Nhìn thẳng vào những yếu kém

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 09:01 - Chia sẻ
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Quảng Ninh luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, cử tri toàn tỉnh. Tại Kỳ họp thứ 18 này, tinh thần đi đến cùng những tồn tại, bất cập tiếp tục được thể hiện từ việc lựa chọn nội dung, phương pháp thực hiện, đến điều hành, định hướng của chủ tọa. Vì vậy, những tồn tại trong thực tiễn khiến cử tri chưa thật sự yên tâm đã được làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm.

Mang thực tiễn vào chương trình nghị sự

Ngay trong phần khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp Nguyễn Xuân Ký đã đưa ra những định hướng hết sức rõ ràng về nội dung của phiên họp. Theo đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: Công tác đào tạo nghề và giải ngân vốn đầu tư công. Xác định đây là hai nội dung hết sức quan trọng của tỉnh trong thời điểm hiện tại, chủ tọa đặt yêu cầu rõ cho các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương, sở, ngành liên quan đi thẳng vào vấn đề để làm rõ các nội dung cử tri, người dân quan tâm.

Chính sự định hướng ngay từ ban đầu của chủ tọa khiến phiên chất vấn và trả lời chất vấn dù chỉ diễn ra trong nửa ngày nhưng đã tận dụng được tối đa quỹ thời gian, hỏi ngắn gọn - trả lời trực diện, thể hiện được sự quan trọng của hoạt động giám sát trực tiếp này. Hàng chục câu hỏi của đại biểu và phần trả lời của các "tư lệnh ngành", lãnh đạo địa phương làm không khí nghị trường thực sự sôi động. Hiệu quả và hấp dấn hơn cả là những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, từ chuyện đào tạo nghề đến giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có vấn đề rất nóng từ Trung ương cho đến địa phương là giải ngân vốn đầu tư công đã được khuấy động trên diễn đàn kỳ họp. Phiên họp đã tái hiện bức tranh sống động của thực tiễn để cử tri trong tỉnh cảm thấy cuộc sống của chính mình đang được đưa vào chương trình nghị sự.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên thảo luận Tổ tại Kỳ họp  

Ảnh: Q. M.G 

Rõ trách nhiệm, giải pháp và lộ trình khắc phục

Trong phần đăng đàn trả lời về công tác đào tạo nghề, đặc biệt là câu chuyện đầu ra nghề nghiệp bền vững, Giám đốc Sở LĐ, TB - XH Nguyễn Hoài Sơn thẳng thắn thừa nhận: Lĩnh vực này cũng còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Đơn cử như, tỷ lệ lao động vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn ít, hầu hết là tự tạo việc làm. Số lao động tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng đầu tư sản xuất còn thấp… Tương tự, là thực trạng chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Bởi, vẫn còn đó câu chuyện đào tạo chưa sát với thực tế; đào tạo mà chưa gắn với định hướng, mục tiêu phát triển của địa phương…

Điều hành nội dung chất vấn này, chủ tọa yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn trong 10 năm qua, gắn với một số nghị quyết liên quan của HĐND tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 220 về các danh mục nghề được khuyến khích, ưu đãi. Xem mức độ phù hợp để đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp. Chỉ đạo UBND thị xã, thành phố đánh giá toàn diện lại mô hình Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cấp huyện… Nếu không bảo chất lượng cũng cần phải nhìn nhận lại và có quan điểm, chủ trương rõ để các trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Đối với nhóm vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến thời điểm hiện tại đạt 37,1% dù đã thể hiện sự cố gắng. Song, nhìn nhận với các chỉ đạo của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh thì còn nhiều tồn tại, yếu kém. Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh, HĐND tỉnh sẽ có biện pháp xây dựng các cơ chế điều hành ngân sách năm 2020 phần chi ngân sách địa phương trong đó có chi đầu tư phát triển. Giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, tập trung vào những giải pháp mạnh gắn liền với bảo đảm cân đối ngân sách địa phương. Các địa phương phải căn cứ vào số thực thu của mình, diễn biến, kịch bản thu ngân sách, để thực hiện việc đầu tư công, cân đối với chi thường xuyên. Tỉnh sẽ không thực hiện cấp bù chi thường xuyên, không tạm ứng chi thường xuyên. Thực hiện đúng nguyên tắc “có thu thì mới có chi”.

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cho biết thêm: HĐND tỉnh cũng xem xét cắt các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết, không phù hợp, để tập trung nguồn lực cho các dự án, công trình động lực. Về dự án chậm tiến độ, tỉnh sẽ xem xét, kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án bị chấm dứt chủ trương đầu tư, chấm dứt nghiên cứu quy hoạch, sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai, môi trường, đầu tư… Để bảo đảm hiệu quả đầu tư công, cũng như đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, cần tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Người đứng đầu các địa phương, sở, ban, ngành phải nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và trách nhiệm trực tiếp cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.

TUẤN NGUYÊN