Nhịp cầu

Cân nhắc kỹ việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1

- Thứ Năm, 06/08/2020, 05:18 - Chia sẻ
Giám sát việc chuẩn bị điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020 - 2021, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lào Cai đã chỉ ra một số khó khăn. Đó là, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 gặp nhiều vướng mắc do đặc thù của tỉnh vùng cao, biên giới nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều.

Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân còn nhiều hạn chế, tính phản biện không cao. Việc lựa chọn sách giáo khoa được triển khai vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà trường cơ bản chỉ lấy ý kiến thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, chưa thể đánh giá được tính khách quan, dân chủ trong triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, trong 5 bộ sách mẫu thì chỉ có bộ sách “Cùng học phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”có bản cứng; các bộ sách “Cánh Diều”, “Chân trời sáng tạo” và “kết nối tri thức với cuộc sống” đều là bản mềm (sách điện tử), dẫn đến các cơ sở giáo dục rất khó khăn trong quá trình nghiên cứu, so sánh, lựa chọn.

Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 trong các cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2020 - 2021, về cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa hợp lý; thiếu nhiều giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Đặc biệt, khi Chương trình yêu cầu 2 môn tiếng Anh và Tin học là môn bắt buộc từ năm học lớp 3 thì việc đáp ứng đủ số lượng đội ngũ giáo viên còn khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn khoảng 50% học sinh chưa được học môn Tin học, 40% học sinh chưa được học Ngoại ngữ. Một số môn học mới chưa có giáo viên chính quy giảng dạy. Toàn tỉnh còn trên 600 điểm trường lẻ thiếu thiết bị công nghệ thông tin; không có trang thiết bị hiện đại, chưa có điện lưới quốc gia, nằm trong vùng lõm không có intenet sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục toàn diện.

Thực tế trên cho thấy, để việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 trong năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo đạt chất lượng, hiệu quả, thiết nghĩ các sở, ngành chức năng cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo để đề nghị điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới, đặc biệt là các nội dung được quy định trong Luật Giáo dục năm 2019.

Tiếp tục rà soát quy mô mạng lưới trường, lớp học; có kế hoạch đầu tư mua sắm danh mục trang thiết bị dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Kiểm tra, giám sát chặt việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đối với các cơ sở giáo dục để kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên bảo đảm lộ trình, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh năm học 2021 - 2022 cần xem xét, cân nhắc kỹ việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 để có sự kế thừa, tiếp nối nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

 

Lưu Hiên