Nhà khoa học, nữ bác sĩ nhận Giải thưởng Kovalevskaia

- Chủ Nhật, 06/03/2016, 16:38 - Chia sẻ
Ngày 6/3, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Giải thưởng Kovalevskaia và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovalevskaia 2015 cho 2 nhà khoa học nữ.
 Nguồn: sggp.org.vn

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015 được trao cho 2 nhà nữ khoa học có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học là TS. BS. Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh và PGS. TS. Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nhiều đề tài tiêu biểu của chị có giá trị ứng dụng cao và hiệu quả tốt trong công tác cứu chữa người bệnh: “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh tại các khoa Hồi sức cấp cứu”; “Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não”; “Ứng dụng lọc máu hiện đại điều trị bệnh lý cấp cứu” và “Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập”…

Với những cống hiến cho việc cứu người bệnh, TS. BS. Phạm Thị Ngọc Thảo được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Ưu tú, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua Chính phủ... và giờ là Giải thưởng Kovalevskaia.

PGS. TS. Đặng Thị Cẩm Hà là người đã có hơn 20 năm nghiên cứu khoa học. Chị là chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; đã công bố hơn 160 công trình khoa học công nghệ trong nước và nước ngoài.

Trong số này, nổi bật nhất là chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học. Công trình này được thực hiện trong 10 năm và hiện trên thế giới chưa có một công bố nào về khử độc đất nhiễm chất dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam.

Từ khi thành lập năm 1985 đến nay, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam đã lựa chọn và trao giải thưởng cho 17 tập thể và 44 cá nhân là nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2016, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam quyết định mỗi năm sẽ trao học bổng cho 1 nữ sinh chuyên Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội để động viên các em tiếp tục con đường nghiên cứu Toán học ngay từ những năm học THPT.

PV/Chinhphu.vn