Sổ tay phóng viên

Nhiều cái khó <I>bó</I> tái canh cà phê

- Thứ Bảy, 27/07/2013, 08:19 - Chia sẻ
Thống kê của Bộ NN và PTNT cho biết, cứ sau một năm, Việt Nam có thêm khoảng 40.000ha cà phê già cỗi. Như vậy, nếu căn cứ trên kế hoạch trồng mới là 25.000ha/năm thì diện tích cà phê già cỗi mỗi năm tăng thêm 15.000ha. Kế hoạch mà Bộ NN và PTNT đặt ra là trung bình mỗi năm sẽ tái canh 25.000ha. Tuy nhiên, việc tái canh cà phê đã được bàn thảo cả chục năm qua nhưng không có tiến triển tích cực do vốn liếng lẫn kinh nghiệm và trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam còn yếu.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra các giải pháp kỹ thuật để giúp người dân tái canh vườn cà phê của họ. Theo Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên trong số diện tích cà phê già cỗi được người dân trồng lại thì có đến 88% diện tích cà phê bị chết sau một đến hai năm vì tuyến trùng. Do tỷ lệ cây cà phê sống sau khi trồng lại không cao nên người dân sẽ không muốn tái canh vườn cà phê vào thời điểm này. Ngay sau đó, một công ty sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đã kết hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu thuốc diệt tuyến trùng. Tuy nhiên, giá thành để tái canh từ 100 triệu đến 120 triệu đồng/héc ta. Chỉ có các công ty cà phê và một số hộ dân có đủ nguồn tài chính để tái canh lại nên diện tích cà phê được tái canh không nhiều.

Tại Hội nghị triển vọng ngành hàng cà phê Việt Nam năm 2013, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cũng cho rằng, nếu không triển khai kịp thời chương trình tái canh cây cà phê trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ mất vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhân. Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu dự đoán: “Nếu Việt Nam chậm trong việc hỗ trợ vốn cho người dân trong việc tái canh thì đến năm 2020 có hơn 400.000ha già cỗi trong tổng số 560.000ha cà phê đang có và lúc đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ rơi vào trường hợp như Colombia trước đây”. Colombia được biết là một trong năm nước có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới nhưng do chậm trong việc tái canh những diện tích cà phê già cỗi nên hiện nay sản lượng cà phê của nước này chỉ khoảng 7,8 triệu bao (loại 60kg) vào năm 2011, Trước đó, sản lượng cà phê trung bình hằng năm của nước này vào khoảng 11 triệu bao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm của Colombia, Ấn Độ trong việc tái canh cây cà phê cho thấy, Nhà nước và các cơ quan chuyên trách trong ngành cà phê cần sớm đưa ra kế hoạch, lộ trình cụ thể và áp dụng các giải pháp đồng bộ từ kỹ thuật, vốn đầu tư để thực hiện việc trồng cây cà phê mới. Theo đó, những cơ chế, chính sách này phải thực hiện đồng bộ và kiểm tra kỹ lưỡng để sản lượng cà phê không giảm đột ngột, ảnh hưởng đến số lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

Nhằm tìm hướng đi tối ưu cho việc tái canh diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm của Việt Nam, giữa tuần này, ở Đăk Lăk, Bộ NN và PTNT đã tổ chức hội nghị tái canh cà phê. Tại hội nghị này, Bộ đã giao cho một số đơn vị lập đề án chi tiết về tái canh cà phê. Điều này có nghĩa, tái canh cà phê tiếp tục phải chờ đợi và trong vài năm tới việc người dân muốn tái canh cà phê sẽ chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính. 

H. Phong