Nhớ gì như nhớ chợ phiên

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:45 - Chia sẻ
Đương lúc cần hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch, lại đâm ngồi nhớ vẩn vơ những phiên chợ nườm nượp người xe của đất Hà thành. Đông vui và sinh động nhất, dễ phải kể đến chợ Bưởi..

Cho đến bây giờ, ở Hà Nội, chỉ còn có 2 cái chợ còn mang dấu ấn xưa cũ và còn giữ lệ họp theo phiên. Đó là chợ Mơ ở phía Nam thành phố, họp vào mồng 2, mồng 7 và chợ Bưởi ở phía Tây Bắc, họp vào mồng 4, mồng 9. Tuy nhiên, từ ngày cả hai ngôi chợ này được xây dựng thành trung tâm thương mại, thì phong vị xưa cũng mai một đi nhiều, chỉ là còn chút nét xưa rơi rớt.

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên

Vào những năm cuối của thế kỷ XX, người Hà Nội cứ mở cửa ra đường, chưa cần đi tới chợ là đã có thể cùng lúc mua được hàng trăm loại mặt hàng khác nhau, từ mớ rau con cá cho đến cả áo quần, mũ nón. Nhưng vẫn có những thứ mà hễ cần đến, thì cứ nhất định phải đợi tới 6 ngày nhất định trong tháng âm lịch, đánh một chuyến lên chơi chợ Bưởi.  

Ông Nguyễn Văn Biên, người ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy loay hoay trở đi trở lại bên mấy lồng thỏ con hồng hồng, xam xám. Vườn nhà rộng, lũ trẻ lại thích nuôi con gì là lạ, khác khác với gà vịt, ngan ngỗng, chó lợn. Vậy thì chỉ có con thỏ là hay nhất, lũ trẻ lại có thể chơi được với chúng. Nên hôm nay nhất định phải kiếm được một đôi. 

Anh Hoàng Mạnh Hùng nhà ở trong khu phố cổ quận Hoàn Kiếm thì tha thẩn bên mấy hàng cây hoa cảnh, trên tay đã cầm sẵn một gốc hoa lý đỏ, thứ hoa leo giàn không rụng lá theo mùa, lại nở bông đúng vào dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền. Thứ cây này mới xuất hiện ở Hà Nội chừng mươi năm, gây trồng hơi khó, nên các hàng rong trên phố không sẵn. Chỉ có lên chợ Bưởi đặt hàng mới có. Cây ở chợ Bưởi vừa rẻ vừa hợp ý hơn hẳn ở các hàng rong trên phố. 

Ca dao Hà Nội cổ có câu: "Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng". Ngày xửa ngày xưa, chợ Bưởi vốn đã được định vị ở nơi đây trên đất làng Yên Thái ở bờ Tây Nam của Hồ Tây. Chợ nằm ở trung tâm của vùng Kẻ Bưởi cũ, giữa một vùng làng nghề thủ công làm giấy, dệt lụa, dệt lĩnh, nấu nha, nuôi lợn, trồng dâu... 

Kẻ Bưởi gồm gần chục làng mang tên Nghĩa Đô, Trung Nha, Vạn Long, Bái Ân, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Đông Xã , Hồ Khẩu... Chợ Bưởi nằm bên chốn hợp lưu giữa hai con sông tự nhiên Tô Lịch và Thiên Phù, nên thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán trên bến dưới thuyền. Chợ lại nằm kề vòng tường thành bao quanh kinh đô Thăng Long, nên dân cư tập trung qua lại khá đông đúc. Người xưa có câu, "nhất cận thị, nhị cận giang" là thế. 

Đặc sản chợ Bưởi

Chợ Bưởi tự xưa vốn là nơi buôn bán hàng hóa của dân các làng nghề trong vùng. Theo các thư tịch cũ còn lại, chợ Bưởi từng có tới 15 gian hàng bán buôn các loại giấy do dân các làng nghề Kẻ Bưởi làm ra. Đó là giấy bản của làng Yên Thái, giấy moi của làng Hồ Khẩu, giấy quỳ của làng Đông Xã, giấy xề của làng Yên Hòa. Nhưng cho đến bây giờ thì chị Ba, một người hàng giấy thật thà bộc bạch: 

- Tôi là con gái làng Bưởi, bán hàng ở chợ cũng đã lâu, nhưng làng Bưởi bây giờ chẳng còn mấy nhà làm giấy, giấy này tôi phải ra chợ Đồng Xuân cất về. 

