Xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường

Nhiều chế tài, khó thi hành

- Thứ Ba, 19/11/2019, 08:05 - Chia sẻ
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.2.2017. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm có hiệu lực thi hành, nghị định này đã phải sửa đổi, bổ sung vì không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thiếu tính dự liệu

Báo cáo Sơ kết thi hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường rất đa dạng: Từ các nhóm hành vi vi phạm các thủ tục hành chính (không thực hiện, thực hiện không đúng chế độ báo cáo định kỳ về bảo vệ môi trường; thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và cam kết…); đến các nhóm hành vi vi phạm về quản lý trong các lĩnh vực cụ thể như chất thải nguy hại, đất đai, khoáng sản…

So với các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về lĩnh vực này, Nghị định số 155/2016 đã quy định các hành vi vi phạm theo 8 nhóm hành vi; một số hành vi vi phạm hành chính trước đây không xử lý được do không có chế tài xử phạt, hoặc chưa quy định rõ đã được cụ thể hóa trong Nghị định số 155/2016/NĐ-CP như hành vi liên quan đến hoạt động vận hành thử nghiệm của dự án; hành vi thực hiện không đúng một trong các nội dung của đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận; hành vi không báo cáo kịp thời cho cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để hướng dẫn giải quyết ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định…

Tuy vậy, sự bổ sung này cũng chưa đáp ứng được thực tiễn đời sống xã hội. Chính vì thế trong hầu khắp các lĩnh vực của tài nguyên và môi trường đều phải bổ sung các hành vi. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xử lý chất thải, bổ sung hành vi thu gom, vận chuyển, xử lý bùn thải từ bể tự hoại, bùn thải từ hệ thống thoát nước đô thị; hành vi chuyển giao, cho, bán, chôn lấp, đổ, thải, đốt, tiếp nhận các loại chất thải rắn thông thường đặc thù (như chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động y tế; chất thải rắn từ hoạt động xây dựng… Hay, trong lĩnh vực giám sát môi trường định kỳ sẽ bổ sung hành vi  không thực hiện giám sát môi trường định kỳ; không báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ hoặc không xây dựng kế hoạch thực hiện quan trắc môi trường định kỳ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm tại Điều 14 và 16 để phù hợp với quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 199/2015/QH13, bao gồm hành vi xả nước thải có chứa các thông số nguy hại vào môi trường vượt từ 5 lần trở lên với thải lượng nước thải từ 500m3/ngày trở lên và hành vi thải bụi, khí thải có chứa thông số môi trường nguy hại vào môi trường với lưu lượng khí thải từ 150.000m3/giờ trở lên đã thuộc xử lý hình sự.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chưa quy định rõ đối tượng, hành vi

Bên cạnh việc bổ sung các hành vi chưa được dự liệu hết trong nghị định này thì việc sửa đổi, bổ sung cũng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, dù thời gian hiệu lực rất ngắn, nhất là đối với một văn bản quy phạm pháp luật tầm nghị định. Trong đó có thể kể đến việc Nghị định như chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; hoặc do chưa quy định đúng bản chất pháp lý của hành vi vi phạm. Chẳng hạn, ở các địa phương không thể xử phạt được đối tượng vi phạm là chi nhánh, là cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công. Hay các bộ, ngành, địa phương cũng không thể thực hiện được quy định “buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính”… Bởi, để thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả này thì phải chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được do hành vi vi phạm hành chính gây ra, trong khi một số hành vi thực tế không gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường (hành vi vi phạm về chế độ báo cáo, không thực hiện các thủ tục về môi trường…).

Bên cạnh những vướng mắc riêng trong lĩnh vực môi trường thì việc xử lý vi phạm hành chính nói chung đang rơi vào tình trạng không thể thi hành các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành biện pháp xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả. Nổi lên là các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá, thu tiền tài sản… được quy định tại Điều 86, Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa bảo đảm tính khả thi. Trong khi đó, các biện pháp như cắt điện, cắt nước, thu hồi mã số thuế hay giấy phép đăng ký kinh doanh là các biện pháp có tính khả thi cao nhưng không được quy định để áp dụng dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp cố tình chây ì không thi hành các quy định xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.

Phạm Hải