"Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa..."

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:35 - Chia sẻ
Bát rượu nếp đâu chỉ là bát rượu nếp. Một năm đâu chỉ có những ngày lễ tết là mới có dịp vui vầy, gặp gỡ tình thân…

Tết mùng năm tháng Năm năm ấy cách đây đã gần 30 năm, trời rất nóng nực. Sáng ra đã nắng chói chang. Vòm lá bàng trước cửa nhà in bóng sẫm sì trên nền trời xanh biếc. Không gian im phắc không một gợn gió. Từ sớm tinh mơ, mẹ tôi đã đi chợ Hàng Bè sắm đủ rượu nếp hoa quả cúng Tết trên ban thờ gác hai rồi vội vàng xuống nhà dọn hàng. Lắm thứ đồ lỉnh kỉnh lắm. Năm ấy, mấy chị em gái trong nhà đều đã đi lấy chồng ra ở riêng. Đến non trưa, chị em tôi lần lượt lục tục kéo về. Còn phải hỏi mấy chị em gặp nhau đông đủ thì chuyện nổ ran ran như thế nào. Chuyện chồng, chuyện con, chuyện tiền nong, chợ búa, học hành. Âu rượu nếp hạ xuống từ ban thờ chả kịp chia ra các bát nhỏ, cứ mỗi người một thìa xúc như chèo thuyền. Veo một cái đã không còn một hạt. Chợt nghe mẹ tôi gọi vóng từ dưới nhà lên:

- Để phần bà Thanh ít rượu nếp nhé! Sáng nay lúc bố mẹ và hai em ăn thì bà vẫn chưa dậy.

- Ố, sao mẹ chả bảo sớm! Chúng con ăn hết mất rồi.

- Ừ, ăn hết rồi thì thôi. Đứa nào chạy ra chợ Hàng Bè mua thêm cho bà một bát con nữa đi! 

- Thôi, bà già yếu rồi, ăn sữa ăn cháo chứ ăn gì rượu nếp. Nhỡ bà đau bụng, tháo dạ lại khổ thêm mẹ ạ!

Nói rồi, chị em tôi lại tiếp tục chuyện trò. Rôm rả còn hơn trước. Chiếc quạt trần Eon cổ lỗ quay lừ đừ, kêu òng ọc; gió nóng hầm hập cũng chẳng phá đám nổi cuộc chuyện. Lúc chị Hai bưng bát cháo vào buồng cho bà ăn thì tôi xuống bếp bắc nồi canh. Chợt bắt gặp mẹ tôi đầu vừa kịp tháo nón, trán ướt rịn mồ hôi, tay cầm bát rượu nếp be bé đậy cái khăn vải màn mỏng te tái mở cổng sau bước vào sân nhà:

- Ấy, đã rửa mặt cho bà chưa? Đừng cho bà ăn cháo vội nhé! Để mẹ bón cho bà vài thìa rượu nếp giết sâu bọ đã.

- Trời, thì ra mẹ lại tự ra chợ sao? Trời nắng thế này!

- Đi có mấy bước mà. Cho chị em chúng mày nói chuyện thỏa thuê đi. Mẹ mua vội cho bà kịp ăn trước giờ Ngọ chứ!

Khỏi nói chị em tôi ân hận biết chừng nào. Ôi mẹ tôi! Sao người có thể coi trọng tập tục cũ đến như vậy chứ? Thời đại nào rồi mà vẫn còn như vậy? 

Chuyện là, cha tôi có hai người vợ, tất nhiên là từ khi chưa có luật hôn nhân của thể chế mới ra đời năm 1959. Năm 1942, cha tôi thành thân với mẹ tôi, cô gái làng đúc đồng Ngũ Xã, Trúc Bạch và sau đó đã sinh đủ một trai một gái. Công việc làm ăn của gia đình khá là hanh thông, phát đạt với một hãng xe tải nhỏ chạy đường dài Hà Nội - Thái Hà Tuyên. Tuy nhiên, vào năm Nhâm Thìn 1952, anh trai tôi lúc ấy mới 4 tuổi đầu bị mắc dịch bệnh đậu mùa, chạy chữa thuốc thang thế nào cũng không thể qua khỏi. Từ đó mẹ tôi ngày đêm thương khóc anh khiến cơ thể dốc dác tàn tạ dần đến mức dăm ba năm sau cũng không thể sinh nở được nữa.

