Bạn đọc viết

Nhầm phách hay có khuất tất?

- Chủ Nhật, 01/12/2019, 08:13 - Chia sẻ
Ngày 26.10 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy khai mạc kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa và khoa học cấp quận năm học 2019-2020, địa điểm tổ chức thi tại Trường THCS Nghĩa Tân. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy phân công ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng là Chủ tịch Hội đồng coi thi. Đến ngày 7.11, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy công bố kết quả thi để chọn lựa các em đạt điểm số cao tiếp tục bồi dưỡng cho kỳ thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội sắp tới.

Sau khi có kết quả thi học sinh giỏi cấp quận môn tiếng Nhật, nhiều giáo viên, phụ huynh, bạn bè của học sinh đã chúc mừng thí sinh tên P.G.K, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn đạt 19,6 điểm, điểm cao thứ nhì của quận Cầu Giấy. Gia đình làm bữa tiệc nhỏ để mời người thân đến ăn, chúc mừng khích lệ tinh thần con trẻ. Học sinh đạt được thành tích, phấn khởi và tích cực ôn luyện với hy vọng tiếp tục đạt thành tích cao trong kỳ thi thành phố.

Mọi chuyện đang diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, tích cực, nếu như không bị dội “nước lạnh” vào ngày 20.11 khi nhận được tin nhắn từ cô giáo bộ môn rằng, ngày mai phụ huynh cho con nghỉ lớp bồi dưỡng và động viên con vì môn tiếng Nhật quận chỉ lấy 15 bạn đi học bồi dưỡng tiếp. Em P.G.K trước đây đạt điểm cao là do ghép phách nhầm. Phụ huynh thắc mắc thì được cô giáo bộ môn giải thích là do có 1 học sinh thuộc Trường THCS Nam Trung Yên trước đây thông báo kết quả được 14 điểm, sau đó có làm đơn phúc tra, nên Hội đồng thi đã xem xét lại thấy rằng do “ghép phách nhầm”. Phụ huynh đã rất hoang mang, bức xúc. Đem tâm tư này trao đổi với cô giáo rằng môn tiếng Nhật cả quận chỉ có 19 học sinh tham gia dự thi mà cũng ghép phách nhầm thì quả là tắc trách, khiến thí sinh tổn thương, tự ti với chúng bạn, người thân. Thí sinh P.G.K buồn bã chia sẻ với phụ huynh rằng mình làm tốt bài thi, không hiểu sao đã trúng nay lại trượt? Trong thi cử chuyện đỗ trượt là bình thường, thà rằng ngay khi công bố kết quả là trượt thì chẳng sao, niềm vui vì thành tích cao thứ Nhì quận mà nay lại trượt thì như “trò hề”.

Một số phụ huynh sau khi được chia sẻ câu chuyện cũng hoang mang cho rằng, nếu đúng là do ghép phách nhầm thì cần xem lại năng lực cán bộ đó thế nào khi chỉ có 19 bài thi, số thứ tự và số báo danh xếp cách xa nhau, tên không giống nhau thì sao lại nhầm? Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ đó ra sao hay lại “hòa cả làng”? Một số phụ huynh khác thì hoài nghi đặt câu hỏi phải chăng do ghép nhầm phách hay còn có điều gì khuất tất? Cần làm rõ bằng cách đưa ra 2 bài thi nhầm lẫn của 2 học sinh để phụ huynh chứng kiến sẽ “tâm phục khẩu phục”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy xác nhận là có xảy ra sự việc như trên. Phòng sẽ chỉ đạo rà soát một lẫn nữa xem có nhầm lẫn hay không. Nếu đúng thì sẽ mời phụ huynh lên xin lỗi, Phòng sẽ rút kinh nghiệm. Sau đó, cô giáo có mời phụ huynh học sinh “đã đỗ lại thành trượt” do ghép nhầm phách lên để giải thích. Sự việc tạm thời khép lại, nhưng vẫn chưa sáng tỏ bởi chưa làm rõ chất lượng bài và điểm số 2 bài thi, rằng do nhầm ghép phách hay có gì khuất tất?

Thiết nghĩ, việc nhầm lẫn là không ai mong muốn, tuy nhiên việc chỉ có 19 bài thi học sinh giỏi cấp quận mà còn ghép phách nhầm thì thật đáng trách, tắc trách. Việc nhầm này đã để lại hệ lụy là gây tổn thương đến tâm lý học sinh. Hơn thế, sau khi sự việc xảy ra, cô giáo chỉ thông báo bằng 1 tin nhắn, khiến phụ huynh và học sinh thấy mình bị coi thường, không được tôn trọng. Phải đến khi gia đình lên tiếng đến báo chí thì Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy mới mời phụ huynh lên giải thích, như để “chữa cháy”. Bên cạnh đó, việc chưa thẩm định chất lượng, kết quả 2 bài thi nhầm lẫn nhau, tức là vẫn chưa sáng tỏ rằng do nhầm ghép phách. Những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, cần có câu trả lời từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy.

Thùy Linh