ỦY BAN DỰ THẢO HIẾN PHÁP

Nhiệm vụ của ủy ban đối với dự thảo hiến pháp

- Thứ Sáu, 24/05/2013, 08:38 - Chia sẻ
Ở nhiều nước, để xây dựng dự thảo Hiến pháp, người ta thành lập một cơ quan chuyên trách gọi chung là Constitution Drafting Commission - Ủy ban Dự thảo hiến pháp (UBDTHP).

Chức năng cơ bản nhất của một UBDTHP là chuẩn bị bản dự thảo hiến pháp để một cơ quan khác xem xét và thông qua. Tại nhiều quốc gia, UBDTHP hiến pháp có thể tuyên bố rằng mình đã phản ánh chính xác hơn những lựa chọn của nhân dân so với các chính trị gia. Nói chung thì nhân dân nhấn mạnh tầm quan trọng của các giá trị và nguyên tắc, trong khi các chính trị gia nhấn mạnh các thiết chế, vì vậy có nguy cơ là các giá trị và thiết chế có thể không thống nhất với nhau, tạo nên những bất tương thích và xung khắc nội bộ. Một cách để bảo vệ dự thảo của UBDTHP là UBDTHP thiết lập được một quan hệ tốt với nhân dân và giành được sự tin tưởng của nhân dân.

Dự thảo hiến pháp của UBDTHP thông thường sẽ chuyển đến Quốc hội lập hiến hoặc cơ quan lập pháp, trừ trường hợp Cộng hòa Somalia (2004) dự thảo hiến pháp của UBDTHP độc lập sẽ được đưa ra để trưng cầu ý dân trực tiếp. Ngay cả khi dự thảo đã được chuyển cho Quốc hội lập hiến hoặc nghị viện, thì cũng không có mô hình chuẩn chung nào cho mọi quốc gia. Ở Kenya năm 2005, dự thảo được công chúng tranh luận trước khi Quốc hội lập hiến quốc gia bắt đầu sự thảo luận của mình. Dự thảo được Quốc hội lập hiến thông qua sau đó lại được đệ trình cho nghị viện quốc gia “để ban hành trong thời hạn bảy ngày.” Cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức một năm sau đó đã bác bỏ bản dự thảo đã bị cơ quan lập pháp thay đổi một số điểm quan trọng so với bản dự thảo của Quốc hội lập hiến quốc gia.

Con đường đi của Dự thảo Hiến pháp ở Kenya năm 2010 thậm chí còn phức tạp hơn. Ủy ban đệ trình bản dự thảo để công chúng thảo luận và cũng phải thảo luận bản dự thảo với các nhóm có liên quan (bao gồm các thành viên của xã hội dân sự). Bản dự thảo sửa đổi sau đó được đệ trình cho một ủy ban có liên quan của nghị viện để xem xét, nhận xét. Sau khi được sửa đổi thêm, bản dự thảo được chuyển đến cơ quan lập pháp để thông qua với hai phần ba số phiếu tán thành. Cuối cùng bản dự thảo được đưa ra toàn dân phúc quyết và ban hành.

Ở Uganda năm 1995, dự thảo được chuyển đến một Quốc hội lập hiến được bầu cử; dự thảo của UBDTHP có thể được sửa đổi bởi hai phần ba số phiếu tán thành, và Quốc hội lập hiến cũng có lựa chọn có thể đưa bất kỳ vấn đề nào ra để trưng cầu ý dân cho quyết định cuối cùng, nhưng trưng cầu ý dân lại không bắt buộc để thông qua dự thảo. Ở Zambia năm 2010, dự thảo được chuyển tới Tổng thống và nội các, các cơ quan này đưa ra một sách trắng (văn bản đã bác bỏ rất nhiều điều khoản của dự thảo), và bản dự thảo sửa đổi được gửi cho và thông qua bởi cơ quan lập pháp. Tổng thống của Zimbabwe lại đã đưa ra một số sửa đổi quan trọng đối với dự thảo (dù cho phần lớn UBDTHP là do tổng thống lựa chọn). Dự thảo sau đó được đưa ra trưng cầu ý dân vào năm 2000, tại đây dự thảo bị bác bỏ.

Thực tiễn các nước cho thấy các dự thảo chuẩn bị bởi UBDTHP lập hiến có kết quả không giống nhau dựa trên giả định rằng, mục tiêu của các bản dự thảo là làm sao để dự thảo được thông qua với ít thay đổi nhất có thể. Tuy nhiên cũng có thể lập luận rằng mục tiêu của dự thảo hiến pháp là để khởi động hay tăng cường sự thảo luận quy mô quốc gia về một tập hợp các đề xuất, đưa ra các định hướng hoặc chỉ dẫn, hoặc xác định các vấn đề cốt lõi dựa vào đó các quyết định được đưa ra thông qua các thủ tục dân chủ.