Tản mạn

Nhớ quê, nhớ rét

- Thứ Sáu, 20/03/2020, 07:34 - Chia sẻ
Nỗi nhớ rét và nỗi nhớ quê có giống nhau không? Con người cứ chạm vào hoạn nạn thì nỗi nhớ khiến người cúi xuống và cảm nhận, suy ngẫm…

Thời buổi hạn dịch Covid-19, nếu còn có quê để về là bạn đã hạnh phúc lắm. Những ngày qua, nhiều bậc cha mẹ gửi con về quê cho ông bà chăm. Nhà có vườn có đất để thở, có rau chua me đất nở hoa. Con nhỏ ra sân biết đến chum nước, vại cà, cây cau, cây trầu không và cùng bà đi nhặt trứng khi nghe gà cục tác. Nó khác với cháu con ở phố với bố mẹ già, nhà bê tông. Những căn hộ thoáng đãng đã đành, những căn hộ chỉ có một cửa sổ góc hành lang phơi quần áo, trẻ con như bị nhốt trong hầm…

- Bà ơi, cháu không thể viết vì con kiến đang cắn cháu.

-Kiến ở đâu ra? Bà vạch áo tìm cánh tay, khuỷu chân, đều không thấy kiến. Nhìn mắt cháu bà biết nó không chịu viết thì phải xem nguyên nhân.

- Để bà đánh con kiến hai roi xem con kiến đã cắn bạn Nhím ở đâu.

Nhím ta lại gào lên:

- Không viết nữa đâu, viết chán lắm, con muốn xuống sân đi chơi.

 Nó lại oằn người và cơn cớ khác. Bà ngoại tiếp:

- Đang dịch Covid, đi đâu được hả cháu.

- Thì Nhím lý sự:

 Thì mình đi tìm cô Vy, hỏi xem tại sao lại không cho Nhím đi chơi.

Đấy, nhà có một đứa cháu, mà mới 6 - 7 tuổi, bà ngoại phải đánh vật với nó và với cả con kiến tưởng tượng của nó. Nhà nào có hai đứa trẻ, đối phó với bọn chúng trong những ngày nghỉ học ở nhà vì dịch bệnh thế này quả là đau đầu. Chơi lego chán chuyển sang xem phim, đọc sách… song chúng vẫn buồn chân buồn tay. Tối qua nghe ông phàn nàn trong người đang buồn tay buồn chân quá, sáng đứa cháu bảo ngay với ông: - Cháu đang buồn chân, buồn tay thì phải làm gì?

Chung cư thì trẻ con chơi đùa, nói gì phòng nọ có thể vọng sang rõ mồn một. Dĩ nhiên nhà hàng xóm chẳng phàn nàn gì được, vì trẻ con la hét trong không gian nhà người ta, liên quan gì mà bà hay ông láng giềng có ý kiến… Bà Bính chép miệng, chẳng có quê để nhớ nhung mà về. Có mỗi đứa cháu luôn đòi về quê, nếu không có dịch, đưa nó lên làng Đường Lâm chơi, rồi vơ váo là về quê nhà mình để nó hiểu quê là gì. Bà Bính ngồi thừ ra, ừ nhỉ, không phải Tết nhất sum họp, dịch này có quê để về chẳng hơn à?

Không có quê, tiếng thở dài của dân Hà Nội mới thấm và buốt như rét đại hàn. Nhà văn Nhật Tuấn, người viết “Con chim biết chọn hạt”, cứ mùa đông đến lại bay ra Hà Nội, ngồi ở phố cổ ăn ngô nướng rồi xuýt xoa rụt cổ, hai hôm sau lại bay vào xứ nắng Sài Gòn. Nỗi nhớ rét và nỗi nhớ quê có giống nhau không? Con người cứ chạm vào hoạn nạn thì nỗi nhớ khiến người cúi xuống và cảm nhận, suy ngẫm. Người không có quê để về, buồn đến đâu, hỡi chùm khế ngọt?

Hoàng Việt Hằng