Nhận thức rõ về giám sát giúp giám sát trở nên hoàn thiện

- Thứ Năm, 25/02/2016, 11:11 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Giám sát là một trong những chức năng chủ yếu của HĐND. Kết quả hoạt động giám sát của HĐND có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương. Chia sẻ về hoạt động giám sát của HĐND, Phó chủ tịch (PCT) HĐND TP Hà Nội LÊ VĂN HOẠT cho rằng, phải tìm mọi cách để nâng cao hiệu lực giám sát, phải nhận thức rõ về giám sát mới giúp giám sát trở nên hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn.

- Ông có thể đánh giá kết quả nổi bật của HĐND TP Hà Nội trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt trong công tác giám sát?

PCT Lê Văn Hoạt: Phải nói nhiệm kỳ hoạt động HĐND TP Hà Nội 2011 - 2016 là một nhiệm kỳ liên tục đổi mới. Cho đến nay, chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng vì những chuyển biến tích cực và có đóng góp vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa bàn thủ đô. Những chuyển biến này đều được cử tri, nhân dân quan tâm và đánh giá cao.

Suốt từ đầu nhiệm kỳ cho đến những năm vừa qua, tư tưởng đổi mới được tiến hành liên tục qua các năm và toàn diện trên các lĩnh vực. Đầu tiên phải nói đến công tác đổi mới trong việc tổ chức các kỳ họp HĐND. Các kỳ họp của HĐND được chuẩn bị chu đáo hơn, bài bản hơn và sự phối hợp của các cơ quan HĐND với UBND tốt hơn nên các Nghị quyết đã bám sát thực tiễn và đi vào cuộc sống.


Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt
Ảnh: Khánh Chi

Về hoạt động giám sát, trên cơ sở Nghị quyết số 32 của HĐND TP năm 2013 thì hoạt động giám sát của HĐND được triển khai một cách tích cực, đúng hướng và có hiệu quả. Việc kết hợp giữa giám sát tại Kỳ họp và giám sát của các chủ thể giám sát HĐND ngoài kỳ họp phát huy hiệu quả rất tích cực.

Với tinh thần là bám sát thực tiễn, hoạt động giám sát đã được HĐND quan tâm thực hiện đến cùng. Trong nhiệm kỳ vừa qua HĐND TP đã triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt những nội dung hàng năm trong thực hiện nghị quyết giám sát của HĐND.

Công tác phối hợp giữa các cấp HĐND như giám sát của HĐND với giám sát của các ban HĐND, của Thường trực HĐND và cả các tổ đại biểu cũng như đại biểu HĐND, phối hợp giữa việc giám sát của HĐND TP với HĐND quận huyện và cả HĐND xã phường được thực hiện rất bài bản và chặt chẽ. Chất lượng các cuộc giám sát ngoài kỳ họp được nâng lên một cách căn bản bằng việc chuẩn bị chu đáo, chọn đúng và chọn trúng những vấn đề trong nhiệm vụ thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của Thủ đô.

- Có nhiều ý kiến cho rằng hoạt động giám sát của HĐND hiện nay chưa có hiệu quả, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

PCT Lê Văn Hoạt: Theo tôi, HĐND phải tìm mọi cách để nâng cao hiệu lực giám sát, có hiệu lực mới hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả giám sát, phải có cơ chế, còn giám sát xong để đấy, giám sát xong không làm thì không thể có hiệu quả. “Anh” phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào nếu giám sát xong mà anh không làm, anh để đấy? Phải có cơ chế xử lý mới thay đổi được một cách toàn diện.

Thời gian qua, HĐND TP Hà Nội đã áp dụng hàng loạt biện pháp như đưa lên báo công khai, gửi cho các đơn vị… Cuối cùng là việc đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Tất cả các biện pháp này sẽ giúp cho hoạt động giám sát của HĐND có hiệu lực. Phát hiện ra vấn đề, có hiệu lực để người ta buộc phải sửa đổi.

Một vấn đề lớn nữa là hiện nay nhận thức về giám sát của chúng ta hiện nay chưa đầy đủ. Giám sát khác thanh tra, kiểm tra. Giám sát là một cái nhìn toàn diện để phát hiện ra cái hay, cái dở, cái được, cái chưa được, để nhìn lại, điều chỉnh những quyết định và cơ chế quản lý của chúng ta. Bây giờ kể cả Đảng, kể cả HĐND cũng như QH, giám sát nặng về phát hiện những yếu kém mà chưa chú ý tổng kết kinh nghiệm hay cách làm tốt.

- Vậy, theo ông đâu là giải pháp nâng cao hiệu lực giám sát của HĐND?

PCT Lê Văn Hoạt: Trước hết, đó là tổng kết cách làm hay của nhân dân để đưa ra chủ trương, chính sách. Nhân dân ta rất thông minh, nhưng họ chỉ biết làm thôi chứ không thể rút ra chủ trương được. Phải là các nhà quản lý, các đại biểu, thông qua giám sát tổng kết thành chủ trương, chính sách. Đây là điểm là chúng ta làm chưa tốt.

Thêm nữa, cần chú trọng hoạt động giám sát của đại biểu, chúng ta mới tập trung vào giám sát của thường trực và các ban. Nhưng quan trọng phải có cơ chế và cách tổ chức làm thế nào để tiếng nói của đại biểu, hoạt động giám sát của đại biểu đến được với thường trực và nó mang ra được nghị trường. Đến nay vẫn chưa có cơ chế nào cho hoạt động giám sát của đại biểu, chuyển tinh thần, ý kiến, kiến nghị của họ ra được nghị trường.

Ngoài ra, cần kết hợp giám sát của HĐND các cấp, của cấp dưới và cấp trên để làm sao việc phối hợp các hoạt động trên địa bàn được thực hiện tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.

Khi nhận thức rõ về giám sát thì giám sát sẽ đầy đặn hơn, hoàn thiện hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Khánh Chi thực hiện