Cô hàng trẻ tuổi kế bên thì nhanh nhảu: 

- Giấy này không phải giấy Bưởi chị ạ, mà là giấy Bắc Ninh. Giấy Bưởi thì khổ rộng hơn và mặt mịn hơn. Nhiều người vẫn hỏi, nhưng không hiểu tại sao dân trong làng không làm nữa.

Tuy nhiên, cũng không hẳn là nghề làm giấy ở vùng này đã mất hẳn. Bằng cớ là tại chợ, ở gian hàng sắt, vẫn thấy người ta bầy bán những con dao xén giấy đặc chủng sắc như nước, hình cong cong tựa một chiếc hái lúa và một số dụng cụ chuyên dụng khác như liềm xeo giấy, thép can giấy do người làng Xuân Đỉnh ở phía Bắc Hồ Tây đem về hoặc các loại khung phơi, sọt, sề, rổ rá, thúng mủng từ các làng Cổ Nhuế (Từ Liêm) đem xuống, hay các làng Văn Quán (Phú Xuyên), Tự Khoát (Thanh Trì) đem lên. Trong làng duy chỉ còn vài cơ sở làm giấy nhuộm màu cho các nhà làm hàng mã hay học sinh dùng làm thủ công và giấy vệ sinh các loại.

Ở chợ Bưởi, còn có các hàng nông cụ phục vụ cho bà con nông dân các vùng xung quanh. Những là cuốc cày, xén hái, mai thuổng... màu thép loáng lên xanh ngời trong ánh nắng. Song xem ra người mua cũng thưa thớt...

Chợ Bưởi trước đây còn là nơi đầu mối bán buôn các loại hàng lụa lĩnh của các làng nghề ven Hồ Tây thuộc vùng Kẻ Bưởi. Phương ngôn kẻ chợ có câu: "Lĩnh Hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã". Nhưng bây giờ đi cả chợ, bói cũng không ra một tấm lĩnh cổ truyền. Nghề dệt lĩnh Bưởi đã đi vào dĩ vãng từ những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bây giờ, khắp chợ tràn ngập vải vóc lụa là nhập từ nước ngoài về. Ngày xưa, chợ còn là nơi bán buôn các loại hàng hoá do dân trong vùng sản xuất như mạch nha An Phú, bánh kẹo Xuân Đỉnh, cốm Vòng (Dịch Vọng)... Bây giờ, những mặt hàng này cũng vẫn thấy bày bán loáng thoáng trong chợ, chưa mất hẳn bóng dáng. 

Chợ Bưởi cũng còn là nơi mà bà con các vùng ven Hà Nội đem hàng nghề truyền thống đến bán buôn. Bây giờ, cứ đến ngày chợ phiên, ở phía cổng chợ lối lên xuống từ đường Hoàng Hoa Thám, người ta vẫn ngóng bóng bà bán kẹo bột làng Lủ (Thanh Trì) đầu trùm khăn mỏ quạ, răng nhuộm đen, miệng ăn trầu bỏm bẻn. Hai đầu quang gánh lỉnh kỉnh những là kẹo vừng, kẹo lạc, bỏng ngô, bỏng gạo bọc trong những tấm lá chuối khô chéo lạt rơm và lủng lẳng mấy xâu bánh men rượu như những mảnh trứng nhện trắng màu vôi bột, còn dính mươi mảnh vỏ trấu vàng ươm.

Ông hàng thừng chão Trung Văn (Từ Liêm) quần nâu áo cánh, quạt nan phành phạch ngồi giữa đám thừng sợi to nhỏ quấn vòng, tết vặn đủ các kiểu. Ông kể rằng: Chợ Bưởi cách đây dăm sáu chục năm trước chỉ có hai cầu chợ ngói. Còn thì đều là lều lán tạm. Còn sau hoà bình lập lại 1954 mới làm lại tất cả bốn năm cầu chợ. Cây bóng mát cũng mới trồng từ dạo ấy. Ngày xưa, tôi bán toàn thừng giang, thừng tre, thừng nứa, thừng đay, thừng gai... Nhưng bây giờ làng tôi làm cả thừng ni lông, thừng nhựa, vô khối!

