“Kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hà Nội Khóa XV”

Nhiều hạn chế trong công tác quy hoạch

- Thứ Sáu, 06/12/2019, 07:59 - Chia sẻ
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội Khóa XV, nhiều đại biểu đánh giá những năm qua, thành phố đã quyết liệt triển khai thực hiện công tác quy hoạch nhằm cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch hiện vẫn còn có những bất cập, hạn chế về chất lượng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Gần 5 năm chưa xong quy hoạch đô thị vệ tinh

Chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH - KT), đại biểu Trần Việt Anh đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm quy hoạch sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phân khu nội đô. Còn đại biểu Nguyễn Nguyên Quân chỉ rõ vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chi tiết các đô thị vệ tinh chưa được lập, phê duyệt… đã ảnh hưởng đến việc cấp phép xây dựng. “Đề nghị Sở QH - KT làm rõ nguyên nhân chậm và trách nhiệm của các đơn vị liên quan?” - Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh. Riêng đại biểu Hoàng Thúy Hằng cho rằng công tác lập quy hoạch chi tiết hai bên các tuyến đường mới mở còn thiếu thực tế, nhiều quy hoạch chưa được phê duyệt, vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này.


Công tác quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế Ảnh: P.Long

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Trúc Anh cho biết: Quy hoạch phân khu 2 bên sông Hồng đã được lập 3 năm nay, sau khi có quyết định của Thủ tướng về quy hoạch phòng lũ sông Hồng. Mặc dù đây là hành lang pháp lý rõ ràng về vấn đề này, thế nhưng, theo Luật Đê điều là phải lập quy hoạch chi tiết các sông có tuyến đê, mà quy hoạch này vẫn đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) thực hiện và vẫn đang vướng mắc một số luật hiện hành. “Sắp tới 2 sở QH - KT và NN - PTNT sẽ kết hợp chặt chẽ với UBND thành phố làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ những khúc mắc nêu trên, sớm phê duyệt quy hoạch phân khu ngoài đê” - Giám đốc Sở QH - KT cam kết.

Trả lời câu hỏi về vấn đề quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chi tiết các đô thị vệ tinh, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết: Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh, thế nhưng trong 5 đô thị vệ tinh này chỉ có đô thị Hòa Lạc đủ điều kiện, được Bộ Xây dựng chấp thuận và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cố gắng trong tháng 12 này sẽ thông qua. Còn hai đô thị Sơn Tây và Sóc Sơn hiện được giao cho một số tập đoàn nghiên cứu ý tưởng; hai đô thị Phú Xuyên và Xuân Mai hiện mới đang ở giai đoạn xây dựng đồ án để phê duyệt. “Tôi cho rằng câu trả lời chưa đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu do chưa nêu rõ các nguyên nhân chủ quan. Các nội dung quy hoạch đô thị vệ tinh đã được phê duyệt từ năm 2015, theo quy định chỉ có 9 tháng để lập quy hoạch phân khu, đến nay đã kéo dài 5 năm, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan” - Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu quyết liệt.

Sớm di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khu vực nội đô

Đại biểu Đoàn Việt Cường đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) trả lời về việc di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội đô theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hiện vẫn còn chậm. “Vậy giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới là gì?” - Đại biểu gửi câu hỏi tới người đứng đầu ngành TN - MT.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Trọng Đông cho biết: Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Quyết định di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô, đến nay đã xử lý triệt để 25 cơ sở ô nhiễm môi trường, di dời 67 cơ sở sản xuất ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận. Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo Sở và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng danh mục các cơ sở tiếp tục phải di dời báo cáo Thành ủy, UBND thành phố và kỳ họp tới sẽ báo cáo danh mục này.

“Hiện Chính phủ đã giao các bộ, ngành xây dựng quy chế về di dời nhưng chưa hoàn thành. Trong khi đó tâm lý các cơ sở cũng ngại di dời vì người lao động ngại đi xa; năng lực tài chính của các đơn vị để bảo đảm sản xuất, xây dựng mới cũng còn khó khăn; còn Nhà nước chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ đơn vị di dời... Thời gian tới, Sở TN - MT sẽ cùng các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, thống nhất phương án với hơn 100 cơ sở sản xuất phải di dời. Đề nghị thành phố bố trí kinh phí xây dựng các khu, cụm công nghiệp; Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ... để công tác di dời đạt được hiệu quả cao nhất” - ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

PHI LONG