Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10

<i>Nhớ Nụ cười chiến thắng</i> giữa nghị trường

- Chủ Nhật, 20/10/2019, 07:34 - Chia sẻ
Ai tiếp xúc với chị Võ Thị Thắng, dù chỉ một lần, đều có cảm giác gần gũi, thân thuộc bởi sự khiêm nhường, trí tuệ, nhẹ nhàng của người phụ nữ Nam Bộ… Là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa X, XI, ĐBQH các khóa IX, X và XI, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trên cương vị nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và cử tri tin tưởng giao phó. Ngày 20.10, chúng ta càng nhớ về chị với bức ảnh “Nụ cười chiến thắng” - biểu tượng cho tinh thần trung kiên, bất khuất của phụ nữ Việt Nam.

Phiên tòa kỳ lạ

 Bà Võ Thị Thắng sinh năm 1945 ở xã Tân Bửu, huyện Trung Huyện (Chợ Lớn), nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An, là con út trong một gia đình truyển thống yêu nước. Theo chí hướng của ba mẹ, 9 anh em Võ Thị Thắng đều trưởng thành trên một chiến tuyến cách mạng. Năm 2014, bà mất vì bạo bệnh và năm 2015, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Vào những ngày tháng Tổng tiến công Mậu Thân 1968, cả Miền Nam, các đô thị, rồi Sài Gòn - Chợ Lớn bừng dậy với tiếng súng tiến công của quân giải phóng, thôi thúc các tầng lớp nhân dân lao động, trí thức, học sinh, sinh viên đứng lên cầm súng chống lại kẻ thù. Trong đó phải kể đến phong trào học sinh, sinh viên tại Sài Gòn - Gia Ðịnh và các đô thị lớn ở miền Nam vốn sôi nổi từ trước đó. Phong trào đã nuôi dưỡng, rèn luyện nhiều tên tuổi trong sự nghiệp cách mạng miền Nam như: Trần Văn Ơn, Nguyễn Thái Bình, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư, Võ Thị Thắng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi...

Cuối tháng 7.1968, đô thành Sài Gòn xôn xao bởi tiếng súng diệt ác ôn của nữ biệt động có cái tên thuần Việt - Võ Thị Thắng. Chị bị bắt chỉ vì một thoáng cân nhắc xác định đúng đối tượng để thật sự yên lòng trước khi nổ súng với phương châm không giết lầm người vô tội. Ngày 2.9.1968, Tòa án quân sự Vùng 3 chiến thuật - Quân lực Việt Nam Cộng hòa mở phiên xét xử nữ Việt cộng xinh đẹp, trẻ tuổi ấy. Sau khi nghị án, tòa kết án Võ Thị Thắng 20 năm khổ sai. Một người con gái ngoài 20 tuổi, bị kết án 20 năm khổ sai sao lại có nụ cười tự tin và hồn nhiên đến thế!

Ngày 7.3.1974, Võ Thị Thắng được trao trả Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại sân bay Lộc Ninh theo Hiệp định Paris. Sáu năm trong tù là một trường học lớn để rèn luyện và kiểm điểm ý chí, lòng trung kiên và bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng. Trong 6 năm đó, chị đã bị kẻ thù đọa đầy, giam cầm, tra tấn hết nhà lao này đến nhà lao khác: Thủ Ðức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Hố Nai, Côn Ðảo…

Sau giải phóng chị tham gia công tác Đoàn tại TP Hồ Chí Minh, rồi chuyển sang Hội Liên hiệp Phụ nữ. Năm 1996, khi đang là Phó Chủ tịch Thường trực TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chị được bầu vào Ban chấp hành TƯ Đảng, rồi sau đó được Chính phủ phân công đứng đầu ngành du lịch. Trên cương vị mới, chị hiểu vị trí và hiệu quả nhiều mặt từ du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, trên tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp đất nước. Từ đấy, chị quyết tâm cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục Du lịch chỉ đạo điều hành hoạt động toàn ngành cả ở tầm chiến lược đến hoạt động tác chiến cụ thể… đưa ngành “công nghiệp không khói” liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; dần khẳng định vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn. Lúc nào người ta cũng thấy chị tất bật, khi đi khảo sát để mở tuyến du lịch mới, lúc thảo luận với các chuyên gia để đầu tư cơ sở hạ tầng, khi thì đi thực địa định hướng quy hoạch, khi làm việc với địa phương để tìm cách phát triển ngành, lúc lại đi tiếp xúc cử tri, thăm bà mẹ anh hùng diện chính sách, gia đình nghèo…


Bà Võ Thị Thắng và các nữ lãnh đạo nhân dịp kỷ niệm 40 năm phong trào “Ba đảm đang”
Ảnh: Chu Hà Lan

Nụ cười lan tỏa

Là Đại biểu Quốc hội các Khóa IX, X và XI, chị Võ Thị Thắng không vắng mặt bất cứ đợt tiếp xúc cử tri nào của đơn vị bầu cử tỉnh Long An. Nhận được phản ánh, băn khoăn, kiến nghị của cử tri, nếu trong trách nhiệm của địa phương, chị đều dành thời gian cùng lãnh đạo tỉnh, huyện, xã nghiên cứu giải quyết thỏa đáng. Với quan điểm “nghe cử tri nói, nói để cử tri hiểu”, chị không ngại vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của các huyện nghèo như Đức Huệ, Đức Hòa, Cần Giuộc, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa… Kể cả khi ra Hà Nội, bận rộn là thế nhưng chị vẫn dành thời gian tiếp cử tri và không lúc nào thấy thiếu vắng nụ cười.

Nhiều cán bộ lâu năm đều nhớ đến hình ảnh của Tổng cục trưởng Du lịch Võ Thị Thắng ngược xuôi khi ngành được Chính phủ phân công soạn thảo Luật Du lịch 2005... Trước Luật Du lịch 2005 (có hiệu lực ngày 1.1.2006), du lịch được xã hội nhìn nhận là ngành phục vụ nên chưa được quan tâm đúng mức, chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển. Sau khi Luật Du lịch 2005 ra đời và các văn bản hướng dẫn ban hành đã nhấn mạnh rõ nét tính chất kinh tế tổng hợp của ngành du lịch; các quy định pháp luật tạo điều kiện cho phát triển, mở rộng kinh doanh du lịch đã được quy định, hướng dẫn cụ thể hơn. Trên cơ sở các quy định pháp luật được vận dụng vào thực tiễn, hoạt động hợp tác quốc tế, hội nhập về du lịch được đẩy mạnh, thu hút các nguồn lực đầu tư và mở rộng thị trường, thu hút khách du lịch quốc tế. Các nguồn lực đầu tư trong nước vào lĩnh vực du lịch được tập trung, tăng cường, góp phần tạo dựng vị thế mới của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Nhờ đó, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng cao cả về lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Nhớ chị, nhớ về một nữ anh hùng, nhớ về Nụ cười chiến thắng với câu nói đanh thép: “Liệu chính quyền các ông có tồn tại 20 năm để bỏ tù tôi không?” trước Tòa án quân sự Vùng 3 chiến thuật VNCH. Cuộc đời chị là một sự phấn đấu không mệt mỏi cho hạnh phúc của con người và tôn vinh Tổ quốc…

Chu Hà Lan (*) - Nam Anh

________________

* Nguyên Trợ lý đồng chí Võ Thị Thắng, nguyên Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch