Nhịp cầu

Sớm đưa các cơ sở giết mổ tập trung vào hoạt động

- Thứ Hai, 15/06/2020, 07:40 - Chia sẻ
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngăn chặn dịch bệnh trên động vật và bảo vệ môi trường, năm 2013, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đến năm 2020 nhằm kiểm soát hoạt động giết mổ. Song, đến nay nội dung này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sự vào cuộc giải quyết của các cấp, ngành, đơn vị liên quan. Thực tế, việc quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại những bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo phản ánh của người dân, phần lớn sản phẩm thịt lợn được bày bán tại các chợ trên địa bàn đều do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ cung cấp và không có dấu kiểm dịch.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 hộ hành nghề giết mổ gia súc, gia cầm, hơn 13 nghìn hộ kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn tại 184 chợ. Tuy nhiên, đa số các hộ giết mổ, kinh doanh này đều hành nghề tự phát, tự tìm nguồn vào và tiêu thụ. Trước đây, trên địa bàn đã từng có một số cơ sở giết mổ tập trung của cả Nhà nước và tư nhân, song do hoạt động kém hiệu quả nên buộc phải giải thể. Trong đó, đã có cơ sở được đầu tư với số vốn lên đến hàng chục tỷ đồng, trang thiết bị hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của châu Âu phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động chưa được bao lâu đã phải đóng cửa do dịch bệnh tai xanh trên lợn bùng phát, các nước không nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam khiến lượng hàng tốn quá lớn, lại không thể bán ra thị trường trong nước bởi thói quen sử dụng thịt của người tiêu dùng.

Trên thực tế, để có thể hoàn thành việc xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn nhưng thời gian thu hồi vốn chậm, khâu thu hút các hộ giết mổ nhỏ lẻ đến lò mổ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, công tác quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng bởi lực lượng cán bộ thú y quá “mỏng” mà các điểm giết mổ này lại quá nhiều. Mặt khác, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ chui; chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, cử tri địa phương mong muốn các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương cùng chung tay vào cuộc quyết liệt hơn để sớm hoàn thành việc xây dựng, đưa các cơ sở giết mổ tập trung đi vào hoạt động, bảo đảm nguồn hàng vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần có giải pháp quyết liệt đưa các điểm, hộ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, kiên quyết buộc dừng hoạt động đối với các lò mổ chui không đủ điều kiện vệ sinh thú y, chưa có giấy phép kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở giết mổ với hộ chăn nuôi quy mô lớn để tạo liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ; đồng thời, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

SƠN NGUYÊN