Tản mạn

Nhãn lồng

- Chủ Nhật, 05/08/2018, 10:23 - Chia sẻ
Sống ở Sài Gòn quanh năm có nhãn, cái thứ nhãn thơm nức nở, ngọt sắc “mỏng mày hay hạt”, chả thích. Nhãn lồng ở Bắc chỉ một mùa tháng bẩy, qua rất nhanh...

Non trưa, mắt đã lờ đờ buồn ngủ, nhìn ra cửa sổ, đập ngay vào mắt những chùm nhãn non lúc lỉu trên cành mà tỉnh người. Cây nhãn già trong căn biệt thự ngót trăm tuổi ai trồng, đi qua bao nhiêu thế hệ khi xưa không biết, nhưng đến giờ với những người đang sống ở đây đã là sang thế hệ thứ năm.

Nhãn sai thế kia chắc chắn năm nay nước lớn. Hồi nhỏ, năm được mùa, nhìn cành cây trĩu quả, trẻ con sung sướng, nghe người lớn chép miệng, “năm nay nước to”. Quả thế, hè 1971, những chiếc xe dán biển “xe hộ đê” chạy với tốc độ “về vợ đẻ” phăng phăng trên đường, bụi chạy dọc sông Hồng. Bà con kéo nhau ra đê xem nước lên, trẻ con thích chí ngồi bờ đê khỏa chân xuống. Nước to, giời nóng, không khí ngột ngạt, ẩm.

Ngày ấy tất cả sự thật luôn nằm trong sự bưng bít, ai biết đâu rằng để “cứu” Hà Nội, phải cho đê vỡ ở nhiều nơi, hậu quả trận lụt khủng đấy sau mới được công bố theo kiểu “đổ tội” là “trận lụt đã làm vỡ đê sông Hồng khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng 250 năm ở miền Bắc, và số tổn thất nhân mạng vượt quá sức tưởng tượng so với tổn thất chừng 1.000 người trong các cơn lũ lịch  sử vào năm 1999 ở miền Trung và năm 2000 ở miền Nam. Bây giờ không vỡ đê thì người ta xả lũ, họa chả kém gì, bao giờ người nông dân cũng là nạn nhân phải chịu đựng, nhiều khốn khổ nhất.

 Năm nay cũng thế, cây nhãn già thế kia mà còn sai quả. Sau chuỗi ngày như đổ lửa, những cơn mưa dồn dập đổ xuống, những dòng thác lũ ngập lụt khắp nơi, liệu có lại một mùa “nước lụt trắng đồng/ quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng/ làng ta lại lóp ngóp làng/ lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng” (Nguyễn Duy) đổ xuống những phận người thôn quê?

Nhãn lồng có cái mùi thật đặc biệt, thơm không kiểu “lồng lộn đến nức mũi”, nó cứ âm thầm, thấm thía thế nào, nghe mùi mà như nghe một giọng thầm kể chuyện. Mà thật, nghĩ đến mùi nhãn lại nhớ đến nhiều chuyện cũ.

Quê nội Hưng Yên đất nhãn, đi trong làng là đi trong rợp mầu xanh của nhãn. Đường làng, vườn chùa, cổng đình, bờ giếng, bờ ao..., đâu cũng nhãn. Hồi bé bố cho về quê, làng có một ông già đặc biệt, gọi là ông Còm, vì ông toàn xương. Độc thân, sống lủi thủi trong túp lều rách nát bên bờ ao, bên cây nhãn. Hàng ngày thả câu, được con cá nào cuốn gỏi ăn sống uống rượu. Chả thấy ông ăn cơm bao giờ, chỉ thấy chai rượu, cái bát chỏng chơ với tí mắm. Lần nào về làng đi qua bố cũng cho mấy đồng, có người bảo “cho làm gì, chỉ tổ nát rượu”, bố chỉ cười. Ông Còm cầm tiền tay run run, rồi vắt một cành nhãn xuống vặt cho một chùm, sướng mê mẩn. Mỗi lần ai ở quê ra mẹ hay hỏi thăm ông Còm. Nỗi thắc mắc không dứt của người đàn bà trước hiện tượng một người đàn ông không ăn chỉ uống là: “Lạ nhỉ, không biết làm sao ông sống?”. Hồi đó với tôi chỉ là câu hỏi lướt qua chả cần suy nghĩ, giờ cũng là một “người uống rượu”, đã hiểu được vì sao ông Còm sống được, những tinh chất của gạo kết tinh trong rượu đã nuôi sống ông, con cá con tôm con tép tươi sống dưới ao là thứ dinh dưỡng tuyệt vời nuôi sống ông, không khí trong lành và sự an nhiên phận người nuôi dưỡng ông, chỉ có cái nhẽ tự nhiên sinh tử mới mang ông đến một thế giới khác.

Sống ở Sài Gòn quanh năm có nhãn, cái thứ nhãn thơm nức, ngọt sắc “mỏng mày hay hạt”, chả thích. Nhãn lồng chỉ một mùa tháng bảy, qua rất nhanh. Cùi dày, hạt nhỏ, ngọt man mát, vỏ đậm mầu nâu đất, nhìn ngoài mộc mạc như nông dân chứ không bắt mắt thơm tho như nhãn Sài Gòn. Chả thế mà đến anh giai làng lẳng tính mới mang ra thả thính: “Cô kia cắt cỏ bên sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”.

Cắn quả nhãn lúc ở Hà Nội ngon thì cũng dễ chìm đi trong sự nhiều; cắn quả nhãn ở Sài Gòn nó cứ đọng lại, vì nó chỉ “một mình” với thế giới xung quanh...

Tạ Mỹ Dương