… Trong bối cảnh đó, Haute couture còn chỗ đứng hay dần trở thành một phần trong di sản ký ức?

Bên cạnh những phim Pháp, Tuần lễ Phim thời trang cũng trình chiếu bộ phim gây tiếng vang tại Việt Nam thời gian qua là Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Trần Bửu Lộc, Kay Nguyễn). Bộ phim tái hiện bức tranh làng thời trang Việt trong bước giao thoa giữa cổ điển và tân thời, qua đó nói lên sự chuyển mình của thời trang truyền thống trước làn sóng mới mẻ và hiện đại đang ập đến. Qua những câu chuyện như vậy, khán giả có thể suy ngẫm đối sánh về sự cần thiết cũng như hướng đi cho Haute couture.

Hoặc bị xóa tên trên bản đồ thời trang, hoặc phải thay đổi cách thức hoạt động để tồn tại, một số hãng thời trang cao cấp trên thế giới quyết định sản xuất song song hai dòng thời trang cao cấp và may sẵn. Những bộ sưu tập ra đời đều đặn mỗi năm như lời khẳng định chống lại nền công nghiệp thời trang “mì ăn liền”. Giống như cả bầu trời nghệ thuật, Haute couture vẫn cần được vun trồng bởi các nghệ nhân lành nghề, bởi trên cả sang trọng và đẳng cấp, đó là di sản của tư duy thẩm mỹ và sáng tạo. Tư duy thay đổi từng ngày sẽ giúp Haute couture đứng vững và tồn tại song song với ngành công nghiệp thời trang nhanh, như một di sản truyền thống được nối tiếp.

Ly Vũ cho rằng, thời trang cao cấp vẫn có chỗ đứng chừng nào mọi người còn cảm xúc với nó. Thực chất, Haute couture không bán sản phẩm cho bạn mà là bán cảm xúc. Sở hữu Haute couture không nằm ở chứng minh đẳng cấp mà là tận hưởng cảm xúc đặc biệt đến từ sự hoàn hảo chỉ dành cho riêng bạn. 

Hải Đường