Nhớ áo bông chần

- Thứ Tư, 03/02/2016, 11:33 - Chia sẻ
(ĐBND Xuân Bính Thân) - Cách đây không lâu, một cuộc triển lãm có tên “Áo bông” được tổ chức ở Hà Nội. Tại triển lãm, những chiếc áo bông hiện diện không đơn giản chỉ là vật trưng bày, mà nó còn mang trong mình câu chuyện của một thời khó khăn đã qua. Nhìn vào đó, ký ức của những năm tháng mẹ gò lưng đạp xe đưa con đi học giữa mưa phùn gió bấc bỗng rưng rưng thức dậy trong tôi…

Xa xứ Bắc, nhớ nhất là rét.

Rét dường như là một thứ “đặc quyền” của người miền Bắc. “Cái rét đầu đông, khăn em bay, hiu hiu gió lạnh” để rồi thấy “dường như ai đi ngang cửa, gió mùa đông bắc se lòng…”. Rét như là cái cớ để phụ nữ làm duyên, cái cớ cho những vòng tay vụng về tìm đến nhau, những giận hờn cũng dễ làm hòa. Nếu không thì làm sao đi qua được mùa đông giá buốt? Chẳng thế mà không ít người phương Nam, quanh năm quen thời tiết ấm áp, khí hậu chỉ có hai mùa mưa nắng nhưng chợt nghe bản tin báo gió mùa đông bắc bỗng dậy lên nỗi thèm “được rét một lần cho biết”. Nhưng nếu chỉ “nhúng” một lần vào rét cho thỏa tò mò thì mãi mãi không bao giờ hiểu được mùa đông phương Bắc. Và dù không ít người Bắc vì điều kiện sức khỏe hay công việc mà phải chuyển vào phương Nam sinh sống, thì mỗi khi mùa đông đến vẫn man mác một nỗi nhớ khó gọi thành tên.

Cái rét xứ Bắc cũng lạ. Rét cắt da cắt thịt, rét đến tím tái mặt mày, rét đến cứng chân, cóng tay nhưng cứ thử “đến cữ” mà chưa thấy rét là bỗng thấy có cảm giác thiêu thiếu, văng vắng. Như bạn đi xa đến hẹn chưa kịp về. Như người yêu cũ đã chia tay rồi mà bỗng dưng lòng dạ cứ nôn nao là nhớ. Người làng hoa thì khỏi nói. Bụng dạ sao mà bồn chồn, đứng ngồi không yên vì nỗi lo mất mùa đào, quất nếu rét về muộn quá. Tết miền Bắc thiếu cành đào phai thì nhạt nhẽo lắm, vô duyên lắm. Nhưng rét xứ Bắc năm nay chỉ đễn trễ chứ không lỗi hẹn. Mới đấy nhiệt độ còn 26 - 27 độ, vậy mà chỉ vài hôm, cả miền Bắc đã đắm trong buốt giá. Sa Pa đã kịp xuống tới 0 độ C. Trẻ con đã thấy ngại đánh răng vào mỗi tối. Phố xá đêm như vắng lặng hơn. Thời gian như ngưng lại trong se sắt gió mùa.


Rét khiến người ta bỗng trở nên hoài cổ, câu cửa miệng hay nhắc “ngày này năm ấy…”. Chẳng ai bảo ai, mùa đông năm sau hay ôn lại những mùa đông cũ. Và câu chuyện của ký ức cứ kết nối từ ông bà, bố mẹ sang con cháu. Chiếc áo bông chần nằm ngoan trong tủ bỗng cụng cựa đánh thức dậy bao niềm hoài niệm. Cái cảm giác đã từng đi qua những mùa đông mưa phùn gió bấc quả là không dễ để quên. Con người phải học cách đương đầu, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt để sinh tồn, từ đó biết trân trọng hơn những ngày nắng đẹp, mưa thuận gió hòa. Mùa rét mới có chuyện vo gạo rửa rau bằng… đũa. Rét nên phải giục nhau ăn nhanh kẻo mỡ đóng váng trên mặt bát canh cà chua vừa mới đây còn nóng hôi hổi. Hàng xôi nóng đầu phố bỗng dưng đắt khách. Lạnh thế, có gói xôi chui vào phòng ngồi ăn vừa chắc dạ, vừa ấm bụng.

Chẳng hiểu sao mỗi khi hồi tưởng lại những ngày đông tháng giá suốt những năm bao cấp, tôi vẫn hay nghĩ về tấm áo bông chần. Dẫu chỉ là một manh áo, vậy mà lạ thay chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ thấy ấm lòng. Áo gồm hai lớp vải, ở giữa có lót bông cho ấm. Người thợ sau khi cắt các bộ phận của áo thì xếp phẳng miếng vải lót áo ra để dàn bông cho đều trên bề mặt, sau đó dùng chỉ khâu đột hình mắt na dọc theo miếng vải giúp lớp bông không bị xô lệch. Khi đã cố định được bông thì mới ráp tiếp lớp vải bên ngoài và khâu đột thêm một lần nữa cho chắc chắn. Thợ may khéo là dựng áo không để lộ các đường may, sao cho cả hai mặt đều có thể mặc được ra ngoài.

Áo bông của con nhà nghèo đơn sơ, giản dị bởi vải dùng để may áo thường là vải phin hoa. Tươm hơn một chút là chiếc áo bông có mặt ngoài là vải lụa, mặt trong là vải diềm bâu nhuộm sẫm mầu. Con nhà khá giả thì xúng xính diện áo bông được may từ vải sa tanh bóng, bên trong lót lụa, chạm tay vào mát lịm nhưng lại giữ nhiệt rất tốt. Những chiếc áo may từ sa tanh thường có màu sắc sặc sỡ, các chi tiết trên áo được thêu hoa lá cầu kỳ. Khuy áo có điểm đặc biệt là được tết bằng chỉ với những nút cài xinh xắn có hình dáng giống như nụ hoa chè. Với loại khuy này, khi cài áo lại, hai vạt sẽ khít vào nhau. Mùa đông, có tấm áo bông khoác lên người là tha hồ ung dung, khỏi lo gió lạnh truy đuổi!

