Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Nhiều quy định mới, nhân văn

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:52 - Chia sẻ
Trao đổi về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vừa được QH thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ cho biết, Luật lần này có nhiều quy định mới, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, vừa bảo đảm yêu cầu công tác thi hành án, vừa bảo đảm quyền lợi của phạm nhân. Trong đó, có quy định về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, phạm nhân được hưởng một phần công lao động, sản xuất; thi hành án đối với pháp nhân thương mại…

Phạm nhân được hưởng một phần công lao động

- Với tỷ lệ tán thành cao, QH đã thông qua Luật Thi hành án Hình sự (sửa đổi). Đâu là những điểm mới đáng chú ý của Luật này, thưa ông?

- Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được thông qua với tỷ lệ 91,53% số ĐBQH tán thành. Kết quả này không chỉ là nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, mà còn có đóng góp rất lớn của các ĐBQH. Những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cầu thị, tiếp thu tối đa. Do đó, khi biểu quyết thông qua, Luật đã nhận được sự đồng thuận cao của các ĐBQH.

Luật có nhiều điểm mới, thể hiện được những quy định mới của Bộ luật Hình sự liên quan đến thi hành án hình sự. Trước hết, Luật đã bổ sung Mục 3 về tha tù trước thời hạn có điều kiện vào Chương III về thi hành án phạt tù. Theo đó, Luật quy định: Thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện; hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính; hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện…

Hai là, Luật đã bổ sung một chương mới - Chương XI về thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Theo đó, Luật quy định cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành án; quyết định thi hành án; thủ tục, hồ sơ thi hành án; quyền và nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án; cưỡng chế thi hành án; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp…

Ba là, thể chế hóa quyền con người, quyền công dân quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật bổ sung các nhóm quyền như: Được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Trong đó, phạm nhân được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật... Những quy định này phù hợp với Hiến pháp, vừa bảo đảm tính khả thi của Luật, phù hợp với sự phát triển KT - XH của đất nước, vừa bảo đảm đạt được mục đích của hình phạt là giáo dục, cải tạo người chấp hành án.

- Trước đó, trong quá trình thảo luận, một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm liên quan đến việc phạm nhân lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam. So với dự thảo trình QH đầu Kỳ họp thứ Bảy, Luật được thông qua có điều chỉnh khi không quy định nội dung này. Ông có thể cho biết thêm về sự thay đổi này?

- Chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội (Điểm e Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ điều này). Do đó, đối với người bị phạt tù, lao động là nghĩa vụ bắt buộc, là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác này, việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết. Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.

Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động, thì đây là vấn đề mới nên UBTVQH đã tổ chức xin ý kiến ĐBQH. Kết quả chưa đạt được sự đồng thuận cao của ĐBQH (chưa đạt 50% số ĐBQH) nên UBTVQH đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Và, Luật vừa được QH thông qua đã không còn quy định này. 

Tạo điều kiện tốt để phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng

- Trong Luật cũng có một điểm rất đáng chú ý là phạm nhân được hưởng một phần công lao động...?

- Phạm nhân lao động là nghĩa vụ bắt buộc, nhằm mục tiêu chính là giáo dục cải tạo, đồng thời, tạo điều kiện cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Thực tế, năng suất, hiệu quả lao động và giá trị thu được qua tổ chức lao động tại các trại giam rất hạn chế, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Vì vậy, để phù hợp với điều kiện thực tế, Luật quy định phạm nhân được hưởng một phần công lao động và giao Chính phủ quy định chi tiết về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân theo hướng, kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ chi phí thì sẽ chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất.

Như vậy, so với Luật hiện hành đây là một quy định mới, có nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm quyền lợi cho phạm nhân. Điều này vừa khuyến khích phạm nhân lao động, cải tạo, vừa giúp họ có điều kiện tốt hơn để tái hòa nhập cộng đồng sau khi đã chấp hành xong án phạt.

- Để Luật sớm đi vào cuộc sống, theo ông, việc triển khai cần thực hiện như thế nào?

- Liên quan đến công tác thi hành Luật, QH (giao cơ quan đầu mối là Ủy ban Tư pháp), HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật là rất quan trọng.

Cùng với đó, cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các chủ thể nhằm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã được quy định trong Luật này, từ Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan khác, UBND tỉnh, cấp huyện trong thi hành án hình sự. Đồng thời, tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc thực thi pháp luật cũng như Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Ngoài ra, cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để nhân dân hiểu rõ các quy định của Luật. Đặc biệt, cần tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có phạm nhân, hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình.

- Xin cảm ơn ông!

 Theo Điều 34 Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được QH thông qua sáng 14.6, kết quả lao động của phạm nhân sau khi trừ chi phí vật tư, nguyên liệu, tiền công thuê lao động bên ngoài; chi phí điện, nước; tiền ăn thêm do lao động nặng nhọc, độc hại theo ngành, nghề ngoài tiền ăn của phạm nhân theo tiêu chuẩn do ngân sách nhà nước cấp; tiền bồi dưỡng cho phạm nhân làm thêm giờ hoặc làm ngày nghỉ; khấu hao tài sản, chi phí quản lý trực tiếp cho hoạt động lao động của phạm nhân, được sử dụng như sau: Bổ sung mức ăn cho phạm nhân; lập quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; chi thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động; chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất.

Hà An thực hiện