Nhiệm kỳ của những đổi mới

- Thứ Ba, 12/05/2020, 14:58 - Chia sẻ
5 năm qua, đất nước ta chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và những thách thức về an ninh, chủ quyền ở khu vực. Để đối phó và thích nghi với những thay đổi nhanh chóng, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và đổi mới.


ĐBQH Hà Huy Thông

Sau khi từ Việt Nam về năm 2015, một Thượng nghị sĩ nước ngoài thường xuyên thăm Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã nói với Đại sứ ta ở nước ông là ấn tượng nhất sau chuyến thăm là những đổi mới ở QH Việt Nam mấy năm gần đây. Nhiệm kỳ Khóa XIII là “Nhiệm kỳ của những đổi mới”, tiếp theo đổi mới ở những nhiệm kỳ trước và là một phần quan trọng của 30 năm đổi mới của đất nước, với nhiều việc lần đầu tiên tiến hành mà tôi xin không nhắc lại.

Ngoài những điểm nhất trí với Báo cáo của UBTVQH đánh giá tổng kết nhiệm kỳ, tôi xin đề cập thêm về việc QH nhiệm kỳ Khóa XIII thực hiện chức năng kèm theo 2 kiến nghị:

Thứ nhất, về thực hiện chức năng lập pháp - lập hiến, Khóa XIII đã tập trung trí tuệ và công sức để làm hơn 100 luật, nghị định và pháp lệnh, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, đặc biệt là sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Bản Hiến pháp 2013 đã tiếp thu và kế thừa các Bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, thể chế hóa đường lối của Đảng, nhất là Cương lĩnh chính trị và Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI (2011).

Bản Hiến pháp 2013 là đã đặt lợi ích của nhân dân và dân tộc lên trên, tiếp thu tư tưởng tiến bộ phù hợp với xu thế chung.

Theo tinh thần Hiến pháp 2013, QH đã sửa và làm nhiều luật về tổ chức bộ máy, quyền - nghĩa vụ cơ bản của công dân và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN như một trong 3 “đột phá” mà Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Khi tiếp Đoàn Lãnh đạo QH ta thăm (tháng 9.2015), Lãnh đạo Ngân hàng thế giới đã đánh giá cao các luật về kinh tế mà QH Việt Nam mới thông qua như Luật NSNN, Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư.. có nhiều điểm tiến bộ.

Được QH thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối 100%, Hiến pháp 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, cả về kinh tế và chính trị và là một trong những cơ sở quan trọng nhất cho những đổi mới tiếp theo của đất nước.

Hiến pháp là bộ luật gốc, quan trọng, thậm chí còn được nhiều học giả quốc tế coi là một trong những nguồn gốc của sự hưng thịnh hay nghèo nàn của một quốc gia. Nhưng Hiến pháp là một thiết chế phức tạp. Tuy ta đã có Luật giáo dục pháp luật, nhưng để Hiến pháp gần dân hơn, dễ nhớ, dễ phổ biến và dễ thực hiện hơn, tôi xin nêu đề nghị thứ nhất là ta tham khảo kinh nghiệm các nước trong việc đa dạng hóa các hình thức phổ biến Hiến pháp như: Chọn những điểm phù hợp cho từng chương trình học; In những điểm quan trọng nhất, đặc biệt là những điểm liên quan trực tiếp đến người dân, vào những cuốn sách nhỏ, hay in trên những phiến đá, cốc đựng bút, đá chặn giấy để trên bàn làm việc, đồ lưu niệm…; Dịch ra các thứ tiếng thông dụng, nhất là tiếng Anh; Đưa lên mạng của QH và các cơ quan của ta ở trong và ngoài nước…

Thứ hai, về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng, Khóa XIII quyết định lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội đồng liên nghị viện thế giới IPU 132 với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mặc dù đúng vào năm ta bận nhiều hoạt động kỷ niệm năm chẵn và chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XII.

Với sự tham gia của khoảng 100 Chủ tịch và Phó chủ tịch QH các nước thành viên IPU, đây là hoạt động đối ngoại lớn nhất của QH 70 năm qua và là một trong những hoạt động đối ngoại lớn nhất kể từ năm 1945. Đây là kết quả của quá trình đổi mới và thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Điều có ý nghĩa đối với ta trong bối cảnh hiện nay là Đại hội đồng IPU-132 thông qua 4 nghị quyết về chủ quyền quốc gia và quyền con người, hệ thống quản trị mới về nước, an ninh mạng, chống khủng bố, đặc biệt là “Tuyên bố Hà Nội” do ta đề xuất, chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ, như đặt con người ở vị trí trung tâm của sự phát triển bền vững, đã được trình tới Hội nghị các Chủ tịch QH lần thứ 4 (8.2015) ra văn kiện cuối cùng gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (9.2015) trước khi thông qua Chương trình nghị sự với các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Việc tổ chức Đại hội đồng IPU – 132 vào thời điểm chuyển giao giữa hai giai đoạn phát triển của Liên hợp quốc là một đóng góp đúng lúc và có trách nhiệm của ta đối với cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế đất nước.

Nhìn lại công tác đối ngoại của QH 70 năm qua, năm 2015 là năm có ý nghĩa lịch sử với việc ta lần đầu tiên tổ chức Đại hội đồng IPU-132, lần đầu tiên Tổng ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đến phát biểu trước QH ta, lần đầu tiên cả Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Mỹ, rồi Chủ tịch Nhân đại (tức là QH) Trung Quốc mời Chủ tịch QH ta thăm chính thức hai nước đối tác hàng đầu này trong cùng một năm.

Tuy nhiên, việc thực hiện “Tuyên bố Hà Nội” cũng như Chương trình nghị sự phát triển 2030 dựa trên 4 trụ cột là : (i) Kinh tế; (ii) Xã hội; (iii) Môi trường và (iv) Pháp luật – thể chế; với 17 mục tiêu và 169 tiêu chí rất cao như: đến năm 2030 xóa nghèo cùng cực cho mọi người ở mọi nơi với mức thu nhập dưới 1,25 USD (hiện tương đương 28.000VNĐ)/người/ngày hay bảo đảm giáo dục tiểu học và trung học miễn phí cho mọi trẻ em hay mọi người đều được tiếp cận với công lý… là một thách thức. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đưa đất nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới.

Tuy “Tuyên bố Hà Nội” và “Chương trình nghị sự phát triển 2030” không ràng buộc về pháp lý, nhưng IPU và Liên Hợp quốc kỳ vọng các thành viên, trong đó có Việt Nam “biến lời nói thành hành động” và có chương trình quốc gia để thực hiện. Chủ tịch IPU Saber Chowhury đã nói: “Việt Nam đáng được tôn vinh vì đã tổ chức Đại hội đồng IPU-132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững : Biến lời nói thành hành động” và ra “Tuyên bố Hà Nội” do chính mình đề xuất, nhưng sự tôn vinh thực sự sẽ là khi Việt Nam thực hiện thành công “Tuyên bố” này.

Trong thế giới toàn cầu hóa, chưa bao giờ công tác đối nội và đối ngoại của tất cả các nước găn kết với nhau như hiện nay.

Để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, tranh thủ có chọn lọc kinh nghiệm thế giới, đóng góp có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, tôi xin nêu đề nghị thứ hai là ta xem xét lồng ghép có chọn lọc các mục tiêu và yêu cầu của hai văn kiện này vào các Chương trình phát triển đất nước định kỳ từ nay đến năm 2030 phù hợp với thực tiễn của đất nước. 

Đại sứ Hà Huy Thông
ĐBQH Thừa Thiên Huế
Phó Chủ nhiệm UBĐN