QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực

Nhà nước cần quản lý giá bán lẻ điện, không nên <i>khoán trắng</i> cho doanh nghiệp

- Thứ Năm, 21/06/2012, 08:45 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, nhiều ĐBQH thẳng thắn chỉ rõ, nhiều vấn đề quan trọng và không thể thiếu đã bị bỏ qua hoặc đề cập một cách mờ nhạt trong dự thảo Luật. Trước thực tế chưa thể có ngay một thị trường điện cạnh tranh đầy đủ, các ĐBQH đề nghị, Nhà nước cần quản lý giá bán lẻ điện, không nên khoán trắng cho doanh nghiệp; giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc bù chéo trong giá điện và có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường...

ĐBQH Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định): Giảm dần và tiến tới xóa bỏ sự bù chéo trong giá điện

Tôi đồng ý với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực để góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoạt động của hạ tầng điện lực và bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật và một số tài liệu liên quan tôi thấy còn nhiều băn khoăn.

Báo cáo tổng kết công tác thi hành Luật Điện lực năm 2004 của Chính phủ cũng như quá trình sửa đổi Luật Điện lực, cơ quan soạn thảo mới chỉ chú ý lấy ý kiến của các cơ quan nhà nước, các đơn vị hoạt động điện lực mà chưa có sự đánh giá nào về ý kiến của người sử dụng điện. Trong khi đây là một trong những đối tượng chính tham gia vào thị trường điện, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành điện. Luật Điện lực các nước cũng đều đề cao việc bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện. Một số vấn đề tồn tại lâu nay như độc quyền trong kinh doanh điện; vai trò của các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; quy hoạch, trang thiết bị, chính sách thu hút đầu tư, phát triển điện lực... cũng chưa được đề cập một cách thỏa đáng trong Báo cáo. Do đó, có cảm giác dự thảo Luật chỉ tập trung xử lý những vấn đề liên quan đến mua bán điện và thị trường điện lực, giá cả điện lực, quyền và nghĩa vụ của cơ quan điều tiết. Còn những vấn đề khác rất quan trọng và không thể thiếu được trong dự thảo Luật lại bị bỏ qua hoặc rất mờ nhạt.

Dự thảo Luật cần làm rõ quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên. Vì trên thực tế chúng ta đều biết nếu như người sử dụng điện chậm trả tiền điện hoặc vi phạm pháp luật về điện thì lập tức bị cắt điện hoặc bị phạt tiền, còn một số địa phương, nhất là ở nông thôn bị cắt điện làm cho chi phí giá thắp sáng cao hơn; chưa kể đến những thiết bị, hàng hóa, nhất là hàng hóa đông lạnh bị hỏng thì không được ai đền bù hoặc khi có sự cố về điện, về truyền tải điện thì việc sửa chữa, khắc phục của ngành điện đôi khi không được kịp thời. Do đó, tôi đề nghị phải đưa chế tài vào luật cho rõ ràng.

Hiện nay, Cục Điều tiết điện lực là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Công thương. Điều 19 quy định 8 đối tượng tham gia vào thị trường điện lực, trong đó có đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện. Tại Điều 3, Khoản 3 giải thích: điều hành giao dịch thị trường điện lực là hoạt động quản lý và điều phối các giao dịch mua bán và giao dịch phụ trợ trên thị trường điện lực. Tôi đề nghị cần làm rõ hiện nay đã có đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện lực hay chưa, chức năng và nhiệm vụ của đơn vị này với Cục Điện lực có gì chồng chéo nhau không? Dự thảo Luật cũng cần thể hiện được sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và sự tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để phản ánh đúng cơ chế thị trường trong lĩnh vực kinh doanh điện, không nên đưa điện thuộc lĩnh vực công ích, lĩnh vực chính sách và cơ cấu giá thành mà nên hỗ trợ bằng các chính sách khác, cũng không nên bù chéo giá điện giữa sản xuất và sinh hoạt, giữa các ngành sản xuất với nhau. Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ thì ngành điện phải bù chéo cho ngành xi măng, thép 2.547 tỷ đồng; trong đó, liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài cho sản xuất thép là 506 tỷ đồng. Như vậy, ngành điện lại phải bù chéo cho cả doanh nghiệp nước ngoài. Theo tôi điều này không hợp lý. Cần giảm dần và tiến tới xóa bỏ sự bù chéo trong giá điện.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ): Cần có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường

Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang chủ sở hữu quản lý vận hành 57% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống, nếu tính cả các nguồn điện do EVN nắm giữ thì cổ phần chi phối lên đến 87% tổng công suất toàn hệ thống. Hệ thống truyền tải điện và phân phối điện hiện nay 100% là vay vốn nhà nước và người tiêu dùng chủ yếu mua từ một nguồn điện đó là EVN. Với thực tế chưa có sự cạnh tranh trên thị trường điện như vậy thì việc đẩy giá điện theo giá thị trường là rất khó. Vì vậy, tôi tán thành với đề xuất giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường và có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên Nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa để nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường vì theo kế hoạch chung là đến năm 2022 mới thực hiện giá bán điện lẻ cạnh tranh. Nếu càng kéo dài sự điều tiết của Nhà nước thì sẽ càng bất lợi cho nền kinh tế. Hơn nữa, việc giữ giá điện thấp chưa đúng với giá trị thực như hiện nay cũng có nhiều nhược điểm lớn và điều này đã tác động đến nhiều ngành sản xuất. Cụ thể đó là giá thành sản xuất của một số ngành chưa phải là giá thực và được hưởng lợi từ giá điện thấp hoặc bù chéo giá nguyên liệu cho ngành điện như than chẳng hạn cũng gây thiệt hại cho các ngành khác. Bên cạnh đó, giá điện thấp sẽ khó thu hút đầu tư vào ngành điện để góp phần tạo thị trường cạnh tranh thật sự nên việc sớm đưa giá điện về đúng giá trị thực của nó là hết sức quan trọng.

Tôi cũng đề nghị nên giảm bớt các loại giá trong cơ cấu giá điện hiện nay nhằm tránh phức tạp và dễ dẫn đến không minh bạch trong quản lý, những thành phần thuộc diện chính sách hay diện cần hỗ trợ của Nhà nước thì cần có cơ chế riêng, tránh hỗ trợ trực tiếp vào giá điện, những vùng khó khăn, hải đảo, vùng xa chưa có lưới điện thì Chính phủ nên có cơ chế giá riêng. Về điều chỉnh giá điện cũng cần xây dựng các tiêu chí minh bạch. Vì thực tế cho thấy mỗi lần tăng, giảm giá điện luôn tạo ra những lo lắng, xáo trộn nhất định trong xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ quy định khung giá điện có thể theo chu kỳ, theo mùa trong năm để ngành điện chủ động điều tiết khi cần thiết.

ĐBQH Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh): Để hạn chế tình trạng độc quyền của doanh nghiệp nhất thiết phải có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước

Tôi tán thành giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự điều tiết quản lý của Nhà nước. Bởi lẽ điện cho sản xuất, sinh hoạt hiện còn thiếu, nguồn điện có được chủ yếu là nguồn tài nguyên của quốc gia, trong đó phần lớn là nguồn tài nguyên nước cho thủy điện. Để hạn chế tình trạng độc quyền của doanh nghiệp nhất thiết phải có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước. Ở Khoản 1, Điều 17 dự thảo Luật cần bổ sung thêm hai tiêu chí minh bạch, hiệu quả vào quy tắc hoạt động của thị trường điện lực.

Về giá bán lẻ điện, tôi chưa nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tôi tán thành phương án 2 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đó là Nhà nước cần quản lý giá bán lẻ điện, không nên khoán trắng cho doanh nghiệp. Theo đó các đơn vị điện lực được định giá điện bán lẻ theo khung giá và cơ chế điều chỉnh giá do Chính phủ quy định. Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ giá cả yếu tố đầu vào, giá điện không phải chỉ có tăng mà phải giảm khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, có như vậy ngành điện mới công bằng với khách hàng.

Dự thảo Luật cũng cần ghi rõ cơ cấu giá bán lẻ điện, bổ sung quy định báo cáo kiểm toán độc lập hàng năm là cơ sở để lập giá điện. Mặt khác, việc sửa đổi Luật Điện lực lần này cũng cần có quy định chặt chẽ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện phương án tái cơ cấu ngành điện, chấm dứt đầu tư thua lỗ ngoài ngành, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, tổ chức quản trị tốt để giảm chi phí sản xuất, có như vậy mới bảo đảm có một giá điện hợp lý.

Việc sửa đổi Luật Điện lực lần này cũng cần thể chế hóa nhiều chủ trương mới và mục tiêu mới của ngành điện. Cụ thể là mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, phấn đấu giảm hệ số đàn hồi điện xuống còn 1.0 vào năm 2020 như Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Mục tiêu này chưa được đưa vào dự thảo Luật. Trong những năm qua, hệ số đàn hồi điện của nước ta xấp xỉ khoảng 2.0, trong khi các nước phát triển là dưới 1, nguyên nhân chính là do chúng ta còn lãng phí điện trong sản xuất công nghiệp. Tiêu thụ điện nhiều cũng đồng nghĩa với việc phải khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên và tốn thêm ngoại tệ để nhập nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất điện. Để khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, bảo đảm an ninh năng lượng, đạt được mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm các nội dung trên, có lộ trình thích hợp bắt buộc đổi mới công nghệ thiết bị của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều điện, hạn chế nhập các thiết bị cũ, hiệu suất thấp trong sản xuất và sử dụng điện năng. Ngoài ra, tiêu thụ điện năng phải được xem như là tiêu chí ưu tiên khi xét duyệt các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Ai xét duyệt cấp phép cho những dự án tiêu thụ nhiều điện năng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cần bổ sung cơ chế thưởng phạt đối với các địa phương về mức độ tiêu thụ điện năng để ràng buộc trách nhiệm của các địa phương đối với vấn đề an ninh năng lượng của đất nước.

Nguyễn Vũ ghi