Quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

Nhiệm vụ không của riêng ai

- Thứ Bảy, 12/10/2019, 07:59 - Chia sẻ
Trong thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra. Đây cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo về định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức nhằm góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật, phục vụ công tác chuẩn bị dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng…

Trong thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Điều này được thể hiện ở việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị điều chỉnh về các lĩnh vực này. Để thể chế hóa chủ trương chung, QH đã ban hành 8 luật liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành hàng trăm văn bản quy phạm, chiến lược, kế hoạch hành động. Ở các địa phương cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, kế hoạch hành động, quản lý trên địa bàn.


Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác quản lý bền vững tài nguyên ngày càng được chú trọng hơn. Bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu bức thiết của xã hội và đang chuyển dần từ thế bị động sang chủ động. Ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm, lồng ghép trong hệ thống chính sách.

Không dừng lại ở việc nâng cao nhận thức của xã hội, nhiều hoạt động cụ thể đã được triển khai, bước đầu đạt những thành tích đáng khích lệ. Trong đó, nhiều đại biểu nhấn mạnh, việc xuất khẩu khoáng sản thô đã được hạn chế với việc đã thiết lập 48 khu dự trữ từ khi ra đời Luật Khoáng sản. Luật Lâm nghiệp có tác động tích cực, thúc đẩy chuyến biến trong thực hiện bảo vệ, phát triển rừng. Ngoài ra, việc triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã giúp hình thành nhiều phong trào thiết thực, nhận được sự hưởng ứng cao của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đang đặt ra khá nhiều vấn đề. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng thẳng thắn chỉ rõ, nước ta đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên do bị khai thác quá mức, thiếu quy hoạch, trong đó phải kể đến hiện tượng việc khai thác dầu khí tại nhiều mỏ chủ lực đã sang giai đoạn suy giảm sản lượng, hay tài nguyên than bắt đầu cạn kiệt. Tình trạng ô nhiễm môi trường có lúc, có nơi đã đến mức báo động. Môi trường một số lưu vực sông đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân. Ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát. Đồng thời, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường và tác động ngày càng lớn đến đời sống người dân, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, biển xâm thực ngày càng sâu.

Giảm thiểu cơ chế xin - cho

Đứng trước những vấn đề đang đặt ra, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức rõ việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Trong đó, sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của ứng phó với biến đổi khí hậu. Tài nguyên phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế. Trong thực hiện bảo vệ môi trường sẽ phải kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.


Nguồn: ITN

 Trong quản lý tài nguyên biển cần có sự điều phối giữa các ngành, các cấp, đừng vì lợi ích của ngành, địa phương, nên quản lý theo tổng thể tài nguyên biển, qua đó bảo đảm vừa khai thác có lợi nhất cho quốc gia, vừa bảo vệ môi trường. Ý thức được đòi hỏi này, trên thế giới đã hình thành phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển, thực hiện quản lý xanh. Phương thức quản lý này cũng đã được thể hiện trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, do QH ban hành năm 2015. Nhưng nhận thức của các cơ quan, địa phương về phương thức quản lý này còn hạn chế.

Sau 4 năm triển khai Luật, hiện chiến lược khai thác, sử dụng tổng thể tài nguyên biển và không gian biển chưa được xây dựng, ngành nào vẫn quản lý theo cách của ngành đó. Chưa tiến hành đánh giá với những khu vực biển có đa chức năng để xác định khu vực nào sẽ cho hiệu quả khai thác cao nhất, khu vực nào cần bảo tồn. Nếu vẫn tiếp tục quản lý theo ngành như hiện nay chắc chắn tài nguyên biển sẽ tiếp tục bị hủy hoại, cũng như ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Phạm Ngọc Sơn

Bên cạnh những chủ trương chung mang tính định hướng nêu trên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH Nguyễn Đình Quyền chỉ ra thực tế, việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đang tồn tại nhiều mâu thuẫn lợi ích, liên quan đến nhiều ngành, khó rạch ròi trách nhiệm. Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Quyền, trong định hướng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 cần đặt ra mục tiêu hạn chế và giảm thiểu thấp nhất cơ chế xin - cho trong cấp phép, phân bổ nguồn lực giữa Trung ương và địa phương. Thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường công khai, minh bạch, cũng như tăng cường kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện. Bởi thực tế đã cho thấy, các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường chỉ giảm bớt khi có vụ việc đưa ra xử lý hình sự, cũng như các tiêu chuẩn được siết chặt hơn tại Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.

Tuy nhiên, theo nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Ngọc Sơn, khi xác định định hướng cho các lĩnh vực này trong giai đoạn 2021 - 2030 cần tập trung xây dựng phương thức quản lý hợp lý. Bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu thực hiện quản lý tài nguyên không hiệu quả sẽ làm gia tăng mâu thuẫn, đồng thời làm phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu sẽ đến nhanh hơn so với kịch bản đề ra. Do vậy, ông Phạm Ngọc Sơn cho rằng, thay vì quản lý cát cứ, cục bộ theo ngành, lãnh thổ như hiện nay, cần thúc đẩy chuyển sang quản lý tổng hợp, xây dựng cơ chế liên kết vùng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các lĩnh vực tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có mối liên hệ mật thiết với nhau. Quản lý hiệu quả ba lĩnh vực này sẽ tạo cơ sở thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của nước ta đến năm 2030. Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật được cơ quan quản lý đưa ra, việc thay đổi tư duy và cách thức quản lý là yêu cầu quan trọng. Mỗi ngành, lĩnh vực không nên chỉ chú ý đến lợi ích của mình, cần có cái nhìn tổng thể, để bảo đảm khai thác có hiệu quả nhất, song vẫn bảo vệ môi trường, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Thanh Hải