Dân hỏi - Chính quyền trả lời

Nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm dòng sông

- Thứ Sáu, 02/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND Khóa XV, rất nhiều cử tri các quận, huyện như Cầu Giấy, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên kiến nghị, đề xuất UBND thành phố sớm có kế hoạch cải tạo, xử lý ô nhiễm các sông Nhuệ, Đáy và Tô Lịch, trả lại môi trường sống tốt lành cho người dân.

Tập trung mọi nguồn lực để làm sạch ô nhiễm

Trả lời cử tri, UBND thành phố khẳng định: Trong những năm vừa qua, để giải quyết tình trạng ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy (LVSNĐ) nói chung và sông Tô Lịch nói riêng, hướng tới sự phát triển bền vững và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường LVSNĐ, đoạn chảy qua địa phận Hà Nội, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về chủ trương, chính sách, kỹ thuật - hạ tầng và tập trung nguồn lực. Cụ thể, Hà Nội đã triển khai đầu tư kinh phí, kêu gọi hợp tác nhằm từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm sông và cải thiện chất lượng môi trường nguồn nước sông. Đồng thời tăng cường tổ chức, vận động nhân dân tham gia tổng vệ sinh dọc tuyến đường bờ sông Tô Lịch và Kim Ngưu; tổ chức thu gom phế thải, nạo vét lòng sông; xử lý các trường hợp vi phạm hệ thống thoát nước đô thị, hành vi đổ trộm phế thải từ công trình xây dựng…

Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành việc kè bờ và đường dạo 2 bên sông Tô Lịch, triển khai thả 38 cụm bè thủy sinh trên sông Tô Lịch từ đoạn Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi nhằm tạo cảnh quan và góp phần cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Cùng với đó, Hà Nội đã vận hành thường xuyên đối với 8 nhà máy xử lý nước thải hiện có trên địa bàn.

Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại các sông nội thành, trong đó có sông Tô Lịch, Hà Nội đã lập quy hoạch và triển khai quy hoạch thoát nước thành phố Hà Nội (quy hoạch hệ thống thu gom nước thải, gom nước thải đưa về các trạm xử lý tập trung trước khi xả vào nguồn nước); ưu tiên nguồn lực tập trung cho xử lý ô nhiễm tại các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét… với mục tiêu thoát nước phù hợp với cải thiện môi trường và bảo vệ cảnh quan hai bên bờ sông, bảo đảm dòng chảy vào mùa khô. Trong đó có tập trung đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn là Yên Xá và Phú Đô nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và sông Lừ.


Hà Nội đang tìm mọi cách khắc phục vấn đề ô nhiễm tại các dòng sông
Ảnh: P. Long

Tăng cường thanh tra, kiểm tra vấn đề ô nhiễm dòng sông

Trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra đã được các cơ quan chức năng của thành phố thực hiện một cách quyết liệt nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dự án (cơ sở) trên địa bàn Thủ đô. Hàng năm, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra khoảng trên 2.000 cơ sở và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với tổng mức xử lý hàng năm trên 15 tỷ đồng (đặc biệt đối với việc xả nước thải vượt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường và không xin phép xả nước thải vào nguồn nước). Chỉ tính riêng năm 2018, số lượng cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 3.010 cơ sở; xử lý vi phạm hành chính đối với 1.817 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 16 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng tập trung chỉ đạo, xử lý kiên quyết vi phạm pháp luật về đất đai (lấn chiếm lòng sông, hành lang sông); đầu tư cải tạo hệ thống công trình thủy lợi, cống lấy nước, tiêu thoát nước, các trạm bơm tưới, tiêu và nạo vét sông…

Theo lãnh đạo UBND thành phố, việc giải quyết ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sông Nhuệ, sông Đáy là việc làm khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, ngành. Do đó, cần sự đầu tư lớn và phải được giải quyết từng bước, đồng bộ và sự ủng hộ cao của các cấp, các ngành đặc biệt là nhân dân trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Một số dự án đã và đang được triển khai thi công, một số gặp khó khăn do thiếu vốn hoặc khó khăn trong công tác GPMB. Tuy nhiên, khi các dự án trên hoàn thành sẽ góp phần cải thiện đáng kể chất lượng nguồn nước LVSNĐ nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn thành phố.

PHI LONG