Nhận diện những vấn đề đặt ra đối với công tác dân tộc

- Thứ Năm, 08/08/2019, 17:01 - Chia sẻ
Sáng 8.8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24 - NQ/TW về công tác dân tộc và Chỉ thị số 45 - CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông đã tổ chức Hội thảo công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hà Ngọc Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Điểu K’ré đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc luôn được Đảng ta xác định có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, đề ra nhiều giải pháp thiết thực phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, dành nguồn lực đáng kể đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nhờ đó, nước ta đạt được thành tựu to lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được tăng cường.

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một số vấn đề bức xúc trong đồng bào dân tộc thiểu số như di cư tự phát, thiếu đất ở, nhà ở dột nát, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, chưa đăng ký hộ khẩu… chưa được giải quyết hiệu quả. Đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6%, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 63,35% tổng số hộ nghèo của cả nước. Vẫn còn 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng việt, thu nhập hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 40 - 50% thu nhập bình quân khu vực, tỷ lệ sinh con tại nhà rất cao… Những vấn đề trên đang là nỗi trăn trở, day dứt của nhiều cấp lãnh đạo, nhất là những người trực tiếp tham mưu về công tác dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, tới đây, Ban Chỉ đạo sẽ đề xuất Bộ Chính trị cho ý kiến về việc tổng kết Nghị quyết 24. Chính phủ cũng đang chỉ đạo rốt ráo xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trình QH xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2019). Ông Chiến kỳ vọng, các ý kiến tại hội thảo sẽ góp phần tạo ra những định hướng cho công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn tới với mục tiêu hỗ trợ đồng bào dân tộc, vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững, hội nhập với sự phát triển chung của cả nước.

Qua ý kiến phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, qua 15 năm thực hiện, 5 quan điểm của Nghị quyết 24 vẫn còn nguyên giá trị. Cụ thể, Nghị quyết nhấn mạnh đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, lâu dài, cấp bách. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau cùng phấn đấu cho sự nghiệp phát triển, xây dựng, bảo vệ tổ quốc, kiên quyết đấu tranh đối với âm mưu gây chia rẽ dân tộc. Thực hiện phát triển toàn diện vùng dân tộc, miền núi. Có chính sách ưu đãi đầu tư cho vùng dân tộc miền núi. Nghị quyết cũng chỉ rõ trách nhiệm của Đảng, của hệ thống chính trị trong công tác dân tộc. Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, những quan điểm này cần tiếp tục được làm sâu sắc trong quá trình thực hiện chính sách.

Cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong tình hình mới đối với công tác dân tộc, Trưởng ban Dân vận Trung ương lưu ý, cần có giải pháp khả thi hơn và cách tiếp cận phù hợp hơn. Theo đó, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số phải là mối quan tâm cao nhất của hệ thống chính trị, giải quyết cho được đói nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện các giải pháp tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta đã chuyển từ chuẩn nghèo thu nhập sang nghèo đa chiều, vì vậy, nguyên nhân đói nghèo phải được đo lường một cách kỹ lưỡng hơn… Hệ thống chính sách liên quan đến công tác dân tộc phải được sắp xếp và tích hợp lại, có cơ chế điều hành hợp lý hơn. Tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng, nâng cao trách nhiệm của chính đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách thúc đẩy đặc thù vì ở vùng khó khăn mà dùng chính sách chung thì không phát triển được. Bên cạnh đó, chính sách phải gắn với điều kiện sinh sống, văn hóa tập quán tốt đẹp, phát huy tiềm năng, yếu tố tích cực của đồng bào dân tộc. Gắn các vấn đề đặt ra trong phát triển như biến đổi khí hậu thiên tai, tiếp cận thị trường, an ninh quốc phòng với chính sách dân tộc…

H.Ngọc