Công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện ma túy ở Hà Nội

Nhân rộng mô hình hiệu quả

- Chủ Nhật, 23/09/2018, 09:24 - Chia sẻ
Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, các loại ma túy ngày càng đa dạng và nguy cấp đến tính mạng con người, cùng với những bất cập của một số văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy, không ít địa phương gặp khó khăn trong công tác cai nghiện, thì tại TP Hà Nội đã có những cách làm hay, những mô hình hiệu quả trong việc triển khai công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai nghiện, đáng để các địa phương học tập và nhân rộng.

Hỗ trợ đào tạo nghề

Theo thống kê từ Phòng PC 47, Công an TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 12.510 người nghiện ma túy và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Hà Nội có 7 cơ sở cai nghiện ma túy với gần 3.000 người nghiện đang tham gia học tập, điều trị.

Mới đây, Đoàn công tác của Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra, khảo sát một số cơ sở cai nghiện ma túy thuộc TP Hà Nội. Đó là Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì), hiện đang quản lý 323 học viên và Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 tại phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), hiện đang quản lý 230 học viên cai nghiện tự nguyện, 110 bệnh nhân điều trị thay thế bằng Methadone...

Qua kiểm tra thực tế công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, thời gian qua công tác này đã và đang được đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách mới được triển khai bài bản, hiệu quả như chính sách hỗ trợ người đi cai nghiện tự nguyện ở mức cao. Cụ thể, thành phố đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ 65% chi phí cho học viên cai nghiện tự nguyện và phụ cấp cho cán bộ, nhân viên từ 1,25 - 1,4% theo mức lương cơ sở; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, nguồn sinh kế cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng...

 Việc thực hiện cai nghiện đúng quy trình, khoa học, có hiệu quả. Đáng chú ý, một số mô hình mới, đạt hiệu quả cao đã và đang được áp dụng tại các cơ sở cai nghiện như “phòng hạnh phúc” dành cho những học viên cai nghiện tốt; nhà truyền thống, sân chơi thể thao…

 Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, công tác quản lý học viên được duy trì nghiêm túc, chế độ quản lý học viên khép kín 24/24 giờ. Đồng thời, cơ sở bố trí, phân công, giao trách nhiệm cán bộ giám sát, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của học viên, phân loại từng học viên theo lứa tuổi, nhóm loại ma túy bị nghiện, nắm bắt tâm lý của từng đối tượng học viên nhằm ngăn chặn, giải quyết kịp thời, triệt để những mâu thuẫn, bức xúc của học viên. Vì vậy, tâm lý, tư tưởng của học viên ổn định, yên tâm điều trị, cai nghiện phục hồi, không xảy ra hiện tượng học viên đánh nhau có tổ chức hoặc bạo động, gây rối, bỏ trốn.

Tương tự, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 5, việc giáo dục đào tạo nghề, các kỹ năng sống để phòng, tránh tái sử dụng ma túy khi hòa nhập cộng đồng là nội dung rất được quan tâm chú trọng. Từ khi triển khai mô hình cai nghiện tự nguyện, Cơ sở đã cử cán bộ đến một số phường, xã để làm công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người nghiện đến cơ sở điều trị, cai nghiện và uống Methadone.


Giờ lao động của học viên cai nghiện

Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất

Qua kiểm tra, giám sát một số cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đoàn công tác nhận định: Các mô hình cai nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc của TP Hà Nội được thực hiện rất tốt, quy trình bài bản, khoa học, là những mô hình điển hình, cần nhân rộng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tội phạm buôn bán ma túy, đặc biệt là ma túy đá và các loại ma túy tổng hợp, các thành viên đoàn kiểm tra cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế, chính sách và quan tâm chỉ đạo một cách cụ thể hơn, sát thực hơn để tìm ra những cách làm sáng tạo. Đặc biệt, sau khi Nghị định số 80/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 147/2003/NĐ-CP quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấp phép và quản lý hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được ban hành, dự báo số người nghiện tự nguyện vào cơ sở sẽ càng lớn, như vậy nguy cơ quá tải sẽ tăng lên.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ, Thư ký Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Đoàn Hữu Bảy cho rằng: Sỡ dĩ Hà Nội có những mô hình cai nghiện thành công là do được sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố, đầu tư nâng cấp các cơ sở cai nghiện. Từ đó cho thấy, để công tác cai nghiện đạt hiệu quả tốt, các địa phương cần quan tâm, bố trí ngân sách để đầu tư, nâng cấp các cơ sở cai nghiện.

Nhận định chung về công tác cai nghiện ma túy, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, với một công việc còn nhiều khó khăn, phức tạp nhưng qua các mô hình điển hình của TP Hà Nội cho thấy, công tác này hoàn toàn có thể làm được. Qua những mô hình hiệu quả của TP Hà Nội, cần làm thay đổi nhận thức của lãnh đạo ở một số địa phương, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương trong công tác này, vì nếu người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo sát sao sẽ tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ lực lượng công an, quân đội đến chính quyền các cấp trong công tác quản lý người nghiện ma túy.

Trần Hải