Nguồn cảm hứng vô tận

- Thứ Bảy, 11/05/2019, 08:24 - Chia sẻ
Bao nhiêu năm qua, với bút pháp đồ họa phong phú, ngôn ngữ chữ viết cô đọng, các tác phẩm tranh cổ động về đề tài Bác Hồ đã trở nên thân thiết với đời sống, đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam như một nguồn cổ vũ lớn lao.

Rung cảm nghệ thuật sâu sắc

Bức tranh cổ động đầu tiên về chân dung Bác Hồ do họa sĩ Nam bộ Huỳnh Văn Gấm sáng tác năm 1950, thể hiện hình ảnh Bác trong những ngày đầu cách mạng với khuôn mặt gầy, vầng trán cao và đôi mắt sáng. Hình ảnh này rất gần gũi với người dân Nam Bộ trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ. Kể từ đó, tranh cổ động đề tài Bác Hồ trở nên quen thuộc, các họa sĩ thường lấy cảm hứng từ những lời tâm huyết của Bác, những lời dạy ân cần của Người đối với đồng bào, chiến sĩ…

Bức tranh “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” của Vũ Viết Quang, sáng tác năm 1972, thời điểm khốc liệt của công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bức tranh lấy cảm hứng từ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn đăng trên báo Granma, Cu Ba năm 1969. Hay bức tranh của họa sĩ Lê Huy Trấp thể hiện hình ảnh Bác vô cùng tươi tắn với nụ cười hiền hậu, mang theo thông điệp “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược năm 1966…

Người Hà Nội và du khách đến Thủ đô từ năm 1981 cũng quen thuộc với bức tranh cổ động khổ lớn “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” của họa sĩ Trần Từ Thành ở ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng. Bức tranh mang thông điệp khao khát hòa bình với hình ảnh Bác tươi cười bế em bé, bên phải là hình chữ S biểu tượng cho bản đồ Việt Nam thống nhất, nền trắng là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường tượng trưng cho Thủ đô Hà Nội…

Tâm huyết của vị cha già dân tộc lần lượt hiện về qua từng nét vẽ, từng câu chữ trên mỗi bức tranh. Ở đó, ngôn ngữ đồ họa kết hợp với chữ viết cô đọng, súc tích, tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác, truyền thông điệp vào lòng người. Bởi vậy mà trong những năm tháng chiến tranh, trên các bức tường trong thành phố, làng mạc, ngay cả những vách núi Trường Sơn đều hiển hiện các tác phẩm tranh cổ động về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi đó là điểm tựa tinh thần, là niềm tin để những đoàn quân giải phóng “chắc tay súng”, để những người ở hậu phương dồn sức vì kháng chiến dân tộc, và cho cả những năm tháng hòa bình, dựng xây đất nước.


Bức tranh Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc của họa sĩ Trần Từ Thành đã quen thuộc với người Hà Nội và du khách đến Thủ đô

“Tôi sẽ tiếp tục vẽ về Bác”

Nói về bức tranh được treo trang trọng giữa trung tâm Hà Nội gần 40 năm nay, họa sĩ Trần Từ Thành xúc động: “Bức tranh Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc là kỷ vật riêng vô giá của cuộc đời tôi”. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, họa sĩ hào hứng tìm đề tài cho tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên. Nghĩ đây chính là dịp để bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình, về tấm gương của Bác Hồ và những lời dạy, bài viết của Người dành cho thiếu nhi, ông quyết định lựa chọn hình ảnh Bác với trẻ thơ cho mạch cảm xúc. Ấp ủ lớn đã thành hiện thực, ngày 20.4.1976, bức tranh được trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (Hà Nội), sau đó được in hàng vạn bản, phát hành trên cả nước, và được đến cả Bảo tàng Lênin (Nga). “Từ bấy tới nay, nhiều nhà sưu tập “dạm mua” bản gốc của tranh, nhưng tôi từ chối. Tôi quyết định trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, như truyền hình ảnh Bác gắn với tình yêu thương, gìn giữ hòa bình đến thế hệ mai sau”.

Các bức tranh cổ động về đề tài Bác Hồ trong trưng bày “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” khai mạc sáng 10.5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là sợi dây truyền yêu thương, khao khát hòa bình. Mỗi tác phẩm mang theo một sứ mệnh truyền thông điệp, nhưng đằng sau là câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc của tác giả. Họa sĩ Phạm Lung tâm sự luôn thấy Bác ở trong mình, gần gũi như lời ru, như cánh đồng, dòng sông, trong từng cảnh ngộ, từng con người mình mến yêu, trân trọng. “Không được gặp Bác, tôi vẽ Bác bằng tình cảm và suy tư. Tôi vẽ chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, Người tham gia dạy bình dân học vụ, Người về thăm quê, vẽ gương mặt hiền hậu của Người hòa chung với nụ cười của quần chúng nhân dân…”.

Qua bút pháp đồ họa phong phú cùng ngôn ngữ khúc chiết của tranh cổ động, mỗi người được hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự giản dị, gần gũi, là tấm gương cổ vũ lớn đối với các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Ở góc khác, đó là thể hiện sâu sắc tấm lòng riêng của họa sĩ đối với Bác. Như tâm sự của họa sĩ Lê Huy Trấp, vinh dự nhất cuộc đời là được công chúng khi nói tới những họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ là nhắc đến tên mình, cùng những tên tuổi như cố họa sĩ Diệp Minh Châu, Dương Bích Liên, Đỗ Năm… Tự hào bao nhiêu thì tình yêu và nhiệt huyết với nghệ thuật càng thôi thúc ông cầm bút cùng tâm nguyện: “Nếu có thêm nhiều thời gian nữa trên đời này, tôi vẫn sẽ tiếp tục vẽ về Bác”.

Thái Minh