Chuyện là ở quê gốc làng Thái Đường, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (sau đã thuộc Hà Nội), cha tôi vốn là một trưởng chi họ lớn. Tuy ông đã lên Hà Nội sinh sống từ những năm thuộc thập niên 30 của thế kỷ XX, khi mới 15 tuổi, nhưng trách nhiệm với dòng họ và gia tộc vẫn rất nặng nề. Người trong họ ngoài làng liên tục thúc giục. Thế là ông đành tính kế lấy thêm dì Hai lúc bấy giờ đang làm hộ lý của một nhà hộ sinh tư nhân. Mục đích là để sớm có con trai nối dõi tông đường. Ông thuê giấu một ngôi nhà ở phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến) cho dì Hai ở. Biết chuyện, mẹ tôi khóc lung lắm, oán trách mấy hôm, rồi mẹ tôi dần dần hồi tâm nghĩ lại, gạt nước mắt gọi một chiếc xích lô đẹp đi từ phố Cửa Đông là nhà tôi khi ấy xuống phố Sinh Từ, đón dì Hai tôi về cho cha tôi. 

 Chuyện là, cả mẹ tôi và dì Hai tôi đều là con một trong nhà, nên khi hai con gái đi lấy chồng, đương nhiên cha tôi được khuyến mại thêm hai bà mẹ vợ đến ở cùng. Bà ngoại sinh ra mẹ tôi quê ở làng đúc đồng Dí Hạ, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh  Bắc Ninh. Bà được cả nhà gọi là bà Cái. Cái là một từ cổ chỉ người và vật có vị thế quan trọng. Con sông Hồng cũng có tên là con sông Cái, cơn gió mát được gọi là cơn gió cái, vợ con chính thức được gọi là vợ cái con cột...

Bà ngoại sinh ra dì Hai tôi quê gốc làng Nam Ngạn, huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa, nên cả nhà gọi là bà Thanh. Người Việt xưa vốn có tập tục không gọi tên cúng cơm của những người đàn bà. Khi còn nhỏ thì gọi cái Hĩm, cái Bướm, cái Gái, thậm chí cái Đĩ. Khi đi lấy chồng thì họ được gọi theo tên chồng, khi có con thì được gọi theo tên con trai đầu lòng. Nếu đi xứ khác làm ăn sinh sống thì họ được gọi theo tên quê gốc. Chỉ có khi chết đi và trong các đám cúng giỗ, người đàn bà mới được gọi tên thật. 

Bà Thanh tôi da trắng, lưng ong, tóc dài như suối, rất đẹp người đẹp nết. Thế nhưng cuộc đời của bà thật là vất vả. Bà lấy chồng sớm nhưng sinh nở 4-5 bận mà toàn bị yểu mệnh, còn lại mỗi dì Hai tôi. Thế rồi ông lại mất sớm khi bà mới chưa tròn tuổi ba mươi. Khóc con khóc chồng ròng rã hàng chục năm trời.

Chuyện là, sau khi cha tôi cưới dì Hai thì hai bà vợ cứ thế thi nhau đẻ. Nhưng vẫn không ra con giai. Mẹ tôi đẻ thêm được tôi và cô em gái nữa. Còn dì Hai tôi đẻ miệt mài đến 5 bận nữa, cũng vẫn cứ là gái. Tưởng đã hết hy vọng, may đến lần thứ 6 thì được cậu Út đồng thời cũng là cậu Trưởng trong nhà sau một cơn băng huyết tưởng chết, vì khi ấy dì Hai đã lớn tuổi và sinh nở sa sảy quá nhiều. Tổng cộng có dễ ngoài chục bận cả thảy. 

Khi cậu Út ra đời, có lẽ người vui sướng nhất là mẹ Cả tôi chứ không phải cha tôi hoặc dì Hai. Mẹ tôi yêu cậu Út một cách vô đối. Mẹ tự coi như đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ và bổn phận với gia tộc đằng chồng. Miếng gì ngon nhất là để phần cho cậu. Các con gái, mẹ có thể gọi là đứa này đứa kia. Riêng cậu Út luôn được mẹ âu yếm gọi là Em:

- Miếng giò trong mâm là để phần cho em đấy nhé! Các chị có canh rau muống, lạc rang, đậu phụ rồi.

- Em hôm nay hơi ho đấy! Chị nào đưa em đi khám lấy thuốc đi. 

Bố có thể mắng em, dì Hai có thể đánh em. Nhưng mẹ Cả thì không bao giờ. Chỉ có âu yếm và âu yếm.

