Nhịp cầu

Quyết liệt hơn trong trồng rừng thay thế

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:52 - Chia sẻ
Giám sát công tác quy hoạch, phát triển rừng và việc chấp hành pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước ghi nhận: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị đã thực hiện tốt một số chỉ tiêu, công tác tuyên truyền đã được chú trọng, đa dạng nhiều hình thức; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác cơ bản đã thực hiện theo đúng các quy định; quản lý, bảo vệ và phát triển ổn định lâm phần của tỉnh…

Cùng với đó, công tác giao khoán diện tích rừng và đất rừng cho các hộ gia đình, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư ở địa phương quản lý bảo vệ đã được thực hiện khá tốt. Từ năm 2017 đến tháng 6.2020, tổng diện tích đất lâm nghiệp giao khoán trên địa bàn tỉnh là 10.121,9ha, trong đó giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân là 8.091,2ha; giao khoán cho tổ chức là 2.030,8ha. Kết quả giao khoán đã góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho các cộng đồng dân cư, giảm sức ép lên môi trường rừng. Đã có 88 tổ, đội tình nguyện và xung kích bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng được thành lập.

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng đã chỉ ra nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết số 47/2017/NQ-HĐND ngày 12.12.2017 của HĐND tỉnh về quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,85%, thấp hơn so với nghị quyết là 0,05%; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng là 6.020ha, chỉ đạt 31,57%; thực hiện điều chỉnh diện tích tự nhiên, đất bán ngập để quy hoạch trồng rừng phòng hộ là chỉ đạt 43,2%; trồng cây phân tán không đạt số lượng bình quân 100.000 cây/năm.

Đoàn giám sát cũng ghi nhận những khó khăn của các đơn vị trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ là đất bán ngập thuộc các lòng hồ thủy điện thủy lợi, để thực hiện trồng mới rừng phòng hộ cần được Bộ Công thương cấp phép. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương nhưng vẫn chưa được xem xét chấp thuận, dẫn tới hạn chế kết quả công tác phát triển rừng. Bên cạnh đó, biên chế của các đơn vị tiếp tục thực hiện tinh giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quốc tế vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học phát triển rừng cũng còn hạn chế.

Thực tế trên cho thấy, để làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, phát triển rừng cũng như quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp để bảo vệ diện tích rừng hiện có của tỉnh. Trong đó, quan tâm đến công tác trồng rừng thay thế và cần phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa để bảo đảm theo đúng quy định như yêu cầu của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Ngọc Trai tại cuộc họp thông qua kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bình Phước về nội dung này.

LÊ PHƯỚC