Chợ Bưởi, theo tên gọi dân gian lâu đời vốn là chợ bán hoa quả, chủ yếu là hoa quả các làng trong vùng. Phương ngôn kẻ chợ có câu: "Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Riêng đến tháng tám lại thêm phiên rằm/ Ai ơi nhớ lấy kẻo lầm/ Đi mua hoa quả chơi rằm trung thu". Nhưng mà chợ Bưởi bây giờ, không chỉ có hồng na bưởi chuối nhãn, mà còn có đủ thức hoa quả trăm miền trên đất nước và cả hoa quả từ nước ngoài đem về như táo Mỹ, xoài Thái, mận Úc... và cơ man nào là hàng hoa quả Trung Quốc, cứ vàng tím, đỏ xanh khắp các dãy hàng. Và rồi thì ngay cả đến ti vi, cát sét, máy vi tính cũng đầy rẫy, sáng choang. 

Ở chợ Bưởi, người ta có thể lựa mua được những thứ rau quả tươi ngon còn thấm đẫm sương đêm mới được cất về từ những làng rau chuyên canh ven sông Tô và sông Nhuệ,  hay kể cả các loại rau quả đặc sản của các vùng trên đất nước. Và cũng ở chợ Bưởi, các loại cá tôm tươi rói như thể vừa được cất lưới từ mặt nước Hồ Tây hay đưa từ các lồng cá trên sông Nhuệ, các thuyền cá trên sông Hồng đem về. 

Những mặt hàng tươi sống ở chợ Bưởi hình như có rẻ hơn ở các chợ trong trung tâm thành phố chừng vài ba giá. Có lẽ do bà con nông dân lên đây đỡ được một vài đoạn đường xa, và thuế má ở chợ nghe chừng cũng có nhẹ nhàng hơn. 

Chợ Bưởi - Chợ cây giống

Một trong những mặt hàng đặc sắc ở chợ Bưởi là cây giống các loại từ các làng trồng hoa cây cảnh cổ truyền ven hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các xã  vùng rau hoa như Tây Tựu, Phú Thượng đem về vào các buổi chợ phiên. Số lượng các mặt hàng cây hoa giống tăng lên gấp hàng chục lần so với ngày thường. Người dân nội thành bây giờ nhà cửa khang trang hơn nhiều. Họ thường tìm lên đây tầm mua vài khóm thiên lý, lan tiêu, bìm bìm, tầm xuân, ti gôn, đai vàng. Các loại cây trồng chậu như: địa lan, thiết mộc lan, ngũ gia bì, mai tứ quý, sen cạn, vàng anh, xoan táo, đinh lăng, đuôi lươn, mỏ vịt...

Các loại cây hoa đẹp như hồng, huệ, nhài, tường vi, dâm bụt, trinh nữ, cẩm tú cầu... trăm thức khác nhau, mỗi thứ một vẻ. Thậm chí, muốn tìm mấy giống cây ăn quả, hay những cây bóng mát loại lớn, người Hà Nội cũng chỉ tìm lên chợ Bưởi. Nào là ngọc lan, hoàng lan, bằng lăng, gạo gai, phượng vĩ. Rồi các giống cây ăn quả đặc sản như hồng xiêm Xuân Đỉnh, cam Canh, bưởi Diễn..., thứ gì cũng có, song cũng tuỳ theo mùa, theo tiết,

Bà cụ già tên là bà cụ Gái, áo cánh phin nõn, tóc bạc như tơ, tươi cười trò chuyện: Nhà tôi ở Nghĩa Đô, có mảnh vườn rộng, tự tay tôi trồng cấy ngải cứu, lá lốt, tía tô, dấp cá, ớt. Tất cả những cây này đến phiên chợ Bưởi là tôi đem ra bán. 

Chị phụ nữ tên là Lan người làng Đăm bộc tuệch: Nhà em chỉ có 2 sào rưỡi đất ruộng, cấy không đủ ăn, nên quanh năm mùa nào vụ ấy, em làm thêm các loại cây giống như rau ngót, sương sông, mùi tàu, dọc mùng. Ngoài ra còn làm thêm các loại cây cảnh như tố nữ, sen cạn, lan, nhài. Mà chỉ đem đi chợ Bưởi mới có khách, đem các chợ khác không có mấy người mua. Em bán cây giống ở chợ đã 20 năm rồi. 

