Người khoan hầm xuyên núi, bắc cầu vượt biển “made in Việt Nam”

- Thứ Ba, 17/09/2019, 18:33 - Chia sẻ
Trong “bụng” núi Hải Vân, không khí đặc quánh, nền nhiệt 38 độ C ngột ngạt. Nói trong tiếng chát chúa của những mũi khoan dài đến vài ba mét đang thọc sâu vào từng thớ đá, Võ Sơn Hải - kỹ sư đào hầm lão luyện - nói: “Còn 120m nữa là hoàn thành công tác đào, hơn 6.000m trong chưa đầy 3 năm”.

“Tiến độ mở hầm theo đúng kế hoạch”

Võ Sơn Hải hiện là Phó Giám đốc Ban điều hành phụ trách thi công LX1, trạc ngoài 40 tuổi, thân hình vạm vỡ nhưng tính cách nhẹ nhàng đối lập công việc đầy mạnh mẽ anh đang làm.

Cập nhật công tác thi công, anh hào hứng: “Việc đào hầm tổ chức thi công 3 ca mỗi ngày với nhiều công đoạn khác nhau. Không gian trục hầm mở đến đâu thi công mái vòm, hạ tầng nền đường đến đó. Với sự phối hợp đồng bộ trong giải pháp thi công nên hầm Hải Vân 2 đang dần hoàn thiện và duy trì được tiến độ mở hầm theo kế hoạch ban đầu”.

Cùng trong ca làm việc sâu trong lòng núi đó, “lão tướng” Vũ Sỹ Chiến, một trong những thợ đào hầm nhiều kinh nghiệm nhất chỉ lên vòm hầm giới thiệu: “Với không gian trong một gương hầm chỉ khoảng 70m2 nhưng bằng kinh nghiệm của người làm hầm đã tổ chức thi công từ các công việc: khoan nổ mìn, đào xúc bốc, thông gió, neo gia cố, bê tông hoàn thiện… tất cả các quy trình được diễn ra khoa học và không hề bị chồng lấn”.


Công nhân đang thi công hầm đèo Hải Vân 2 

Thủ lĩnh của những thợ đào hầm là Bùi Hồng Đăng. Nếu không giới thiệu chức danh, người mới gặp khó nhận ra chàng kỹ sư này là Giám đốc điều hành các gói hầm của Tập đoàn Đèo Cả. Bùi Hồng Đăng không mang comple, caravat bảnh bao mà trong trang phục bảo hộ lao động trực tiếp cùng anh em vào hầm. Vốn ít nói, hay cười, ít người biết rằng anh là một “tướng trận” thực thụ với rất nhiều sáng tạo trong thi công. Anh Đăng kể: “Mình từ Đèo Cả, Cổ Mã ra Cù Mông. Cù Mông hoàn thành tiếp tục ra Hải Vân 2”. Chàng kỹ sư này đã có mặt tại những công trình quan trọng của Đèo Cả ngay từ những ngày đầu tiên.

Nói về bí quyết đào hầm, anh Đăng gãi đầu, cười hiền: “Người Việt mình giỏi mà! Giỏi học hỏi và sáng tạo”. Những người thợ đào hầm Việt Nam tại dự án hầm Hải Vân cũng là những người đầu tiên tiếp cận công nghệ thi công cực kỳ hiện đại và phức tạp của Áo, viết tắt NATM (New Austrian Tunneling Method). Công nghệ NATM được áp dụng cho việc đào hầm bằng phương pháp khoan nổ, được chống đỡ bằng néo kết hợp với bê tông phun... Từ các dự án hầm tại Nam Trung bộ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các nước đang phát triển đã mạnh dạn áp dụng công nghệ đào hầm NATM vào thi công các công trình hầm trong giao thông, thu được hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

Đối với họ, đường hầm qua đèo Hải Vân còn là kỳ tích vì họ đã thực hiện thành công Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông. Ở đó là trường học trong lòng núi mà càng làm, họ “càng rút ra được những kinh nghiệm để cải thiện phương pháp thi công, rút ngắn thời gian, giảm chi phí đầu tư”. Từ kinh nghiệm học hỏi các chuyên gia nước ngoài, qua công tác tư vấn giám sát, thi công hầm Hải Vân 1, rồi trực tiếp khoan hầm đèo Cả (4.200m), đèo Cổ Mã (500m), Cù Mông (2.600m), hiện là hơn 6.000m Hải Vân 2 cùng với việc tự học, tự nghiên cứu qua tài liệu, đội ngũ kỹ sư, công nhân của người Việt đã nhuần nhuyễn công nghệ khoan hầm NATM, đạt đến trình độ cao của thế giới.

