15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW về kinh tế tập thể

Nhân rộng mô hình hiệu quả

- Thứ Ba, 15/10/2019, 07:56 - Chia sẻ
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể diễn ra chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các cấp địa phương phải xác định nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể là nhiệm vụ cần quan tâm chỉ đạo thực hiện; sớm có kế hoạch hành động khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả và nhân rộng.

Còn tâm lý ngại đổi mới

Đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TW ngày 18.3.2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT (Nghị quyết số 13) cho thấy, khu vực KTTT, HTX “đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng”. Theo đó, số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% tổng số HTX nông nghiệp và 50 - 80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp.

Đến nay, cả nước có hơn 101.400 tổ hợp tác, hơn 22.800 HTX và 74 liên hiệp HTX. Doanh thu bình quân lần lượt vào khoảng 400 triệu đồng; 4,4 tỷ đồng và 944 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động trong tổ hợp tác là 29 triệu đồng/năm; của HTX là 36,6 triệu đồng/năm…


Toàn cảnh hội nghị

Nhìn vào số lượng HTX mới thành lập hằng năm tăng nhanh kể từ sau năm 2012 khi Luật HTX có hiệu lực… Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng “chúng ta đang vận hành đúng theo tinh thần Nghị quyết số 13”. Song, “chưa thể bằng lòng” với kết quả đã đạt được. Bởi lẽ, trong nông nghiệp mới chỉ có khoảng 14.800 HTX, so với yêu cầu của 18,6 triệu hộ liên kết là quá nhỏ. Thêm nữa, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp vẫn còn quá ít với khoảng 11.000 doanh nghiệp. Chưa kể, sự phát triển của các HTX không đồng đều, nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả…

Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các cấp, ngành chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển. Nhận thức của cán bộ quản lý, người dân vẫn chưa đúng, chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế. Còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình HTX kiểu mới…

Phải tạo hệ sinh thái phát triển kinh tế tập thể

Theo các đại biểu, trong thời gian tới, để thúc đẩy KTTT mà nòng cốt là HTX phát triển, trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Trong đó, cần rà soát, sửa đổi Luật HTX năm 2012 như tỷ lệ tham gia dịch vụ của các thành viên hay sự tham gia của doanh nghiệp trong HTX. Đồng thời, cần xác định rõ bộ máy quản lý nhà nước trong việc phát triển KTTT, HTX. Bởi hiện điều này vẫn chưa có sự thống nhất khi ở nhiều địa phương thuộc trách nhiệm Sở Kế hoạch và Đầu tư song ở nhiều địa phương khác lại giao cho Sở NN - PTNT…

Lấy dẫn chứng ở Sơn La trong 1 năm hình thành mấy chục HTX nhưng có những tỉnh lại rất ít, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, ngành rất quan trọng. Ông lưu ý, cần dồn mọi nguồn lực từ thể chế, chính sách để tạo thành hệ sinh thái phát triển KTTT với nòng cốt là các HTX.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo bổ sung, để phát triển HTX, đặc biệt là các HTX phi nông nghiệp vốn còn nhiều tiềm năng phát triển, trước hết cần tăng cường thống nhất nhận thức trong toàn xã hội về vai trò của KTTT, HTX; thể chế hóa đầy đủ quan điểm Nghị quyết số 13 cũng như Kết luận số 56-KL/TW ngày 21.2.2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 13. Việc ban hành các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX cần phải tiệm cận theo hướng thị trường, trước hết tập trung vào các chính sách cơ bản là đất đai, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và công nghệ.

Nhìn nhận quy mô, chất lượng của HTX sẽ quyết định quy mô, chất lượng ngành nông nghiệp, HTX sẽ quyết định tái cơ cấu nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định “không có cách nào khác là phát triển KTTT với nòng cốt là HTX”. Song, ông Hoan cho rằng đừng quá kỳ vọng đóng góp của HTX vào GDP mà hãy tạo cơ chế để HTX hoạt động thực sự tốt. Muốn vậy, phải nâng cao nhận thức của xã viên, nâng cao trình độ quản lý của lãnh đạo HTX “bởi một trong số những điểm nghẽn là vấn đề quản trị”.

Coi trọng liên kết hợp tác phát triển

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta vui mừng với con số hết năm 2018 có hơn 22.800 HTX, với gần 60% HTX hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều HTX cũng đã ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ số bước đầu cho kết quả rất tốt; xuất hiện những mô hình HTX mới như HTX về y tế ở Quảng Nam… Tuy vậy, phải rất thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để cùng nhau khắc phục. Trong các khó khăn, nổi lên nhất là vấn đề tiếp cận đất đai khi nhiều HTX vẫn chưa có “mảnh đất cắm dùi”, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng…

Đồng tình với các giải pháp được đại biểu nêu ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các cấp địa phương phải xác định nâng cao hiệu quả KTTT là nhiệm vụ cần quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng thông qua tạo khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết số 13 cần xuất phát từ nhu cầu của người dân, tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của HTX phù hợp đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, đề cao nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, hợp tác cùng có lợi. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế HTX, tổ hợp tác, sửa Luật HTX 2012 theo hướng xác định pháp lý vững chắc bảo đảm lợi ích thành viên, bảo đảm bình đẳng với các chủ thể kinh tế khác khi tham gia thị trường, có cơ chế hỗ trợ.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cách tiếp cận đất đai và các gói tín dụng cho HTX và tổ hợp tác. Phải coi trọng sự liên kết hợp tác phát triển với các lực lượng khác, nhất là với doanh nghiệp - phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ của HTX, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm. Song song với đó, phải củng cố vai trò của Liên minh HTX Việt Nam, nhất là trong đào tạo nhân lực; học tập mô hình của các nước và nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả trong nước.

Đan Thanh