Nguy cơ biến đổi gene từ khói thuốc lá

- Thứ Ba, 23/04/2019, 08:38 - Chia sẻ
Bên cạnh các tác hại như gây ung thư phổi, bệnh tim mạch, các vấn đề về răng miệng… trong những nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học lại đưa thêm cảnh báo về tác hại của thuốc lá, đó là có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động và cấu trúc gene trong cơ thể con người.

Nguy cơ gây đột biến

Phó Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho biết, khi đi vào cơ thể, các chất gây gây ung thư có trong khói thuốc lá hầu hết sẽ được chuyển hóa và gây ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau như gắn với bộ gene gây nên các đột biến gene, gắn với màng tế bào làm rối loạn quá trình phát triển của tế bào.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, bên trong khói thuốc có chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 triệu người chết vì 17 loại ung thư được cho là có liên quan đến khói thuốc.

Thực tế, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), có 7.000 chất hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá, trong đó có hơn 70 tác nhân gây ung thư như benzen, ethylen qxit, vinyl chloride, asen (thạch tín)... Các chất sinh ung thư trong khói thuốc lá đều là cơ chất bị các enzym P450, Glutathione S-transferase và UDP-glucuronosy transferase chuyển hóa thành các sản phẩm trung gian. Các sản phẩm trung gian này có khả năng gắn vào các nucleotid của phân tử ADN, gây ra các lỗi trong quá trình nhân lên của phân tử ADN trong lần phân bào tiếp theo, hình thành nên các đột biến gene.

Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Viện Wellcome Trust Sanger, Cambridge (Anh), họ đã lựa chọn một bệnh nhân ung thư phổi điển hình và phân tích toàn bộ bộ gene của người này. Kết quả chỉ ra có tới 23.000 đột biến gene đã được tích lũy trong các tế bào phổi. Theo các nhà nghiên cứu, tất cả các bệnh ung thư đều được gây ra bởi những sai hỏng trong mã gene di truyền.

Trong một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Mỹ thực hiện, họ đã đo được các tổn thương di truyền nghiêm trọng ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể do hút thuốc lá gây ra. Họ phát hiện những người hút 1 gói thuốc lá một ngày, trung bình mỗi năm có thể gây ra 150 đột biến gene trong phổi. Chính điều này giải thích lý do tại sao những người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn so với những người không hút. Ngoài việc gây đột biến gene trong các tế bào phổi, kết quả nghiên cứu còn cho thấy thuốc lá còn gây đột biến 97 gene trong thanh quản, 39 gene ở vòm miệng, 23 gene trong khoang miệng, 18 gene tại bàng quang, 6 gene ở gan.

Theo Tiến sĩ Ludmil Alexandrov, tác giả chính của nghiên cứu, trước đây chúng ta chỉ tìm thấy các bằng chứng dịch tễ học liên kết giữa việc hút thuốc lá với ung thư, còn bây giờ chúng ta nghiên cứu vấn đề này ở mức độ gene và ADN. Với nghiên cứu này, những người hút 1 gói thuốc lá một ngày trung bình mỗi năm có thể gây ra 150 đột biến gene trong phổi, và chính điều này đã giải thích lý do tại sao những người hút thuốc lá có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn so với những người không hút.


Nguy cơ biến đổi gene từ khói thuốc Nguồn: ITN

Dừng hút thuốc là giải pháp duy nhất

Một nghiên cứu trước đây chỉ ra gan của một người bình thường chứa khoảng 240 tỷ tế bào. Hút mỗi ngày 1 bao thuốc gây ra 6 đột biến trong mỗi tế bào gan. Tính ra đó là 1.440 tỷ đột biến tất cả, chỉ riêng tại cơ quan này. Các nhà khoa học cũng tính ra cứ 49 điếu thuốc, bạn sẽ “châm lên” một đột biến mới trong phổi. Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ cơ chế và xác suất để một đột biến trên gene dẫn tới việc hình thành ung thư. Bởi vậy, rất khó can thiệp vào quá trình này để ngăn chặn nó xảy ra. Muốn ngăn chặn các đột biến và phòng tránh ung thư, tự bản thân người hút thuốc lá phải bỏ thuốc.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù hút thuốc gây ra đột biến gene thường xuyên nhưng khi bỏ thuốc lá, các đột biến cũng sẽ dừng lại. Những người bỏ thuốc ở tuổi 30 gần như loại trừ nguy cơ chết sớm, trong khi những người bỏ thuốc ở độ tuổi 50 tỷ lệ này giảm còn khoảng 50%.

Phó Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng nhấn mạnh, phải mất đến 15 năm sau khi cai thuốc, nguy cơ mắc ung thư phổi mới giảm xuống đến mức bình thường. Đó là khoảng thời gian để cho các tế bào phổi chứa đột biến có hại được thay thế bằng các tế bào mới không có khuyết tật. Do đó, không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá, vì sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Còn số liệu mô phỏng từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người Việt chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số tử vong liên quan đến thuốc lá dự kiến sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.

Dương Cầm