Nhịp cầu

Theo sát việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

- Thứ Tư, 26/08/2020, 08:53 - Chia sẻ
Việc các doanh nghiệp khai thác đá tại núi Chùa, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, Bình Định làm mất đi quang cảnh tự nhiên, quá trình khai thác đá xả nước thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng gây bức xúc trong thời gian dài. Trước Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bình Định Khóa XII (Kỳ họp giữa năm 2020), cử tri tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, khắc phục; đồng thời, quy định việc khai thác về độ cao bao nhiêu cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tự nhiên của di tích núi Chùa.

Trả lời nội dung này, UBND tỉnh Bình Định cho biết: Hiện có 6 doanh nghiệp được cấp phép tại khu vực núi Chùa. Các khu vực cấp phép không thuộc rừng phòng hộ và tuân thủ các quy định liên quan. Quá trình cấp phép đã lấy ý kiến thống nhất các ngành và UBND huyện Phù Mỹ, UBND xã Mỹ Hòa. Các doanh nghiệp đã lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định, có lấy ý kiến tham vấn cộng đồng dân cư địa phương.

Tại khu vực nêu trên, mỏ đá cấp cho Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite có vị trí gần di tích chùa Hang. Tuy nhiên, trước khi cấp phép đã loại trừ yếu tố khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực bảo vệ cảnh quan, khu vực mỏ và đã có ý kiến thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời, Công ty có cam kết với nhà Chùa là khai thác trong phạm vi cấp phép; không khai thác, vận chuyển đá trong những ngày lễ, nghỉ và không ảnh hưởng đến mọi hoạt động của nhà Chùa.

UBND tỉnh cho biết thêm: Sau các đợt mưa lớn, đã có hiện tượng sạt lở và ảnh hưởng đến môi trường tại khu vực này. Sau chỉ đạo liên ngành kiểm tra, UBND tỉnh đã có Văn bản số 8108/UBND-KT ngày 28.12.2018 yêu cầu các doanh nghiệp dừng các hoạt động khai thác cho đến khi hoàn thành bể lắng và các hạng mục xử lý lượng bùn đất lắng đọng. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát việc khai thác đá của các doanh nghiệp. Theo đó, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã ban hành 5 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 5 doanh nghiệp khai thác đá tại núi Chùa với tổng số tiền xử phạt 350 triệu đồng. Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp hoàn thành việc lập hồ sơ Kế hoạch vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải (Công ty TNHH MTV Khoáng sản Tuấn Đạt, Công ty TNHH MTV Bảo Thắng Bình Định, Công ty  TNHH Hoàn Cầu - Granite, Công ty TNHH Granite Đông Á); 2 doanh nghiệp còn lại (Công ty Cổ phần VRG đá Bình Định và Công ty TNHH MTV Khoáng sản Tuấn Đạt) đang hoàn thành một số hạng mục bảo vệ môi trường theo quy định.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc dừng hoạt động khai thác của các doanh nghiệp tại khu vực này theo chỉ đạo số 8108/UBND-KT nêu trên. Nhất là công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cùng với tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng, rất cần sự tiếp tục theo sát, đôn đốc của đại biểu, cơ quan dân cử địa phương để sớm giải tỏa lo lắng, bức xúc của cử tri.

HÀ NGỌC