Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với báo chí Quốc hội

- Thứ Năm, 13/08/2020, 10:21 - Chia sẻ
Sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn dành tình cảm đặc biệt và sự tin tưởng cho báo chí. Nhiều cán bộ, phóng viên Tạp chí Người đại biểu Nhân dân (tiền thân của Báo Đại biểu Nhân dân ngày nay) được tham gia đưa tin về hoạt động của ông khi là đại biểu Quốc hội Khóa IX và Khóa X thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, vẫn nhớ và trân quý điều đó.

Nguyễn Văn Thúy - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Người đại biểu nhân dân

Cuộc phỏng vấn bất ngờ

Từ thập niên 1990, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đau đáu: Phải tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Và đến Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó từ Quốc hội Khóa XV, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được nâng lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi có may mắn nhiều lần được Tổng Biên tập phân công đưa tin hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa - nơi Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Lê Khả Phiêu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa IX.

Giờ nghỉ buổi họp tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi biết tôi là lính chuyển ngành, ông cởi mở, xóa đi khoảng cách giữa cấp trên với cấp dưới. Tôi thường xưng hô với ông: “Thưa Thủ trưởng”, ông cười bảo: “Xưng là anh em cho gần gũi, thân mật”. Khi gặp, ông thường gọi tôi là “Anh”.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa IX, tôi mạnh dạn đăng ký xin phỏng vấn ông. Mặc dù cuối năm, công việc của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam bộn bề, song bất ngờ là ông vẫn dành thời gian trả lời phóng viên Tạp chí Người đại biểu Nhân dân.

Tôi nhớ vào hôm đó, theo phân công của tòa soạn, tôi sẽ phỏng vấn ông về tiếp xúc cử tri trong lực lượng vũ trang. Nhưng khi trả lời, ông đã dành nhiều thời lượng nói về đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Theo ông, cái khó của đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm là vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu dân cử, vừa phải hoàn thành công tác chuyên môn. Vì thế, cần suy nghĩ sắp xếp công việc, vạch ra kế hoạch, chương trình cụ thể cho mỗi nhiệm vụ, để tránh tình trạng quá bận rộn, làm được việc này bỏ việc kia.

Trong cuộc trả lời phóng vấn ấy, ông cũng băn khoăn về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách thấp quá, các cơ quan của Quốc hội sẽ phải làm việc rất vất vả. Và ông cho rằng, cần tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, để từ đó tăng tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Thư chúc Tết nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gửi Tạp chí Người đại biểu Nhân dân  

Lời chúc ý nghĩa

Xuân Kỷ Mão năm 1999 chuẩn bị bước sang một thiên kỷ mới, Tổng Bí thư Khóa VIII Lê Khả Phiêu đã gửi thư chúc Tết tới Tạp chí Người đại biểu Nhân dân. Vào ngày 2.1.1999, Tạp chí Người đại biểu Nhân dân trân trọng đón nhận bức thư từ Văn phòng Tổng Bí thư chuyển tới qua đường công văn hỏa tốc.

Bức thư viết: “Nhân dịp đón Xuân Kỷ Mão, 1999, chúc Tạp chí Người đại biểu nhân dân nâng cao chất lượng nội dung và hình thức”. Tổng Bí thư mong muốn tạp chí phải: “Luôn luôn nêu cao vai trò là diễn đàn thường xuyên của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp”; các nhà báo phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút, để “phản ánh tiếng nói của cử tri, là cầu nối giữa người dân và đại biểu”. Theo ông, báo chí Quốc hội phải đi đầu trong việc “đưa Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống”. Những lời chúc cũng là lời nhắc nhở đối với những người làm báo Quốc hội vào thời điểm đầy ý nghĩa khi sắp bước sang một thế kỷ mới. 

Những ngày này, tôi và một số nhà báo cựu chiến binh hay gọi điện chia sẻ với nhau. Những người làm báo từng mặc áo lính chúng tôi thật may mắn có một vị tướng, một người chỉ huy, một người bạn lớn như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Mỗi lần có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với các nhà báo, ông đều chủ động tạo ra không khí làm việc cởi mở chân tình, sẵn sàng tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ không chỉ về vấn đề chính trị mà cả những vấn đề cuộc sống xã hội thường ngày. Ông chăm chú lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, bàn luận về những vấn đề mà người dân và xã hội quan tâm. Chúng tôi càng khâm phục tư duy sắc sảo, tư tưởng sâu sắc, cũng như tầm nhìn của một nhà lãnh đạo chính trị quân sự dày dặn kinh nghiệm về lĩnh vực đặc thù là báo chí.