Nhà nước cần mở đường đầu tư cho giao thông thủy nội địa

- Thứ Hai, 11/05/2020, 11:30 - Chia sẻ
Đánh giá cao tầm quan trọng của giao thông đường thủy nội địa trong phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ông Trần Hoàng Ngân Đại biểu Quốc hội (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề đầu tiên phải là đầu tư công, đầu tư bằng ngân sách Nhà nước để mở đường cho giao thông thủy nội địa phát triển. Bởi khi Nhà nước đầu tư để mở lối cho đường thủy nội địa phát triển thì hoạt động thương mại đường thủy nội địa sẽ phát huy hiệu quả, từ đó Nhà nước sẽ rút dần để tạo động lực xã hội hóa lĩnh vực này. Như vậy, vai trò mở đường cho giao thông đường thủy rất cần đến sự đầu tư của Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Ảnh Văn Thăng)

Trước thực tế thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có hệ thống sông, kênh, rạch, đầm, phá, hồ, vụng, vịnh tự nhiên dầy đặc,… rất thuận tiện cho việc phát triển vận tải thủy nội địa. Tuy nhiên chúng ta chưa tham gia xếp hạng về năng lực vận tải thủy nội địa và mức độ hiện đại của cơ sở hạ tầng cùng với các nước khác trên thế giới và trong  khu vực ASEAN. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, với mục tiêu giảm tải cho đường bộ, chống quá khổ quá tải cho đường bộ, tăng cường năng lực an ninh, quốc phòng toàn dân, mở đường cho kinh tế du lịch sông nước phát triển, góp phần bảo vệ tài nguyên cát và môi trường nước, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước kết nối vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, từng bước hình thành hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh cho một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển đường thủy nội địa như chúng ta thì trước hết cần phải là đầu tư công, đầu tư bằng ngân sách Nhà nước để mở đường cho giao thông thủy nội địa phát triển. Bởi khi Nhà nước đầu tư để mở lối cho đường thủy nội địa phát triển thì hoạt động thương mại đường thủy nội địa sẽ phát huy hiệu quả, từ đó Nhà nước sẽ rút dần để tạo động lực xã hội hóa lĩnh vực này. Như vậy, vai trò mở đường cho giao thông đường thủy rất cần đến sự đầu tư của Nhà nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện nay chi phí về Logictic cũng như là chí phí về vận chuyển ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao so với các nước trên thế giới. Do đó vấn đề là làm sao phải cải thiện giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa cũng như các thể chế để giúp cho đường thủy nội địa phát triển thì vẫn đang dừng lại ở cấp độ rất khiêm tốn.


Phương tiện thủy nội địa đang lưu thông trên sông (Ảnh Văn Thăng)

Chính vì vậy, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội cần dành một ngày để thảo luận về tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn, theo đó vấn đề giao thông đường thủy nội địa là vấn đề cần phải được gắn kết ở nội dung này. Bởi ở khu vực nông nghiệp nông thôn thì mạng lưới sông ngòi rất nhiều, cho nên việc phát triển giao thông thủy nội địa sẽ góp phần giao thương hàng hóa ở tại khu vực nông nghiệp nông thôn cũng như đưa hàng hóa từ nông nghiệp đi ra thành thị hoặc đưa máy móc thiết bị công nghệ đi về nông thôn sẽ thúc đẩy giao thương hàng hóa. Đặc biệt, tính ưu việt của hệ thống giao thông đường thủy nội địa là xác xuất rủi ro trong vận chuyển rất thấp so với các loại hình giao thông khác. Vì vậy, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giao thông thủy nội địa thì hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cho loại hình giao thông này sẽ được phát huy.

Văn Thăng