Nhà nước - “bà đỡ” quan trọng cho cơ khí chế tạo

- Thứ Hai, 05/08/2019, 08:29 - Chia sẻ
Ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của nước ta còn nhiều hạn chế, trong khi, ở nhiều quốc gia đây được cho là “xương sống” của nền kinh tế, là cơ sở để bảo đảm tính độc lập, tự chủ khi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Để phát triển ngành công nghiệp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cho rằng, ngoài nỗ lực sáng tạo không ngừng đổi mới của cả hệ thống các doanh nghiệp, nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước, thể hiện bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và nhất quán.

Trong nước sản xuất được, nhưng vẫn bỏ tiền mua từ nước ngoài

- Chủ trương phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo đã được đặt ra từ sớm, và ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về ngành công nghiệp này?

Doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước có cơ hội phát triển vì thị trường cho máy móc, thiết bị của nước ta rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều khi không bình đẳng từ các công ty nước ngoài, và là người đi sau trong hội nhập quốc tế nên để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất khó. Đầu tư cho cơ khí thời gian thu hồi vốn lâu, lãi suất ngân hàng cao (khoảng 9%) làm giảm hiệu quả của đầu tư, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm do vậy không thu hút được các nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Chỉ Sáng

- Tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã vạch ra đường lối kinh tế “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp”. Từ năm 1976 đến nay, vấn đề công nghiệp hóa luôn được đưa ra tại các văn kiện Đại hội Đảng. Với định hướng này, trong giai đoạn 1960 - 1980, ngành công nghiệp cơ khí nước ta từng có cụm các nhà máy cơ khí đầu đàn ở trình độ cao hơn hoặc tương tương với các nước trong khu vực.

Trong thời kỳ đổi mới, ngành công nghiệp cơ khí nước ta đã có một số bước tiến quan trọng, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho tất cả các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Năng lực sản xuất cơ khí của nền kinh tế được tăng cường với một số doanh nghiệp tiên phong. Nhưng nhìn tổng thể, hiện chưa hình thành được một nền công nghiệp cơ khí chế tạo nội địa đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế và cạnh tranh được với nước ngoài khi mở cửa tham gia thị trường toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp cơ khí có công nghệ lạc hậu, tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực, chủ yếu vẫn nhận gia công kết cấu thép, không đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao.

- Nguyên nhân nào khiến đến nay vẫn chưa hình thành được một nền công nghiệp cơ khí chế tạo nội địa đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế, cũng như đủ sức cạnh tranh với nước ngoài khi mở cửa tham gia thị trường toàn cầu, thưa ông?

- Tình trạng này có nguyên nhân khách quan do đầu tư vào cơ khí chế tạo đòi hỏi có lượng vốn lớn, thời gian thu hồi kéo dài, lợi nhuận không hấp dẫn, thị trường không ổn định… nên khó thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan vẫn được coi là chính yếu, trong đó cần phải kể đến việc hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện, nhiều chính sách đối với ngành cơ khí chế tạo chưa hợp lý, thậm chí còn gây khó khăn, cản trở sự phát triển của ngành, thiếu sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận các dự án cơ khí chế tạo, đất đai, tài chính. Quản lý nhà nước về lĩnh vực cơ khí chế tạo chưa được tập trung, quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước chưa được tạo điều kiện để tham gia vào những dự án sử dụng ngân sách nhà nước, khiến nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo ta có thể sản xuất nhưng vẫn bỏ tiền đi mua của nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp cơ khí chế tạo hiện chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, đa số còn nặng tư duy bao cấp, trông chờ vào Nhà nước, không kế thừa các thành tựu đã đạt được.

Cần bàn tay hữu hình của Nhà nước

- Như vậy, có lẽ cần nhìn nhận rõ hơn về vai trò “bà đỡ” của Nhà nước trong thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo?

- Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, quốc gia muốn xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí thành công, ngoài nỗ lực sáng tạo không ngừng đổi mới của cả hệ thống các doanh nghiệp, nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước, thể hiện bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và nhất quán. Vai trò “bà đỡ” đối với ngành cơ khí chế tạo là rất cần thiết, nếu không nói là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh lành mạnh trong một môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng. Vì thế, có lẽ Nhà nước cần chú ý lựa chọn các chính sách “bảo hộ mềm”. Ngoài ra, cũng phải coi chi tiêu công là hộ tiêu thụ lớn của ngành cơ khí nước ta, ưu tiên sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước trong mua sắm, đầu tư công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Chính sách này không mâu thuẫn với quy định trong các hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết, trong khi có thị trường này, cơ khí Việt Nam sẽ phát triển.

- Thị trường cơ khí chế tạo nước ta được một số chuyên gia đánh giá có quy mô nhỏ, khó có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào. Vì sao ông lại đề xuất cần coi chi tiêu công là hộ tiêu thụ lớn của ngành công nghiệp này?

- Ngược lại, theo đánh giá mới nhất của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành cơ khí chế tạo nước ta là không nhỏ. Với đất nước có gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6 - 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD thì có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Hơn nữa, công nghệ thiết kế, chế tạo của ngành cơ khí đã phát triển rất mạnh, nên đầu tư dây chuyền sản xuất mới không tốn kém như trước đây, tạo ưu thế cho doanh nghiệp nước ta trong vị thế “người đi sau”. Với nhu cầu tiêu dùng lớn và điều kiện đầu tư của doanh nghiệp thuận lợi hơn, chúng ta cần ưu tiên sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước trong mua sắm, đầu tư công liên quan đến lĩnh vực này, nhất là tại các dự án trọng điểm quốc gia.

- Vậy, với các doanh nghiệp, cần có những thay đổi nào để có thể góp sức phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo nước ta trong thời gian tới?

- Hiện đang có một số mô hình doanh nghiệp cơ khí chế tạo thành công do biết đổi mới tư duy, xây dựng chiến lược, giải pháp phát triển phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số hiện nay. Những đơn vị này cũng chủ động tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để nâng cao năng lực điều hành, quản lý. Đây là những bài học kinh nghiệm hữu ích cho các đơn vị khác.

Nhưng “một cánh én chưa thể tạo lên mùa xuân”, vẫn cần chính các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, chiếm lĩnh thị trường. Thậm chí, cần chủ động lựa chọn những đơn vị dẫn đầu để cùng hợp lực tạo ra hướng đi mới theo hướng “buôn có bạn, bán có phường”, bởi chỉ liên kết tốt mới tạo ra sức mạnh, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

 - Xin cảm ơn ông!

Lê Bình thực hiện