Công tác quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài tại Hải Phòng

Nhiều lỗ hổng cần khắc phục

- Chủ Nhật, 11/08/2019, 08:22 - Chia sẻ
Kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài giai đoạn 1.1.2015 - 1.7.2019 trên địa bàn tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy: Tuy công tác quản lý đã được tăng cường nhưng trên thực tế, việc áp dụng chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài còn nhiều lỗ hổng cần có biện pháp khắc phục.

Tăng cường công tác quản lý

Theo Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng Trần Vĩnh Hoàn, từ năm 2015 đến nay, công tác quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố được tăng cường và ngày một tốt hơn. Điều này thể hiện ở tỷ lệ lao động là người nước ngoài làm việc trong các Khu công nghiệp (KCN) và Khu kinh tế (KKT) trên địa bàn thành phố có giấy phép lao động ngày một tăng lên qua các năm, tỷ lệ lao động trực tiếp là người nước ngoài giảm dần (trong đó chủ yếu là lao động kỹ thuật cao). Lực lượng lao động nước ngoài chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Nhìn chung, người lao động nước ngoài làm việc trong các KCN và KKT trên địa bàn thành phố chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam.

Công tác tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị có sử dụng lao động là người nước ngoài được tăng cường và đi vào nền nếp; thủ tục cấp phép được công khai, minh bạch và luôn hướng tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong trao đổi, chia sẻ thông tin quản lý được thực hiện tốt. Đã phối hợp tham mưu trình UBND thành phố xem xét, ủy quyền cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý KKT chấp thuận những vị trí công việc người sử dụng lao động được tuyển người lao động nước ngoài...


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng phát biểu tại buổi giám sát

Phối hợp, chia sẻ thông tin còn hạn chế

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Văn Huy nhận định, hiện nay, lao động người nước ngoài sang làm việc chưa chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, cấp giấy phép cho lao động là người nước ngoài nên nhiều trường hợp sang Việt Nam rồi mới làm giấy phép lao động; hồ sơ, thủ tục chưa chuẩn bị đầy đủ; cá biệt còn có tình trạng lao động nước ngoài vào làm việc “chui” dưới danh nghĩa tham quan, du lịch hoặc nghiên cứu thị trường. Một số đã được cấp giấy phép lao động nhưng thực tế làm việc không đúng với nội dung đã được cấp phép như sai về nơi làm việc, sai về vị trí công việc… Nhiều đơn vị còn chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định, đặc biệt chưa kể việc bất đồng ngôn ngữ gây khó khăn trong công tác quản lý.

Theo đại diện lãnh đạo Công an thành phố, từ ngày 1.1.2015 - 1.7.2019, các phòng nghiệp vụ chức năng Công an thành phố đã tổ chức 233 cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm về xuất nhập cảnh của người nước ngoài đối với 504 trường hợp người nước ngoài vi phạm, với các lỗi chủ yếu như: Khai không đúng sự thực về việc cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, quá hạn tạm trú; kiểm tra, xử lý 11 doanh nghiệp vi phạm các quy định về việc thực hiện khai báo tạm trú cho người lao động nước ngoài tại địa phương. Có một số lao động chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nhập cảnh với visa du lịch nhưng hoạt động giảng dạy ngoại ngữ, tuyên truyền đạo trái phép cho lao động trong các doanh nghiệp. Việc vi phạm Luật Xuất nhập cảnh của người nước ngoài tập trung chủ yếu vào các quốc tịch sau: Trung Quốc 286 trường hợp, Hàn Quốc 57 trường hợp, Ấn Độ 20 trường hợp, Đài Loan 20 trường hợp, còn lại là các quốc tịch khác.

Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn nhiều “kẽ hở”, chưa chặt chẽ nên một bộ phận người lao động nước ngoài lợi dụng. Đặc biệt, sự phối hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng còn thiếu đồng bộ, hạn chế…

Kiểm tra, giám sát thường xuyên

Để tăng cường công tác quản lý lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trần Văn Huy cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng bám sát và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, cấp phép, sử dụng lao động nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động Việt Nam với các hình thức phong phú, phù hợp để người sử dụng và lao động nước ngoài hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của họ theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra hướng dẫn các doanh nghiệp, dự án, nhà thầu trong quản lý, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm, nhằm quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật đối với lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố

Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành chính sách linh hoạt, phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - lao động nước ngoài; đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp dùng chung và cấp quyền cho các cơ quan quản lý nhà nước để tạo thuận lợi cho việc tra cứu, nắm bắt thông tin người nước ngoài lao động và làm việc tại Việt Nam; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải đưa tiêu chí về mặt chuyên môn cùng với tính pháp lý của người lao động khi cấp phép hoạt động.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Bùi Thanh Tùng đánh giá cao công tác quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố của Ban Quản lý KKT Hải Phòng và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động là người nước ngoài được tăng cường đi vào nền nếp; thủ tục cấp phép được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; công tác thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài được duy trì thường xuyên. Phó Trưởng đoàn giám sát cũng đồng tình với những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan đến các nhóm vấn đề: Sự khập khiễng giữa các văn bản pháp quy liên quan đến sử dụng người lao động nước ngoài; bất cập trong phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cấp, các ngành với các doanh nghiệp; việc cấp visa doanh nghiệp cho người nước ngoài cần quản lý chặt chẽ…

BÙI LINH