Chính sách và cuộc sống

Nhiều băn khoăn!

- Thứ Ba, 11/06/2019, 07:54 - Chia sẻ
Các nội dung liên quan đến Luật Tổ chức Chính phủ được đề xuất trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương không nhiều, tập trung chủ yếu vào các điều khoản liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ. Dẫu vậy, điều khiến nhiều ĐBQH thấy băn khoăn trong phiên họp toàn thể sáng 10.6 là hầu hết các nội dung này đều theo hướng giao cho Chính phủ quy định.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) “kiểm đếm” có đến 4/5 nội dung lớn với gần 20 nội dung cụ thể được liệt kê như quy định khung số lượng, cơ quan chuyên môn, UBND cấp tỉnh, quy định tiêu chí thành lập tổng cục, cục, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa được giao cho Chính phủ quy định. Trong số này có những nội dung đã được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành nhưng dự án Luật lại đề nghị bãi bỏ để giao cho Chính phủ. Dự án Luật cũng bổ sung một số nội dung liên quan đến việc thể chế hóa Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp, đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Nhưng về cơ bản, các quy định này mới chỉ nhắc lại một số nội dung chính đã được đề cập trong Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 mà chưa cụ thể hóa được. Chính phủ cũng chưa báo cáo được với QH rằng, các quy định này sẽ được hướng dẫn cụ thể ra sao. Và như vậy, như nhận xét của ĐB Nguyễn Mạnh Cường, dự án Luật chưa mang lại hiệu quả thiết thực gì cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương.

Quyền quyết định tổ chức bộ máy là một trong những quyền thuộc chức năng thứ 3 của QH - chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) nói rằng, điều này không có nghĩa là QH phải quyết định tất cả mọi việc liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước mà chỉ quyết định các cơ quan rường cột nhất của bộ máy ấy. Dự án Luật có thể phân cấp, phân quyền cho Chính phủ về vấn đề này. Quy định như vậy, theo ĐB Lê Thanh Vân, sẽ linh hoạt, phù hợp với yêu cầu đặt ra từng thời kỳ trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn, phù hợp với định hướng, chủ trương của Đảng và khi có vấn đề phát sinh cũng có thể điều chỉnh kịp thời mà không cần phải sửa luật.

Đúng là có thể chấp nhận việc dự thảo Luật tiếp cận theo hướng quy định “khung”, QH ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết một số vấn đề để bảo đảm tính linh hoạt, hiệu quả cao nhất trên thực tế. Nhưng trong trường hợp đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất rõ, hồ sơ dự án Luật phải kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ. QH có thể không quy định quá chi tiết, có thể ủy quyền cho Chính phủ nhưng về nguyên tắc, phải biết được và giám sát được các nội dung đã ủy quyền cho Chính phủ có được hướng dẫn đúng, cụ thể hóa chính xác không, có bị lạm dụng hay tùy tiện hay không. Đơn cử như quy định cấp phó của cấp vụ không quá 3 người, tổng cục không quá 4 người. Nếu bỏ quy định này như đề xuất của Chính phủ thì rõ ràng, số lượng cấp phó sẽ không bị “khống chế cứng” như Luật hiện hành cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Nhưng bao giờ thì có văn bản quy định chi tiết? Và trong thời gian chờ văn bản quy định chi tiết, ai dám bảo đảm số lượng cấp phó sẽ được kiểm soát chặt chẽ như quy định của Luật hiện hành hay lại “bùng phát” như giai đoạn trước? Việc xây dựng theo hướng luật khung như vậy, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường, là bước lùi của dự thảo Luật vì luật có ban hành rồi cũng không thực thi được, vẫn phải chờ nghị định.

Nhìn lại các dự án Luật được trình QH tại Kỳ họp này thì thấy, thực ra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương không phải là dự luật duy nhất có xu hướng ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết hay “bãi bỏ” một số thẩm quyền của QH để giao lại cho Chính phủ nhưng lại không hề có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo, thậm chí là cơ sở cho những đề xuất sửa đổi, bổ sung đó cũng chưa được tổng kết trên thực tế, chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Điều này không chỉ vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn có thể phát sinh những hệ lụy phức tạp hơn, đó là QH sẽ không thể kiểm soát được những quy định khung của Luật có được cụ thể hóa theo đúng tinh thần của Luật hay không. Đã có vô số ví dụ trong thực tiễn chứng minh cho lo ngại này là có cơ sở.

Cũng cần nói thêm rằng, QH đã phải rất nỗ lực mới cơ bản khắc phục được tình trạng luật khung, luật “ống” trước đây để ban hành các đạo luật chi tiết, có thể áp dụng được ngay. Nếu để xu hướng này quay trở lại thì chắc chắn đó sẽ là một bước lùi trong hoạt động lập pháp của nước ta.

Quỳnh Chi