Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Nông Khóa III

Nhìn thẳng vào hạn chế trong chỉ đạo, điều hành

- Thứ Năm, 01/08/2019, 08:07 - Chia sẻ
Bên cạnh tập trung thảo luận một số nhóm chỉ tiêu, lĩnh vực chưa đạt, yêu cầu làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra những tồn tại, hạn chế, với tinh thần nhìn nhận thẳng thắn những thách thức, đại biểu đã chất vấn những vấn đề “nóng”, nhất là trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản. Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành đã nhìn thẳng vào những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số phần trả lời chưa sâu, chưa sát vấn đề đại biểu đưa ra.

Làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Theo đánh giá của đại biểu, 6 tháng đầu năm, dù bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 8,3%, thu ngân sách nhà nước 1.481 tỷ đồng (đạt 63% kế hoạch)…


Đại biểu thảo luận tại kỳ họp Ảnh: Công Tính

Kỳ họp đã thông qua 16 nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, có nghị quyết phê duyệt một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh; Nghị quyết kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương, giai đoạn 2016 - 2018…

Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu tập trung vào một số nhóm chỉ tiêu, lĩnh vực chưa đạt, đơn cử tình trạng vốn hàng năm chuyển nguồn rất lớn, như năm 2018 sang năm 2019 là 1.600 tỷ đồng. Lo lắng tình trạng này sẽ gây thiệt hại lớn trong phát triển kinh tế, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Phan Quốc Lập cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền các địa phương. Về vấn đề này, Giám đốc Sở KH - ĐT Lưu Văn Trung cho rằng trách nhiệm chính là của chủ đầu tư. Tỉnh cũng đã chỉ rõ từng chủ đầu tư giải ngân nguồn vốn thấp. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để quy trách nhiệm và xử lý. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn đề nghị UBND tỉnh có chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải ngân nguồn vốn đạt thấp.

Hay trước vấn đề đông đảo cử tri quan tâm là công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều yếu kém, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, qua cả một nhiệm kỳ nhưng tỉnh chưa làm rõ được trách nhiệm của lãnh đạo từng địa phương, đơn vị trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Cũng liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương, Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Y Thái cho biết, tình trạng khai thác đá cây ở huyện Tuy Đức diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.

Trên cơ sở nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, để phấn đấu đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019, phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn đề nghị các cấp, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh các giải pháp trấn áp tội phạm, không để xảy ra điểm “nóng” về an ninh trật tự; đồng thời, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện kéo dài.

Yêu cầu làm rõ tồn tại, hạn chế

Với tinh thần nhìn nhận thẳng thắn những thách thức, khó khăn trong đời sống của nhân dân, đại biểu đã chất vấn những vấn đề “nóng” về công tác quản lý bảo vệ rừng, khoa học công nghệ, xuất khẩu nông sản, quản lý tài nguyên khoáng sản… Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành đã nhìn thẳng vào những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số phần trả lời chưa sâu, chưa sát vấn đề đại biểu đưa ra.

Như trong phần trả lời về tình trạng rừng thông dọc Quốc lộ 14 qua huyện Đắk Song và Quốc lộ 28, đoạn qua các xã Đắk Ha, Quảng Sơn (Đắk Glong) bị phá rất nhiều, Giám đốc Sở NN- PTNT Lê Trọng Yên cho rằng: Rừng thông dọc các tuyến quốc lộ đã giao cho địa phương quản lý, việc phá rừng thông thường diễn ra vào ban đêm hoặc bị đầu độc nên rất khó phát hiện, xử lý đối tượng. Vì vậy, ngành nông nghiệp đề nghị ngành công an hỗ trợ. Không đồng tình với cách xử lý của chính quyền các cấp và ngành liên quan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn nhấn mạnh: Công tác quản lý rừng thông yếu kém, đề nghị các ngành làm rõ vấn đề này.

Cũng trong lĩnh vực lâm nghiệp, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức Hải băn khoăn khi con số báo trồng hàng nghìn hécta rừng đạt kế hoạch, nhưng thực tế thì chỉ tiêu độ che phủ rừng không đạt. Giám đốc Sở NN- PTNT lý giải: Tính độ che phủ rừng thì phải tính về tái sinh, trồng cây phân tán, trồng rừng. Để trồng rừng và tính vào độ che phủ thì phải 4 năm, nếu không tính như vậy thì số liệu độ che phủ rừng sẽ không đầy đủ. Mặt khác, hiện nay ngành nông nghiệp đang trình đề án nông, lâm kết hợp để hỗ trợ nông dân cây giống, nâng cao độ che phủ rừng.

Giải trình về tình trạng khai thác đá trái phép, nhất là đá cây, Giám đốc Sở TN - MT Đàm Quang Trung cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 3 huyện Đắk Mil, Tuy Đức, Đắk R’lấp có đá cây và có tình trạng khai thác đá cây. Việc khai thác đá cây thuộc thẩm quyền của Bộ TN - MT. Ngành tài nguyên đã xử phạt 4 đơn vị. Tuy nhiên, với chức năng, quyền hạn của mình, Sở TN - MT cũng đề nghị ngành công an, các huyện hỗ trong việc kiểm tra, giám sát các đơn vị này. Làm rõ thêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng khẳng định: Cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có bất cứ doanh nghiệp nào được Bộ TN - MT cấp phép khai thác đá cây. Các đại biểu và người dân nếu có phát hiện thì báo cáo để xử lý.

HIỀN LÊ