Tọa đàm “Chỉ thị 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo”

Nguồn vốn phải đến kịp thời, đúng đối tượng

- Thứ Tư, 06/11/2019, 21:44 - Chia sẻ
Từ khi Chỉ thị 40 ra đời, Đắk Lắk đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo tới các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng và tác động to lớn của tín dụng chính sách, để NHCSXH triển khai tốt Chỉ thị 40, để nguồn vốn đến kịp thời, với đúng đối tượng, người vay vốn có ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.

Đắk Lắk là một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12%, trong đó hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm tới 64%. Việc cho vay vốn tín dụng chính sách là chủ chương hết sức đúng đắn và nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chỉ thị 40 đã tạo niềm tin cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, chăm lo cho các đối tượng yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Sau 5 năm triển khai, tại Đắk Lắk đã có gần 300.000 hộ được vay vốn, với số tiền 4.730 tỷ đồng, tăng 1.729 tỷ đồng so với 2014. Trong đó, dư nợ với đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường trên toàn tỉnh; trong đó ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đối tượng vay đa phần là hộ nghèo, các đồng bào thiểu số, sinh viên học sinh cần vay để đi học, xuất khẩu lao động. Kết quả thực hiện chính sách tín dụng gắn với giảm nghèo bền vững rõ nhất đó là, nếu như năm 2014,  Đắk Lắk có tới 45% là hộ nghèo thì nay chỉ còn hơn 12%.


Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê
Ảnh: Duy Thông

Thông qua chương trình vay vốn, tỉnh đã hộ trợ được rất nhiều các hộ nghèo và học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp tục học tập, phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên, dư giả. Đó chính là vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc chỉ đạo, đưa chính sách thoát nghèo bền vững mà không ai có thể phủ nhận.

Tôi đồng tình với nhiều đại biểu về việc, chính sách hỗ trợ cho người nghèo chuyển từ “cho không” sang “cho vay”, người dân sẽ ý thức, trách nhiệm hơn với nguồn tiền mà mình được vay và hỗ trợ. Để làm tốt việc cho vay, chúng tôi lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện có hiệu quả; thực hiện tốt việc rà soát và kịp thời cập nhật, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Với tinh thần trách nhiệm cao, không nề hà khó khăn, sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho đồng bào, tôi cho rằng nếu không có sự dẫn dắt này đồng bào sẽ không thể sử dụng tối ưu nguồn vốn được vay.

Tín dụng chính sách ngoài thúc đẩy kinh tế - xã hội, tín dụng chính sách còn góp phần phòng, chống tín dụng đen. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, nhưng đầu tư nguồn lực thì còn hạn chế. Đắk Lắk sẽ tiếp tục dành một phần kinh phí từ ngân sách để tiếp tục bổ sung vào nguồn vốn tín dụng để ủy thác cho ngân hàng chính sách nhằm tiếp tục cho vay, để củng cố và tăng thêm lượng vốn cho nhân dân. Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục huy động nguồn lực từ bên ngoài để tiếp tục hỗ trợ thêm nguồn vốn này.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê