Phiên họp thứ Bốn mươi hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Nhiều băn khoăn trước đề xuất điều chỉnh đơn vị hành chính tỉnh Cao Bằng

- Thứ Năm, 13/02/2020, 08:03 - Chia sẻ
Chiều 10.2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại các tỉnh Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Cao Bằng và Thành phố Hà Nội, Thành phố Cần Thơ. Theo các Đề án, sau khi sắp xếp tại các địa phương này sẽ giảm được 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 44 đơn vị hành chính cấp xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Phấn đấu giải quyết cán bộ dôi dư trước năm 2022

Theo Tờ trình sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã và thành lập một số ĐVHC đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, hồ sơ đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã và thành lập các ĐVHC đô thị của 6 tỉnh, thành phố đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Cụ thể, trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án chi tiết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên các địa bàn liên quan; HĐND các cấp của các tỉnh, thành phố đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021. 

Đối với các nội dung đề nghị điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính và thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lào Cai, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã bảo đảm đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét. Chính phủ đã thông qua và có các Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng
Ảnh: Quang Khánh

Đề án của các tỉnh, thành phố cũng đã giải trình rất chi tiết các lý do chưa tiến hành sắp xếp một số ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 hoặc khi thực hiện sắp xếp nhưng ĐVHC mới hình thành chưa đạt tiêu chuẩn mà không thể nhập thêm ĐVHC cùng cấp khác liền kề nhằm tăng quy mô diện tích tự nhiên, dân số để đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Chính phủ xét thấy giải trình của UBND các tỉnh, thành phố là phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của các địa phương.

Đề án của các tỉnh, thành phố cũng đã nêu chi tiết các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Trong đó, mặc dù Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chậm nhất 5 năm sau sắp xếp thì số lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và biên chế cán bộ, công chức tại các ĐVHC mới phải bảo đảm theo quy định. Tuy nhiên, đề án của các tỉnh, thành phố đều phấn đấu việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và giải quyết dôi dư sẽ hoàn thành trước năm 2022.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Ảnh: Quang Khánh

Trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra các đề án sắp xếp ĐVHC kể trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Khánh Hòa, Hà Nội, Cần Thơ và Cao Bằng trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC. Sau khi thực hiện sắp xếp tại các tỉnh, thành phố này sẽ giảm được tổng số 2 ĐVHC cấp huyện và 44 ĐVHC cấp xã. 

Hồ sơ các Đề án về cơ bản đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các ĐVHC chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao. 

Hết sức thận trọng

Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của các tỉnh, thành phố như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ. 


Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến bày tỏ nhiều băn khoăn về đề án sắp xếp của tỉnh Cao Bằng. Nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lưu ý, sắp xếp ĐVHC là chủ trương rất lớn nên tại Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 32 của Chính phủ và Nghị quyết 653 của Quốc hội đều cân nhắc thận trọng và đề ra các nguyên tắc, quan điểm như: bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, nơi đã có điều kiện thuận lợi thì làm trước, phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn lớn, vừa căn cứ vào tiêu chuẩn, diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đồng thời phải chú trọng cân nhắc yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nghị quyết 32, kế hoạch kèm theo Nghị quyết 32 của Chính phủ còn lưu ý đối với các ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp nhưng có một trong những yếu tố đặc thù sau: có vị trí biệt lập, được hình thành ổn định từ năm 1945 đến nay, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Như vậy, quan điểm, nguyên tắc của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra là rất thận trọng và giai đoạn năm 2019 – 2021 chỉ làm cơ bản, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm cho giai đoạn sau. Đối chiếu các quan điểm này vào đề án của Cao Bằng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, qua rà soát, chúng ta tiến hành sáp nhập 6/12 huyện, chiếm một nửa số huyện, trong đó có 5 huyện biên giới; 39% số xã (76 xã). Xét tổng thể việc điều chỉnh như vậy là rất lớn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nhắc lại báo cáo đánh giá tác động việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2019 – 2021 kèm theo Tờ trình số 77 ngày 30.12.2019 của Chính phủ đã nêu những khó khăn như: vị trí đặt trụ sở các huyện, xã mới thành lập đa số không thuộc vị trí trung tâm nên ảnh hưởng, khó khăn cho người dân khi thực hiện các giao dịch; các chương trình, mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần phải điều chỉnh, phê duyệt lại cho phù hợp với địa giới hành chính đơn vị mới; việc chia tách các ĐVHC trước đây phần lớn xuất phát từ yêu cầu tăng cường và củng cố quốc phòng – an ninh. "Trước đây vì quốc phòng, an ninh, vì phát triển kinh tế chúng ta tách ra, bây giờ chỉ vì diện tích, dân số chúng ta nhập lại. Chúng ta không coi trọng yếu tố đặc thù quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, điều kiện tự nhiên, địa lý… thì không thuyết phục, khó giải thích với dân”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.

Với nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, trong phiên họp sáng mai, 11.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục dành thêm thời gian thảo luận về nội dung quan trọng này.

+ Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Năm Chủ tịch AIPA 2020. 

Đề nghị của tỉnh Thái Bình: Không có ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp. Về số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 47 đơn vị. Trong đó: số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp: 33 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: 3 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã liền kề liên quan đến việc sắp xếp: 11 đơn vị; Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng tỉnh Thái Bình đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021: 6 đơn vị. Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã: Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Thái Bình từ 286 đơn vị giảm xuống còn 260 đơn vị (giảm 26 đơn vị).

Đề nghị của tỉnh Lào Cai: Tỉnh Lào Cai có 1 ĐVHC cấp huyện (huyện Si Ma Cai) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 19 đơn vị. Trong đó: số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp: 13 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp: 2 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có liên quan đến việc sắp xếp: 4 đơn vị. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng tỉnh Lào Cai đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021: không có. 

Về mở rộng TP Lào Cai và điều chỉnh địa giới hành chính các ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Lào Cai: Mở rộng TP Lào Cai trên cơ sở điều chỉnh 21,11 km2 diện tích tự nhiên, dân số 5.040 người của huyện Bát Xát và 33,09 km2 diện tích tự nhiên, dân số 7.142 người của huyện Bảo Thắng để thành phố Lào Cai quản lý. Điều chỉnh ĐGHC 7 xã, phường của TP Lào Cai để thành lập mới 7 xã, phường.

Về mở rộng thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát: Điều chỉnh 11,9 km2 diện tích tự nhiên và dân số 1.923 người của xã Bản Qua để thị trấn Bát Xát quản lý. Về mở rộng thị trấn Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng: Điều chỉnh 2,5 km2 diện tích tự nhiên và dân số 2.288 người của xã Xuân Giao để thị trấn Tằng Loỏng quản lý. 

Về thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai: Thành lập thị trấn Si Ma Cai trên cơ sở toàn bộ 15,01 km² diện tích tự nhiên và dân số 5.652 người của xã Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai.

Kết quả sau khi sắp xếp các ĐVHC cấp xã; điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính và thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lào Cai. Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Lào Cai từ 162 đơn vị giảm xuống còn 152 đơn vị (giảm 10 đơn vị). Trước đó, khi thành lập thị xã Sa Pa (tháng 9.2019) cũng đã giảm được 2 ĐVHC cấp xã.

Đề nghị của TP Hà Nội: Không có ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp. Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 10 đơn vị. Trong đó: số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp: 7 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có liên quan đến việc sắp xếp: 3 đơn vị. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng thành phố Hà Nội đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021: 5 đơn vị. Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã: Số lượng ĐVHC cấp xã của thành phố Hà Nội từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 5 đơn vị).

Đề nghị của TP Cần Thơ: Không có ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp. Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 3 đơn vị. Trong đó: số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp: 2 đơn vị; số lượng ĐVHC cấp xã liền kề có liên quan đến việc sắp xếp: 1 đơn vị. Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng thành phố Cần Thơ đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021: không có.

Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã: Số lượng ĐVHC cấp xã của thành phố Cần Thơ từ 85 đơn vị giảm xuống còn 83 đơn vị (giảm 2 đơn vị).

Đề nghị của tỉnh Khánh Hòa: Tỉnh Khánh Hòa có 1 ĐVHC cấp huyện (huyện Khánh Sơn) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp: 2 đơn vị (cả 2 đơn vị đều thuộc diện phải sắp xếp);  Số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng tỉnh Khánh Hòa đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021: 1 đơn vị. 

Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp xã: Số lượng ĐVHC cấp xã của tỉnh Khánh Hòa từ 140 đơn vị giảm xuống còn 139 đơn vị (giảm 1 đơn vị).

Đề nghị của tỉnh Cao Bằng: Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua nội dung sắp xếp 2 ĐVHC cấp huyện và 76 ĐVHC cấp xã của tỉnh Cao Bằng. Riêng đối với việc sắp xếp 4 ĐVHC cấp huyện còn lại (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 42.

Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy Cao Bằng đã có Văn bản số 2263-CV/TU ngày 17.1.2020 báo cáo giải trình để làm rõ thêm các yếu tố đặc thù như truyền thống lịch sử, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội và quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn các huyện thực hiện sắp xếp. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Cao Bằng tiếp tục kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đối với 4 ĐVHC cấp huyện còn lại.

Hoàng Ngọc