Cùng với Bùi Hồng Đăng, Võ Sơn Hải, Nguyễn Sỹ Chiến, công trình thế kỷ Hải Vân sẽ ghi danh những thợ đào hầm khác như Trần Ngọc Sâm, Bùi Danh Nghĩa, Nguyễn Đình Điệp (Tập đoàn Đèo Cả) - những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu của mặt trận thi công.

Sẵn sàng phục vụ trong năm 2020

Anh Dương Đình Mạnh, Giám đốc ban điều hành các gói thầu cầu và đường dẫn nhận nhiệm vụ triển khai thi công đường dẫn vượt biển vào hầm Hải Vân khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 30. Đó là trọng trách lớn. Khi đặt chân đến Hải Vân, Mạnh chưa thể hình dung sau này nơi đây sẽ có hệ thống đường dẫn vượt biển “hoành tráng” như vậy.

Nhớ lại khi đi khảo sát thiết kế, anh không khỏi ái ngại bởi điều kiện về địa chất, thổ nhưỡng cũng như khí hậu miền Trung khắc nghiệt. Ở chân đèo Hải Vân, vận tốc gió rất lớn ảnh hưởng xấu đến việc thi công cọc khoan nhồi. Các công việc cần phải thực hiện chính xác như đóng cọc sàn công tác, hạ ống vách, lắp đặt lồng cốt thép sẽ rất khó khăn. Mặt khác, quá trình thi công còn chịu ảnh hưởng của dòng triều lên xuống từ biển qua cửa biển Đà Nẵng. Nơi đây cũng là vùng có sự bồi lắng rất lớn nên địa chất có nền rất yếu… Thế nhưng tất cả những yếu tố bất lợi ấy đã được Mạnh cùng các công sự là kỹ sư tư vấn thiết kế rà soát và tìm ra phương án tối ưu.

“Những người thi công chúng tôi đứng trước 2 phương án. Một là ngăn dòng nước làm đường thì sẽ không phức tạp nhưng ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đời sống của người dân phía trong cửa biển. Hai là chỉ có cầu vượt biển sẽ vừa bảo đảm hệ sinh thái vừa thuận tiện lưu thông cho xe cộ vào hầm một cách thuận lợi, cùng với đó việc thi công tác động nhiều đến kết cấu địa hình và môi trường sống. Khó nhất là nhịp thi công dưới nước. Chúng tôi đã phải đắp cục bộ để thi công. Biện pháp sử dụng thành phần thiết kế mác bê tông cao, tính toán chiều dày hợp lý đủ để chống xâm thực. Có thời điểm 6 mũi thi công đồng loạt, mỗi mũi như vậy có 20 người. Bây giờ thì cầu vượt biển sẵn sàng cùng với hầm Hải Vân đi vào phục vụ trong năm 2020”, Dương Đình Mạnh nói.

Kể về những ngày trên công trường cầu vượt biển, vị Giám đốc năng nổ không giấu được sự hào hứng: “Khi ấy, hầu hết anh em đều đang độ trai trẻ nên tất cả đều hừng hực khí thế. Đối với chúng tôi, việc được tín nhiệm tham gia xâ dựng cây cầu góp phần vào việc tạo nên một công trình lớn của đất nước là một vinh dự lớn lao. Với một khối lượng công việc lớn chưa từng có và được cọ xát nhiều với những bài toán hóc búa về giải pháp thi công đã khiến anh em kỹ sư, công nhân trưởng thành rất nhiều”.

Từ cửa sổ máy bay khi rời sân bay Quốc tế Đà Nẵng, giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể quan sát thấy hình hài hệ thống cầu vượt lượn ra biển rồi cắm thẳng vào chân núi Hải Vân một cách kỳ vĩ đang dần được hoàn thiện. Rồi đây, mọi người không chỉ nhìn mà còn trực tiếp sử dụng công trình vượt Hải Vân hoàn toàn do người Việt thực hiện – mốc son mới trong ngành xây dựng hạ tầng của đất nước!

Thành Nam