Ngoại ngữ và bản lĩnh văn hóa Việt

- Thứ Hai, 11/11/2019, 08:17 - Chia sẻ
Học sinh trường chuyên ngoại ngữ phải rất giỏi ngoại ngữ, đó là yêu cầu cơ bản và đương nhiên. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục hội nhập quốc tế sâu rộng, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn khuyên các em cần lưu ý tới mấy từ khóa: Kỹ năng sống, phương pháp học tập và bản lĩnh văn hóa Việt.

Là một trong hai trường chuyên đầu tiên của ĐHQG Hà Nội (cùng với Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Khoa học tự nhiên), 50 năm qua, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã khẳng định được vị thế và uy tín trong hệ thống giáo dục cả nước. Đến nay, trường đã có 51 lớp với hơn 2.200 học sinh, chuyên 7 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Nhật, Hàn. Học sinh của nhà trường sinh đã giành nhiều giải thưởng khu vực, quốc gia, quốc tế ở các môn ngoại ngữ, văn hóa và nhiều lĩnh vực khác.

Cuối tuần qua, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập (1969 - 2019). Tại buổi lễ này, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu “truyền lửa” cho không chỉ học sinh khối chuyên ngữ.

Công cụ mở rộng tầm nhìn

PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sự ra đời của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ từ năm cuối của thập kỷ 60 thế kỷ trước, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, đã thể hiện tầm nhìn xa rộng của những người có trách nhiệm lúc bấy giờ về vai trò của ngoại ngữ và tầm quan trọng của giao lưu hợp tác quốc tế, hội nhập thế giới. Vì thế, các em cần phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tự tin, tự lập, tài giỏi của học sinh Trường THPT chuyên ngoại ngữ. “Các em cần tận dụng lợi thế ngoại ngữ, đó là công cụ sắc bén để mở rộng tầm nhìn ra thế giới, học hỏi nhiều hơn, đọc và suy ngẫm nhiều hơn, học có phương pháp để làm giàu cho mình, làm cho công cuộc hội nhập thế giới của đất nước nhanh hơn, chủ động hơn, mạnh hơn để phát triển bản thân, phát triển đất nước”.

“Các dân tộc trên thế giới đều có những kho báu trí tuệ, tri thức và văn hóa riêng, các em có công cụ ngoại ngữ tốt cần đi sâu thâm nhập vào các kho báu vô giá đó của nhân loại. Mỗi em được làm giàu thêm từ nguồn kho quý ấy, tức là đất nước đã giàu có thêm về văn hóa, nhân loại có thêm những sự giao lưu và tất cả đều được làm phong phú thêm. Các em cần chuẩn bị tốt nhất đề làm một công dân toàn cầu” - PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn nói.

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn, các em cần học tập một cách toàn diện, hài hòa giữa các môn học; phát triển bản thân, phát triển các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn trong các điều kiện rất khác nhau, kỹ năng tự phát triển, tự học. “Trong thế giới tri thức ngày càng đồ sộ, ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh triết lý giáo dục dựa vào trang bị kiến thức cơ bản và thúc đẩy năng lực tự học và tự thích ứng, tự trang bị của học sinh, sinh viên, điều này các em cần ghi nhớ. Cần có kỹ năng để có thể học một biết thêm mười và từ mười thâu tóm thành một điều xâu chuỗi. Đó là cách chiếm lĩnh khối tri thức ngày càng khổng lồ”.


Học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ được học 2 ngoại ngữ và học một số môn văn hóa bằng tiếng nước ngoài

Chủ động hội nhập bằng căn cốt Việt Nam

Một phần đáng kể trong số học sinh chuyên ngoại ngữ sẽ du học các nước, hoặc học tập tiếp các bậc kế sau trong môi trường giáo dục hội nhập quốc tế sâu rộng. Các em bước vào thế giới trong thời đại chuyển đổi số, của một thế giới thực ảo kết nối, của trí tuệ nhân tạo và công nghệ thay đổi hàng ngày. “Trong bối cảnh ấy, thầy khuyên các em cần lưu ý tới mấy từ khóa: KỸ NĂNG SỐNG, PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP, BẢN LĨNH VĂN HÓA VIỆT. Các em cần thấu hiểu về đất nước và con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam, trau dồi tố chất văn hóa và cần có lối sống đẹp, có bản lĩnh để sống đúng với bản sắc Việt, tự hào về bản sắc Việt và lấy đó làm nền tảng để hội nhập với các nền văn hóa khác một cách chủ động, hòa dòng cùng nhân loại bằng cái căn cốt Việt Nam ấy. Đó chính là chỗ dựa để tránh cho con người hiện đại không sa vào hoang mang và thiếu hụt về chỗ dựa tinh thần”.

PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Các em cần thật giỏi ngoại ngữ và hiểu biết văn hóa các nước, nhưng các em càng học giỏi ngoại ngữ bao nhiêu, thì càng cần lưu tâm học tốt môn tiếng Việt và ngữ văn Việt Nam bấy nhiêu. Học tốt tiếng Việt không phải chỉ để có điểm tốt mà để làm một người Việt đầy đủ và để có thể dịch thuật tốt, nghiên cứu tốt khi cần.

“Học ngoại ngữ tốt để hiểu nhân loại và hội nhập tốt, nhưng ở một chiều khác, các em cũng cần có trách nhiệm đem văn hóa của Việt Nam lan tỏa ra cộng đồng thế giới và để thế giới biết tới chúng ta nhiều hơn, qua đó các em cũng khẳng định được mình nhiều hơn. Đừng quên vế thứ hai của quá trình học tập và hoạt động sau này. Các em cũng cần học tốt môn ngoại ngữ thứ 2. Sẽ tới một ngày, việc dùng tiếng Anh trở nên rất phổ biến ở Việt Nam và mọi người sẽ không còn coi tiếng Anh như một ngoại ngữ nữa. Khi đó, các ngôn ngữ của các dân tộc khác, các khối khác mà các em nắm được sẽ rất có tác dụng và có ưu thế”.

Nhật Linh