So với mẹ Cả tôi rất mộc mạc thì dì Hai tôi rất khéo léo. So với bà Cái tôi rất sắc sảo, thì bà Thanh rất hiền lành. Có lẽ bởi thế hai bà vợ và hai bà nhạc của bố tôi ở chung được với nhau cùng dưới một mái nhà sóng yên biển lặng mấy chục năm liền. Nghĩ lại cũng là kỳ tích. Nhưng ai ai cũng nói đó là do bố tôi khéo ăn khéo ở nên mới được như thế. Từ nhỏ đến lúc lớn lên, tôi toàn thấy cha ở cùng phòng với mẹ Cả. Bởi thế, mỗi lần thấy dì Hai kênh kênh đôi vạt áo cánh rồi lúc lắc cái bụng bầu, các thím tôi lại đấm lưng nhau thùm thụp, rúc rích  mím môi cười, kêu anh Cả nhà mình đánh du kích lúc nào mà tài thế!

Một dịp Tết mùng năm tháng Năm khi tôi còn học mẫu giáo, tôi và cô em gái cùng cha khác mẹ về quê bà Thanh chơi. Cái ấn tượng đứng tên ghế băng dọc thành tàu ngắm nhìn những cánh đồng, dòng sông, hàng dừa xanh biếc cứ vùn vụt trôi ngoài cửa sổ toa tàu hỏa mãi cứ in dấu trong tôi suốt những năm dài, cho đến tận bây giờ và mãi mãi. Bởi đó chính là lần đầu tiên tôi được thoát ra khỏi phố phường Hà Nội hòa mình vào xứ sở đồng quê kỳ diệu. 

Nhà bà Thanh sau kỳ sửa sai cải cách ruộng đất hãy còn giữ được ngôi nhà mái ngói vẩy hến ba gian hai chái, tường hoa gốm xanh bao quanh sân, sân gạch lát gạch lá nem đỏ rộng mênh mông, bể nước mưa nối tàu cau trong văn vắt, ngõ vào nhà có đôi luống hoa mưa đôi bên lá xanh bông tím cạnh những hàng gạch lên rêu xếp xeo xéo. Thật là quá tuyệt. Cho đến bây giờ, tôi vẫn mơ ước có một ngôi nhà ngói 5 gian giống hệt ngôi nhà trong ký ức có lẽ là vì thế. 

Tết Mùng năm tháng Năm ở xứ Thanh cũng hoa quả gà vịt như Hà Nội, nhưng lại có thêm món bánh đa nướng ăn với cùi dừa và cháo kê quấy đường mật. Khác cái là họ hàng đến chơi Tết đông vui rộn ràng hơn hẳn ở Hà Nội. Ai cũng khen hai cô bé Hà Nội mặc hai cái váy Đức Hạnh - Hàng Trống có thêu khuông nhạc và con chim đang hé mỏ ca hát thật là xinh xắn dễ thương. Và đặc biệt nhất là hôm ấy chị em tôi được ăn một bữa rượu nếp do chính bà Thanh ủ nấu từ giống nếp quê mới gặt trên cánh đồng Nam Ngạn, thơm, ngọt và dẻo vô chừng. Hạt cơm rượu mọng như con ong non, cắn giòn bem bép, bem bép. Mỗi đứa một bát ăn cơm đầy, say líu lưỡi, mặt đỏ rực. Ăn xong lăn quay ra ngủ trên chiếc chiếu hoa trải dưới hàng hiên mát rượi. Ở Hà Nội đâu có được thế. Nhà đông người, mẹ tôi đơm cúng xong chỉ sẻ cho mỗi đứa con một chút xíu, cho vào cái bát ăn chè bé xíu với đôi đũa cũng bé xíu, ăn lúc nào cũng thòm thèm, thòm thèm. Khổ thế! Mỗi tội hôm sau rôm sảy nổi đầy người, báo hại bà Thanh thức đêm quạt lá dừa gãy tay cho hai cháu Hà Nội ngủ. Bấy giờ ở quê vẫn chưa có điện, tôi nhớ là thế.

Bà Thanh ra ở Hà Nội, những năm còn khỏe mạnh, đều bảo mẹ tôi đong gạo quê xay dối để bà tự ủ cơm rượu, không phải đi mua ngoài chợ. Bà ủ khéo lắm, ngâm gạo thổi xôi nếp hai lần, rắc men quê gửi ra, lót lá chuối, đậy lá sen mấy lớp. Cứ vừa đến đêm mùng 4 rạng sáng mùng 5 là chái nhà thơm lựng mùi cơm rượu nếp mới. Thoáng nghe đã say say, tê tê.  Đám cháu nhỏ dậy thật sớm lanh canh thìa bát đợi bà xới rượu ra bát ô tô to đem dâng cúng trên ban thờ xong là sẽ chia phần còn lại ngay cho các cháu. Giết sâu bọ ăn rượu nếp sáng sớm mới linh nghiệm. Thích nhất là thứ nước cơm rượu đặc sánh, vàng óng đọng trong đáy chiếc chậu sành hứng dưới rá rượu nếp. Chị em tôi tranh nhau lấy thìa vét từng giọt. Tôi lúc ấy đã lớn hơn nên hay để ý thắc mắc:

- Sao cháu thấy cơm rượu gánh rong nhiều nước rượu thế mà nhà mình chả có mấy bà nhỉ?