Áo bông chần còn có thể may thành áo gile để mặc trong, vừa mềm vừa ấm. Trong nhà bao giờ áo của các anh, chị mặc chật cũng được giặt sạch sẽ và cất đi để dành mùa sau cho em. Những năm tháng khó khăn ấy, áo tôi thường được may rộng để mặc được mấy mùa. Không ai cười ai khi thoáng nhìn tay áo bị sờn, sắc áo ngả mầu. Đời sống của mọi người hầu hết còn khó khăn lam lũ, quần còn “dán tích kê” đầy mông thì chiếc áo bông sờn, mặc “truyền đời, truyền mùa” cũng là chuyện thường tình.

Ngẫm cũng thú vị. Chiếc áo bông từ thời cụ Tú Xương: “Trời mưa một mảnh áo bông che đầu” tình thật là tình, đến những năm bao cấp đã thành vật bảo hộ cho con người trong mùa rét. Bây giờ thật khó tìm được bà mẹ nào ngồi đột lại tấm áo bông chần cho con. Tủ quần áo cũng dần thay thế bằng nhiều chủng loại. Đời sống khấm khá lên, nhiều nhà đã có của ăn của để. Nhu cầu “ăn no, mặc ấm” đã chuyển thành “ăn ngon, mặc đẹp”. Rét chưa tới, áo cho mùa rét đã treo la liệt ngoài phố. Áo phao, áo dạ, áo len, áo giữ nhiệt… đủ chủng loại, đủ sắc màu bắt mắt ra sức chào mời. Tiền ít tiền nhiều đều có thể chọn được loại phù hợp, không còn nỗi lo chuyển mùa lại phải soạn sửa chắp vá quần áo cũ thành những manh áo mới đón đông về. Chiếc áo bông chần nếu có, cũng chỉ mặc để thay đổi, không còn giữ ngôi “chị cả” trong tủ quần áo.

Cách đây không lâu, một cuộc triển lãm có tên “Áo bông” được tổ chức ở Hà Nội. Tại triển lãm, những chiếc áo bông hiện diện không đơn giản chỉ là vật trưng bày, mà nó còn mang trong mình câu chuyện của một thời khó khăn đã qua. Nhìn vào đó, ký ức của những năm tháng mẹ gò lưng đạp xe đưa con đi học giữa mưa phùn gió bấc bỗng rưng rưng thức dậy trong tôi. Thuở ấy, đêm nằm nghe gió luồn qua cửa gỗ xộc xệch mà rùng mình. Chăn trùm kín đầu,  nghĩ sáng mai phải bước chân ra ngoài đường mà ớn. Trời lạnh nên có khi thì cả tuần, thậm chí nửa tháng mới tắm. Mỗi lần tắm là nước nóng đun cả nồi to, khói bốc nghi ngút. Tắm xong khoác lên người tấm áo bông, vậy là biết có đủ sức chống chọi được với cả mùa đông khắc nghiệt.

Những năm chật vật, thiếu thốn dần thành câu chuyện của dĩ vãng. Nhà mái bằng, nhà cao tầng dần thay thế cho nhà mái ngói trống tuềnh trống toàng. Điện thay cho đèn dầu, tối dọi muỗi trong màn không lo lửa sém áo quần. Áo bông chần được thay thế bằng những áo phao, áo nỉ bắt mắt hơn, tiện dụng hơn. Rồi thì điều hòa hai chiều, lò sưởi. Mùa đông không còn là nỗi ám ảnh hãi hùng. Áo bông chần cất sâu dưới đáy tủ, thành vật kỷ niệm.

Ấy thế mà cũng thật lạ. Áo bông chần bỗng lại sống dậy trong mấy năm trở lại đây. Làng thời trang bỗng háo hức với làn sóng áo chần bông. Chất liệu đa dạng hơn: nào tafta, nào vải đũi, nào phối da, phối nhung…; kiểu dáng cũng bắt mắt hơn, nhưng gốc gác sâu xa vẫn là chiếc áo bông chần chịu thương chịu khó thuở nào. Không cồng kềnh như áo phao, không nặng nề như áo dạ, áo bông chần như cô chị nhẫn nhịn, lam lũ bao năm kín tiếng giờ bỗng được “phát hiện” ra nhan sắc mặn mà, được người người ưa chuộng, săn đón. Và cũng không lạ khi trong một đám cưới nào đó, bỗng thấp thoáng chiếc áo bông chần cách điệu thành tấm áo choàng kiêu hãnh trên người cô dâu. Chiếc áo của quá khứ vẫn đang tiếp tục sống trong thời hiện tại, với hình hài mới, viên mãn hơn.

Bản chất của cuộc sống là sự vận động không ngừng. Mỗi người đều có những chiêm nghiệm, ngẫm ngợi của riêng mình. Tôi may mắn được trải nghiệm những năm tháng bao cấp rồi chuyển sang thời đổi mới, mở cửa. Có nhiều cách để tổng kết, đánh giá một chặng đường đã qua. Nhưng có lẽ cách giản dị mà ai cũng có thể cảm nhận được sự đổi thay của thời cuộc đó chính là suy xét từ chính những bộ trang phục mình đang khoác trên người. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó thì hành trình của sự phát triển có thể nhận thấy rất rõ chỉ từ câu chuyện của một tấm áo cũ…

Tùy bút của Điệp Nam