Chợ Bưởi - chợ con giống

Một chị hàng trùm khăn vải vẩy một nắm cơm nguội lên chiếc sọt nan thưa và rộng, bầy ngan con vàng ươm kíu kíu vươn cổ lên đớp đớp. Anh lái lợn túm đôi chân con lợn tháu kêu eng éc, miệng liến láu, tay vung vẩy chỉ  trỏ  phô nết hay ăn chóng lớn của chú ỉn cho bà khách vấn khăn nâu, túi áo cánh găm chiếc kim băng to tướng. Cậu bé chừng năm, sáu tuổi níu quần bố mếu máo đòi mua cả lồng mấy chú chó con lông hung hung vàng. Được đi chợ Bưởi một hôm là nguồn vui tột bậc của lũ trẻ thành phố vốn quanh năm sống trong phố xá chật hẹp, tù túng, toàn người là người. 

Bà hàng gà giống, khăn kẻ vuông buộc trùm trán, giọng người trên Phùng vóng vót: Tôi đi chợ quanh năm, cứ mồng 2, mồng 7 chợ Mơ, mồng 4 mồng 9 lên chợ Bưởi, mồng 5 mồng 10 thì vào chợ Hà Đông, ngày 3, ngày 6 sang chợ Sa. Gà Đông Tảo nuôi nhanh lớn nhất. Mấy năm nay có thêm gà Tam Hoàng, gà Long Phượng giống Tàu, nuôi cám cò lớn nhanh lắm, với mấy giống gà Tây nữa. Nhưng dân Hà Nội vẫn chuộng gà ri ta chân nhỏ mỏ vàng, nuôi lâu lớn nhưng thơm thịt.

Một ông đặc nông dân, áo đại cán sờn khuỷu tay, khăn len kẻ xanh đỏ vắt xộc xệch trên đầu đang vạch đuôi mấy con ngan giống săm soi: Phải chọn giống ngan đực, ngan trâu, nuôi nó mới mau lớn, chắc thịt, dôi cân, lắm lãi.

Nghe nói ngày xưa, vào phiên chợ 19 tháng chạp âm lịch hàng năm, chợ Bưởi còn có bán cả các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa..., bây giờ thì không thấy có.

Người ta thường nói: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Nhưng mà, kỳ thực, chỉ cần đi chợ Bưởi một giờ thôi, thì có khi cũng đong đầy cả mấy túi khôn. Nào là cách chọn gà, chọn vịt, chọn chó, chọn mèo, chọn chim, chọn thỏ. Chỉ riêng có cách chọn chó thôi nhé, nghe một chốc cũng ù tai. Những là tam khoanh tứ đốm. Những là tứ túc mai hoa. Rồi lại còn tứ túc huyền đề gì gì nữa...

Ông đeo kính túm gáy con mèo tam thể nhấc bổng trước mặt thằng cu cháu. Con mèo thảng thốt kêu meo meo mấy tiếng, mình mẩy co dúm, chân sau chạm tai. Thằng cu bé hếch mắt nhìn theo không chớp. Ông nó gật gù: Hay chuột lắm đây, chứ chẳng đuỗn đuồn đuồn như con mướp lấm đằng kia!

Cô hàng mèo được lời như cởi tấm lòng, cười toe cười toét dang tay âu yếm đón lại chú mèo như không nỡ bán, trong lúc cu con cứ kéo áo ông mếu máo đòi mua bằng được. 

Nhưng mê mấy cũng không tày phiên chợ Bưởi giáp Tết. Ngồn ngộn những hoa thơm, quả lạ, chiu chít gà vịt ngỗng ngan, tươi rói lá dong, lạt màu, rộn ràng, lộng lẫy véo von hàng trăm lồng chim, chậu cá. Và đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, hoa Tây Tựu ken thành một dòng suối hoa rực rỡ chảy tràn sang tận các ngả đường từ Lạc Long Quân đến Thuỵ Khê, Hoàng Hoa Thám rồi xuôi về hàng trăm ngả phố Hà Nội...

Chợ phiên - nhớ quá!

Tuỳ bút của Vũ Thị Tuyết Nhung