Kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Người dân phải chi trả một phần

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:18 - Chia sẻ
Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), được trình Quốc hội vào tuần tới, quy định các hộ dân phải phân loại rác tại nguồn và có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh. Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này và cho rằng bên cạnh đó, cần tổ chức lại việc thu gom rác cho đồng bộ, hiệu quả

Nên làm thí điểm

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu hộ gia đình, cá nhân phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 4 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Đồng thời, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh.

Ở đô thị, hộ gia đình, cá nhân phải lưu chứa chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác trong các bao bì, thiết bị chứa bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường do đơn vị có đủ năng lực sản xuất theo đặt hàng của UBND tỉnh hoặc được UBND tỉnh ủy quyền. Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải và phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý.

Theo Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam Trương Mạnh Tiến, giải pháp này rất khả thi, nhiều nước đã áp dụng hiệu quả. Quy định như vậy vừa giúp phân loại rác thải hiệu quả, vừa khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu lượng chất thải.

Khẳng định nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” là đúng, cần áp dụng sớm song Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) Trần Thị Hoa lưu ý phải chuẩn bị kỹ lưỡng, truyền thông đến từng hộ gia đình và nên làm thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng. Theo bà Hoa, hiện nay, tỷ lệ rác được phân loại và tái chế còn quá thấp nên đa phần phải xử lý bằng hình thức chôn lấp. Nếu nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” được thực thi, việc thực hiện phân loại rác tốt hơn và có hệ thống thu gom rác phân loại hiệu quả sẽ giảm đáng kể rác phải chôn lấp hay đốt. Đối với rác là đồ nhựa dùng một lần thì không có cách xử lý nào hiệu quả, vì vậy chỉ có cách phải giảm sử dụng loại đồ dùng này. Ngoài ra, cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất (EPR), họ cũng phải đóng góp trách nhiệm ngay từ khâu thiết kế sản phẩm bảo đảm tính thân thiện với môi trường, đến hoạt động thu hồi sản phẩm thải bỏ.

Có cách thức thu gom hiệu quả

Mong muốn có một môi trường sạch, chị Nguyễn Thị Hà Giang, Gia Lâm (Hà Nội) đã phân loại rác được một thời gian. Điều chị Giang quan tâm là quá trình xử lý ở các bãi rác có thay đổi theo không. “Người dân phân loại rác nhưng các công ty vệ sinh môi trường vẫn chỉ dùng 1 xe thu gom tất cả các loại rác thì không có ích gì”.

Tương tự, anh Nguyễn Đức Toàn, phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) ủng hộ đề xuất này và cho rằng đáng lẽ chúng ta phải làm từ lâu. Quy định màu bao ứng với rác nào buộc người dân phải phân loại rác. Mỗi loại rác chỉ thu theo ngày cố định và có nơi cố định. Ai vứt không đúng loại rác phải bị xử lý. Cùng với đó, phải thay đổi cách thức thu gom rác cho hiệu quả, nếu không việc phân loại rác của người dân sẽ vô nghĩa.  

Nhấn mạnh khâu phân loại rác là quan trọng nhất, bà Hoa cho hay khi rác được phân loại sẽ rất dễ để tái sử dụng và tái chế, khi đó rác thải trở thành tài nguyên lớn. Muốn vậy, phải có số liệu, thông tin, hiện trạng về rác (số lượng bao nhiêu, có những loại gì…) từ đó có kế hoạch tái sử dụng và tái chế rác. Đặc biệt, phải tính đến yếu tố thị trường cho các sản phẩm tái chế, khi các sản phẩm này được người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để mua thì cũng sẽ thúc đẩy và duy trì hoạt động tái chế, không chỉ dừng lại ở phong trào. 

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, để quy định “người gây ô nhiễm phải trả tiền” được thực thi hiệu quả phải mất nhiều thời gian, công sức và cần sự đồng thuận của người dân. Giai đoạn đầu thực hiện sẽ khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không sử dụng bao bì, thiết bị đựng đúng quy định để trốn tránh trách nhiệm. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định.

Tuệ Anh