“Ngôi nhà chung” của cộng đồng người Việt ở châu Âu

- Thứ Năm, 04/04/2019, 08:18 - Chia sẻ
Hơn 10 năm qua, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng người Việt ở đây cũng như châu Âu với Tổ quốc thông qua nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch...

Tô đậm hình ảnh Việt Nam

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV) được thành lập theo Quyết định số 29/2008/QĐ-TTg ngày 22.2.2008 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng chính là tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thông tin, du lịch nhằm tăng cường hiểu biết của nhân dân Pháp và châu Âu đối với đất nước, con người Việt Nam; thông tin tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, xúc tiến du lịch, hỗ trợ các hoạt động thể thao. Hơn 10 năm qua, CCV không ngừng mở rộng hoạt động ở Pháp và cả châu Âu, triển khai hiệu quả và chất lượng nhiều chương trình, dự án quy mô lớn, đặc biệt chú trọng và phát huy vai trò trong hợp tác với các chính quyền địa phương và tổ chức xã hội có tầm ảnh hưởng lớn.


Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn tại Hội chợ quốc tế Grenbole 2018

Đặc biệt, năm 2018, hai nước Việt Nam và Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2018) và 5 năm đối tác chiến lược (2013 - 2018), hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và hoạt động hợp tác giữa hai nước được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó phải kể đến các hoạt động nổi bật như: Lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm, gắn biển trụ sở Trung tâm và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Pháp (tháng 3.2018); các hoạt động quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch Việt Nam với tư cách “Khách mời danh dự” tại các Hội chợ quốc tế Caen, Strasbourg và Grenbole. Tại các hội chợ này, CCV tổ chức diễn văn nghệ dân gian, trưng bày các mặt hàng truyền thống, giới thiệu, quảng bá, cung cấp thông tin cho khách tham quan về văn hóa, ẩm thực, du lịch, hàng không…

Bên cạnh đó, CCV còn phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Tuần Văn hóa, Du lịch Việt Nam tại Pháp” tại thành phố Versailles (tháng 9.2018); hỗ trợ Hội người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức triển lãm ảnh về vẻ đẹp biển Việt Nam tại Thủ đô Warszawa trong khuôn khổ “Lễ hội văn hóa Việt Nam”; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm sách Việt Nam tại tòa thị chính thành phố Arcueil...

Có thế nói, chuỗi hoạt động nghệ thuật biểu diễn, triển lãm tranh, mỹ thuật… nói trên đã góp phần khắc họa rõ nét và tô đậm hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, thân thiện, yêu hòa bình với bạn bè quốc tế.

Gìn giữ bản sắc, hướng về cội nguồn

 Thương hiệu CCV đã trở nên gần gũi và quen thuộc đối với bạn bè và Việt kiều không riêng ở Pháp mà còn ở các nước châu Âu. Một “ngôi nhà chung” cho các nghệ sĩ Việt kiều tại Pháp đã được khẳng định và phát triển. Các chương trình nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, lớp học tiếng Việt và nghệ thuật… đều được Trung tâm Văn hỗ trợ tổ chức tích cực và hiệu quả.

Đến nay, CCV đã thu hút mạnh mẽ bạn bè Pháp đến tìm hiểu và trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng người Việt.

Cùng với các hoạt động quảng bá văn hóa, nghệ thuật, CCV tiếp tục duy trì và hỗ trợ các lớp tiếng Việt thuộc cả 3 trình độ A, B, C (theo giáo trình của Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo). Học viên các lớp tiếng Việt gồm các cháu trong độ tuổi từ 7 - 12 (chiếm đa số) và học sinh người Pháp (trên 18 tuổi) cùng một số phụ huynh; các lớp học về nhạc cụ, học múa dân tộc, học võ VOVINAM và bắn cung. Giáo viên giảng dạy (tiếng Việt và nhạc cụ dân tộc) được huy động tại chỗ (Việt kiều đã nghỉ hưu, phụ huynh học sinh tình nguyện, VOVINAM tại Pháp). Các lớp học này đã góp phần quan trọng gìn giữ bản sắc và truyền thống văn hóa, cội nguồn dân tộc, hướng về Tổ quốc trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Pháp.

Là một định chế văn hóa đặc thù của Việt Nam ở nước ngoài, nhưng lực lượng nhân sự mỏng, ngân sách hạn chế, CCV cũng gặp nhiều thách thức. Các hoạt động những năm qua của CCV tập trung ở Pháp; hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các quốc gia EU khác được mở rộng (Bồ Đào Nha, Italy, Romania, Hy Lạp, Croatia...) thông qua vị thế là thành viên Liên đoàn Văn hóa dân gian thế giới (IGF) nhưng mới dừng ở một số loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian và phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ. Chức năng, nhiệm vụ của CCV bao trùm cả lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhưng mới ưu tiên một số lĩnh vực thuộc mảng văn hóa như: Truyền bá ngôn ngữ, ca múa nhạc, giới thiệu phim, triển lãm mỹ thuật. Các nhiệm vụ liên quan đến di sản, thư viện, bảo tàng, văn học dịch... còn nhỏ về quy mô và ít về tần suất; hoạt động du lịch và thể thao chưa thường xuyên, còn thụ động.

Để khắc phục những khó khăn trên, CCV đã sớm xác định mục tiêu trọng điểm, đặt ưu tiên truyền bá tiếng Việt, một nội hàm cơ bản của văn hóa. Từ đó, huy động nguồn lực, tranh thủ ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mở và duy trì các lớp dạy tiếng Việt cho thiếu nhi trong cộng đồng người Việt tại Pháp và cả người Pháp lớn tuổi; các lớp dạy ca, múa, nhạc, hội họa và võ cổ truyền Việt Nam. Những lớp học này đã cộng hưởng với các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa khác, góp phần lan tỏa sâu, rộng văn hóa Việt trên đất Pháp. Việc huy động nguồn lực tại chỗ nhằm làm cho không khí các hoạt động của Trung tâm thực sự mang màu sắc Việt, tạo điều kiện cho kiều bào hướng về cội nguồn, các bạn Pháp thể hiện tình yêu với Việt Nam.

Nghiêm Xuân Đông