Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội TXCT sau Kỳ họp thứ Tám tại quận Cầu Giấy

Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được cử tri phản ánh

- Thứ Hai, 02/12/2019, 07:46 - Chia sẻ
Tại Hội nghị TXCT của Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội sau Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV tại quận Cầu Giấy mới đây, nhiều cử tri bày tỏ vui mừng trước thành công của kỳ họp, đặc biệt là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn Quốc hội cần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng luật. Đặc biệt, khi thực hiện Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thành phố phải quan tâm, tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhất là của HĐND cấp trên nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, bảo đảm quyền làm chủ của người dân.

Cần hướng dẫn triển khai cụ thể

Trao đổi về các ý kiến liên quan đến việc sắp xếp lại các tổ dân phố, xây dựng thêm các thiết chế văn hóa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: Thành phố sẽ chỉ đạo để các cấp, các ngành hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc sắp xếp các tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tiễn, có sự đồng thuận của người dân, bảo đảm cho các tổ dân phố hoạt động thuận lợi. Các sở, ngành, địa phương cần ưu tiên quỹ đất để xây dựng thêm các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Trong các kỳ họp gần đây, Quốc hội đã quan tâm nhiều đến chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản luật và có nhiều giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo, thẩm tra nên chất lượng các văn bản luật được Quốc hội thông qua ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng: Một số luật đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, không ít luật còn chưa được chuẩn bị kỹ, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa kịp thời nên khó thực thi, phải điều chỉnh bổ sung, dẫn đến khi luật ban hành ra “tuổi thọ” không dài. Cử tri mong muốn Quốc hội có giải pháp để trước khi đưa ra kỳ họp văn bản dự thảo phải bảo đảm chất lượng.

Theo cử tri Nguyễn Đình Thành (phường Nghĩa Đô) việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội sẽ giúp đổi mới chính quyền đô thị theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, thành phố phải quan tâm, tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhất là của HĐND cấp trên nhằm bảo đảm tính dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch) đề nghị, việc tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; việc phân cấp, phân quyền cần rõ ràng, có sự khác biệt giữa chính quyền hiện nay với chính quyền sẽ thí điểm để người dân cảm nhận được sự cần thiết và hiệu quả của chính quyền đô thị. Đồng thời, cần tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể để kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.


Cử tri tham gia phát biểu tại buổi TXCT sau Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIV Ảnh: Trần Tâm

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hoàng Trung Hải khẳng định: Thành phố sẽ sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết; quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị để gần dân hơn, đáp ứng kịp thời hơn các yêu cầu của người dân. Liên quan đến kiến nghị cần có hướng dẫn rõ về thực hiện chính quyền đô thị, thành phố đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện nghị quyết. Trong đó, sẽ quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp quận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, hạn chế tối đa chi phí, thời gian của người dân.

Khắc phục tình trạng quá tải trường học

Cũng tại Hội nghị, nhiều vấn đề dân sinh bức thiết đã được cử tri phản ánh. Cử tri Nguyễn Văn Thụ (phường Dịch Vọng Hậu) phản ánh, trên địa bàn phường tập trung nhiều trường đại học, THPT, THCS và trường mầm non dẫn đến quá tải, có lớp sĩ số lên đến 60 -70 học sinh. Vì vậy, vào giờ cao điểm giao thông tại cổng trường thường ách tắc nghiêm trọng. Cử tri đề nghị, thành phố cho phép nâng cấp trường học thành nhà cao tầng để tăng phòng học, giảm tải sĩ số học sinh trong lớp; đầu tư khuôn viên, xây dựng tầng hầm để khắc phục tình trạng xe đưa đón của phụ huynh... Theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh, quận có 35 trường công lập, khoảng 97.000 học sinh từ mầm non đến THPT. Quận đang nỗ lực xây dựng trường học theo quy hoạch, tuy nhiên, theo tính toán kể cả đầu tư quỹ đất ở theo quy hoạch thì cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn dân số của quận khá đông với khoảng trên 290.000 người, để giải quyết vấn đề này, Cầu Giấy là quận đầu tiên của thành phố xây dựng tầng hầm trong trường học, quận đã báo cáo thành phố và lập quy hoạch để được nâng tầng trường học trong phạm vi cho phép.

Giải đáp ý kiến của cử tri, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hoàng Trung Hải khẳng định: Quá tải trường học không chỉ là vấn đề của quận Cầu Giấy, một số quận khác như Hai Bà Trưng, Ba Đình cũng đang gặp phải. Thành phố rất quan tâm vấn đề này nên đã và đang tiếp tục chỉ đạo các ngành tìm giải pháp giải quyết đồng bộ. Hiện, thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mà có trường học thì phải cam kết xây dựng trường học trước để đáp ứng nhu cầu cho các hộ gia đình.

Đối với kiến nghị cần quan tâm đến quản lý các tòa nhà chung cư, Bí thư Thành ủy cho biết, toàn thành phố hiện có 2.598 chung cư, với gần 900.000 người dân sinh sống nên việc phải tạo ra khối cộng đồng đoàn kết là quan trọng. Nhằm huy động cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết các vấn đề liên quan, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 26 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân trên địa bàn, nhất là cư dân sinh sống ở các chung cư cần tích cực tham gia vào công tác quản lý chung cư; ủng hộ chủ trương của thành phố về cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ, nhất là các chung cư cũ nguy hiểm.

TRẦN TÂM