Tản mạn

Nhớ Phạm Toàn

- Thứ Năm, 27/06/2019, 07:10 - Chia sẻ
Hạnh phúc lớn nhất và cuối cùng của một đời người, có phải là sự nghiệp? Sự thán phục, nuối tiếc của người khác? Hay là ánh mắt long lanh khi nhắc đến con? Hay nụ cười âu yếm ngượng nghịu khi nhắc đến hơn - một - người - yêu của mình?

Vừa nghe tin ông - nhà cải cách giáo dục nổi tiếng Phạm Toàn qua đời, ngẫm lại, thấy âu cũng là một cuộc đời đáng sống! Trần gian này mấy ai có cuộc đời trọn vẹn như ông: Được học hành giỏi giang, được sống qua đủ cung bậc, được yêu thương và kính trọng rất mực, được làm việc đến những ngày cuối cùng. Và được yêu rất nhiều...

Tôi từng phỏng vấn ông hai lần, mỗi lần hai buổi chiều thật dài, nhưng đều không có bài trên báo. Một lần vì quan điểm của ông không trùng với quan điểm tòa soạn tờ báo tôi làm lúc ấy. Một lần thì chính tôi thấy không viết được, vì ông hơi bị thái quá khi trả lời, ông nói về người bạn thân quá nhiều và công kích cá nhân người mà ông cho là đối thủ cũng quá nhiều, thông tin tôi được giao nhiệm vụ hỏi, ông trả lời rất ngắn và rất chung chung...

Nhưng không vì thế mà sự tò mò và khâm phục của tôi với ông giảm đi chút nào. Tôi khâm phục vì sự trẻ trung trong suy nghĩ và hành động của ông, vì sức làm việc của ông, vì sự bồng bột yêu ghét rất xuân thì của ông, cả vì cái nick “Phạm Toàn vĩ đại” nữa. Một thời gian rất dài không lui tới thăm và nghe nhóm phản biện, tôi cũng không tìm đọc, thông tin rất ít.

Tôi nhớ là mình gặp ông hai lần ở hai tổ ấm khác nhau, đều là những căn hộ sang trọng và ấm cúng. Một lần, ông rất nhí nhảnh trẻ trung tiếp tôi cùng cô vợ “đầm” xinh đẹp. Một lần, ông tiếp tôi ở ngôi nhà im ắng sạch sẽ có lẩn quất mùi thuốc bắc thơm thơm. Độ mươi lăm phút, ông lại chạy vào phòng trong một lần, hỏi han âu yếm rồi lại chạy ra tiếp câu chuyện dở dang: “Cô ốm nặng rồi, chú về bên này ở với cô. Người mình, thế cháu ạ, con chăm cha không bằng bà chăm ông, bà ốm thì ông chăm bà...”. Tôi cứ đần mặt ra, phát hiện một “Phạm Toàn vĩ đại” khác. 

Một lần nữa, trong cuộc seminar thường kỳ của nhóm Tia Sáng, tự nhiên ông hỏi tôi nghe nhạc bằng gì, rồi xúi: “Này, khi nào hơi giàu giàu ấy, đừng mua ô tô vội nhé, dành tiền nghe thử cái dàn Bang Oluffsen nhé! Cháu sẽ thấy một thứ âm nhạc khác hẳn đấy! Nó là một thế giới khác. Như chú này, lúc đi dạy tận miền núi, ăn còn đói vàng mắt ra, không thể nghĩ có lúc mình lại được nghe Mozart từ cái dàn âm thanh tuyệt đỉnh thế kia. Biết ai đưa nó về Việt Nam không? Con gái chú đấy! Chị ấy giỏi lắm nhé! Giỏi cực kỳ!”.

Ra là ông già khoe con! Buồn cười thế, yêu thế! Hạnh phúc lớn nhất và cuối cùng của một đời người, có phải là sự nghiệp? Sự thán phục, nuối tiếc của người khác? Hay là ánh mắt long lanh khi nhắc đến con? Hay nụ cười âu yếm ngượng nghịu khi nhắc đến hơn - một - người - yêu của mình? 

Vĩnh biệt “Phạm Toàn vĩ đại” 88 tuổi trẻ trung và bồng bột, tôi chẳng nhớ gì triết lý giáo dục của ông đâu! Cũng không thích kiểu đánh vần kỳ quặc thực nghiệm, cũng không mua Bang Oluffsen đâu! Chỉ nhớ ánh mắt khoe con và mùi thuốc bắc lẩn quất trong căn hộ Hồ Tây hôm ấy…

Việt Hoài