Nhiều bất cập trong giao, cho thuê đất tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh

- Thứ Năm, 08/08/2019, 17:06 - Chia sẻ
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Những định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng ngày 8.8 tại Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Đào Trung Chính cho biết: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ quản lý quan trọng, đã được quy định trong Luật kể từ ngày có Luật đất đai đầu tiên. Trong thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã không ngừng được củng cố, hoàn thiện và dần đi vào nề nếp. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là biện pháp phân bổ đất đai vào các mục đích nhằm sử dụng bền vững, mang lại lợi ích cao nhất thực hiện đồng thời hai chức năng điều chỉnh các mối quan hệ đất đai và tổ chức sử dụng đất như tư liệu sản xuất đặc biệt với mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất của xã hội kết hợp bảo vệ đất và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ phối hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với sử dụng đất trong quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác; giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp hành chính với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh vẫn còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ thống nhất…

Liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hiện vẫn còn một số vấn đề đặt ra: việc đánh giá thi hành Luật Đất đai cho thấy, trường hợp quy định thuê đất trả tiền hàng năm sẽ hạn chế quyền của người sử dụng đất, của chủ đầu tư, chỉ có quyền sử dụng đất thuê, không thu hút được nguồn vốn, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư; thực tế việc quản lý việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích tại các khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh còn hạn chế…

Về thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, hiện nay trong triển khai thực hiện tại các địa phương đang nảy sinh các bất cập: cơ chế thu hồi, tạp quỹ đất sạch để đấu gia, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất chưa được tổ chức thực hiện tốt; cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện còn khó khăn do chưa có cơ chế xử lý đối với các trường hợp chưa thỏa thuận được; tại các địa phương đang nảy sinh các bất cập trong quá trình sắp xếp lại đất làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, đất thuê trả tiền thuê hàng năm nhưng mục đích sử dụng đất không còn phù hợp với điều chỉnh quy hoạch…

Trước thực tế trên, để thể chế quan điểm chỉ đạo tiếp tục đổi mới về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trở thành công cụ quan trọng để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả và bền vững lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định đổi mới nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp để bảo đảm tính ổn định và đồng bộ, quy hoạch có tính kế thừa, câm bằng giữa quy hoạch tĩnh và quy hoạch động; làm rõ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất, danh mục các công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất. Cụ thể, đối với quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, bổ sung định hướng quy hoạch sử dụng đất không gian ngầm cấp quốc gia và liên tỉnh, tầm nhìn 30-50 năm…

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo đề dẫn cũng như những đề xuất mà Tổng Cục Đất đai đưa ra. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, nhiều ý kiến đề nghị phải rà soát lại Luật, xây dựng tiêu chí về thẩm quyền, địa điểm thu hồi đất; các vấn đề đưa ra bổ sung, sửa đổi cần bàn kỹ hơn để bảo đảm tính khả thi, đồng thời tránh chồng chéo, xung đột với các luật.

Tin và ảnh: Bảo Hân