- Đấy là người ta pha thêm nước đường. Còn đây của nhà mình là thật hột nước rượu, dù ít nhưng mà đặc và thơm. Ăn nhiều là say bò ra đấy!

Bà Cái rất hay được về quê Bắc Ninh vì quá gần gụi. Bà Thanh hiếm có dịp về quê Thanh Hóa vì quá xa xôi. Hồi ấy tàu xe Bắc Nam đâu có thuận tiện như bây giờ. Nhất là khi chiến tranh nổ ra, Thanh Hóa bị đánh phá ác liệt. Ở nơi sơ tán với các cháu, bà Thanh thường ngồi ngoáy cối giã trầu và chú tâm lắng nghe tin tức quê nhà qua chiếc loa phát thanh xóm khọt khẹt, ọ ẹ. Kể cả lúc nghe tin chiến thắng bắn rơi máy bay hay lúc nghe tin người dân thương vong, bà đều "Ui choa, Ui choa!" liên tục. Sau đó, bà thường ngồi thẫn thờ lặng lẽ. Tôi biết bà lúc ấy đang rất nhớ quê hương, nhớ con sông Mã sóng đánh miên man, nhớ cây cầu Hàm Rồng in bóng lộng lẫy mỗi khi chiều xuống, mặt trời đỏ rực hạ dần qua hòn núi Ngọc biếc xanh.  

Hòa bình thống nhất năm 1975, khi ấy bà Thanh đã già, chỉ có thể trở về thăm quê đâu đó một đôi lần vào dịp đầu mùa hạ, khi các cháu nhỏ đã được nghỉ hè, bà đỡ phải lo cơm nước hằng ngày. Mỗi lần như thế, bà lại đem ra Hà Nội những món đặc sản xứ Thanh lừng lẫy như tôm he, mắm tôm, con phi phi, mực khô và đặc biệt là mấy cân gạo nếp xay dối để ủ cơm rượu Tết Mùng năm tháng Năm.

Tưởng là trời thương cho bà những năm tuổi già êm đềm, an vui, nhưng không ngờ dì Hai tôi mắc bạo bệnh ra đi khi mới sáu mươi. Lúc đó thì bà Thanh cũng đã ngoại tuổi tám mươi. Bà vô cùng đau khổ than khóc hoài cảnh "lá xanh rụng xuống, lá vàng còn ở trên cây". 

Từ đó, mẹ Cả tôi càng thêm thương bà, chăm sóc bà tận tình hơn cả chăm sóc bà Cái tôi, có lẽ. Khi ấy, bà Cái tôi cũng đã về thế giới người hiền được dăm năm thì phải. Cơm ăn nước uống trầu thuốc không bao giờ thiếu thốn. Nấu món gì mẹ cũng nhớ nhắc các con để riêng một chút đun nhừ thêm dành cho bà. Có đôi lần, khi mẹ tôi tự tay bưng đến cho bà bát cháo hay bát chè mới nấu, bà lại cầm tay mẹ tôi ứa nước mắt. Bà vẫn gọi mẹ tôi bằng chị, theo như cách gọi của dì Hai tôi:  

- Chị ơi, sao mà trên đời lại có người tốt như chị! Tôi đến chết không quên ơn chị được. Chị ơi!

- Bà cứ ăn uống vui vẻ đi, còn sống lâu với các cháu, còn chờ thằng Út lấy vợ có con cho bà lên chức cụ cố cơ!

Bà Thanh tôi không chờ được đến ngày ấy, bà đã ra đi lặng lẽ vào một buổi chiều đông rét mướt cách đây đã gần ba mươi năm, hưởng thọ ở ngoại tuổi chín mươi thì phải, tôi mang máng nhớ thế. 

Cha mẹ tôi làm đám tang cho bà thật cẩn thận, mẹ tôi thắt khăn xô như một người con gái ruột của bà.

Bây giờ, cứ mỗi khi đến dịp Tết Đoan ngọ, tôi lại bồi hồi nhớ cha mẹ, nhớ dì, nhớ hai bà ngoại yêu dấu, nhớ bài học bát rượu nếp non trưa mẹ đã dạy cho chị em chúng tôi một cách lặng êm, thấm thía như thế nào. Bát rượu nếp đâu chỉ là bát rượu nếp. Một năm đâu chỉ có những ngày lễ tết là mới có dịp vui vầy, gặp gỡ tình thân…

Tuỳ bút của Vũ Thị Tuyết Nhung