Ngoại giao y tế

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:29 - Chia sẻ
Khi thế giới đã trở thành “ngôi làng toàn cầu”, cơ hội và thách thức vẫn luôn đan xen. Thực tế, ngay từ đầu, liên kết liền mạch này là lý do nổi bật giải thích cho việc SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ cực nhanh. Nhưng ngược lại, cách giải quyết đại dịch Covid-19 cũng nằm ở khả năng kết nối tương tự nếu được sử dụng đúng cách. Trong bối cảnh đó, tầm quan trọng của y tế và ngoại giao y tế là khá lớn.

Cần sự đoàn kết của cả thế giới 

Trong giai đoạn thế giới đau đầu với một loạt đại dịch gây chết chóc, từ Cái chết đen (dịch hạch), cúm Tây Ban Nha, cúm châu Á tới SARS hay Ebola, để quản lý và bảo vệ y tế và thương mại khỏi tác động tiêu cực của đại dịch, nhiều quốc gia đã cùng đạt được một số thỏa thuận, bắt đầu từ thực hành kiểm dịch. Quá trình đó hình thành nên nền ngoại giao y tế, tăng cường kết nối giữa y tế với chính sách đối ngoại.

Chính sách kiểm dịch bắt nguồn từ năm 1377, khi cảng biển Ragusa, thuộc Croatia ngày nay, ban hành “Terentina” và “Quaranta”, tức là thời gian cách ly 30 và 40 ngày đối với tàu và người từ bên ngoài vào. Các biện pháp đó không chỉ được thực hiện vì lý do sức khỏe mà còn để bảo vệ mạng lưới thương mại và phúc lợi kinh tế khỏi Cái chết đen. Nhưng mỗi quốc gia áp dụng biện pháp khác nhau để kiểm dịch, không có sự phối hợp hoặc thống nhất.

Năm 1834, Pháp là nước đầu tiên đề xuất tiêu chuẩn hóa các hoạt động kiểm dịch. Và cuối cùng, năm 1851, Hội nghị Vệ sinh Quốc tế đầu tiên được tổ chức. Năm 1907, Văn phòng Y tế cộng đồng quốc tế được thành lập, làm nơi xây dựng các quy tắc kiểm dịch thống nhất cho nhiều loại lữ hành khác nhau. Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập với tư cách là tổ chức kế thừa Hội nghị Vệ sinh Quốc tế và từ đó bệnh truyền nhiễm cùng các vấn đề sức khỏe khác được đặt dưới luật quốc tế, chuẩn bị cho hành động và nỗ lực phối hợp nhiều hơn.

Thế giới từng chứng kiến các biện pháp kiểm dịch được lên kế hoạch tập thể trong đại dịch SARS năm 2003 khi vai trò chủ động của WHO đã giúp trao đổi thông tin trên toàn cầu. Mặc dù vai trò của WHO đang bị Mỹ chỉ trích nặng nề trong đại dịch Covid-19, nhưng chặng đường phía trước đòi hỏi nỗ lực đa phương của một cơ quan toàn cầu. Việc làm suy yếu và rút khỏi thể chế này như Mỹ thực sự không có lợi. 

Các quốc gia cần hợp tác, từ chia sẻ phương pháp hay nhất để đối phó với đại dịch, đến giảm nhẹ tác động kinh tế đối với nền kinh tế. Thế giới cũng cần có kế hoạch tập thể để phát triển vaccine và một cơ quan điều phối mọi nỗ lực toàn cầu là nhu cầu của thời đại. 

Đại dịch Covid-19 xuất hiện làm nổi bật quan hệ quốc tế với tính cạnh tranh hơn là hợp tác trước mắt. Các quốc gia có vẻ “hướng nội” nhưng đại dịch này chứng minh sự phụ thuộc lẫn nhau của thế giới. Không quốc gia nào dù cố gắng đến đâu có thể tự đứng đơn phương. 

Nguồn: ITN

Chính sách đối ngoại và y tế 

Nhiều diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế đã tập trung vào an ninh y tế toàn cầu từ lâu. Điều lệ Y tế quốc tế được Hội đồng Y tế Thế giới thông qua  năm 2005 cung cấp khuôn khổ pháp lý toàn cầu để giải quyết các vấn đề sức khỏe. Từ năm 2008, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết Chính sách đối ngoại và sức khỏe toàn cầu trong mọi kỳ họp của mình.

Năm 1978, ông Peter Bourne đã đưa ra khái niệm “ngoại giao y tế” khi còn làm trợ lý đặc biệt cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Carter. Theo ông Bourne, các vấn đề nhân đạo như y tế có thể là phương tiện quan trọng để cải thiện quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao bền chặt. Theo Sáng kiến GHS về Ngoại giao y tế, UCSF (2008), ngoại giao y tế chiếm vị trí quan trọng trong hỗ trợ y tế quốc tế và quan hệ chính trị quốc tế. Nó có thể được định nghĩa là tác nhân thay đổi chính trị đáp ứng mục tiêu kép là cải thiện sức khỏe toàn cầu, đồng thời giúp khắc phục thất bại ngoại giao, đặc biệt ở những khu vực xung đột và các nước nghèo tài nguyên. Do đó, y tế và ngoại giao y tế có thể đóng vai trò vừa thúc đẩy lợi ích ngoại giao quốc gia cụ thể, vừa thúc đẩy mục tiêu chung là bảo đảm an ninh y tế toàn cầu.

Khi con người đang chứng kiến đại dịch Covid-19 và thế giới phải làm quen với khái niệm “bình thường mới”, rõ ràng là cách thức cũ phải thay đổi và chuyển đổi là cần thiết ở cấp độ cấu trúc, chức năng lẫn tổ chức. Từ việc tạo ra vaccine đến phân phối, trao đổi kinh tế, đi lại và vận chuyển đều cần những quy tắc mới. Đặc biệt, kỷ nguyên mới này đòi hỏi hợp tác chứ không phải xung đột. An ninh quốc tế cần một cuộc đại tu và đại dịch hiện nay tạo cơ hội quan trọng để thay đổi mô hình trong khái niệm về an ninh bằng cách ưu tiên y tế như mối quan tâm an ninh chính. Trọng tâm của an ninh bây giờ phải mở rộng để đưa sức khỏe của các cá nhân vào phân khúc ưu tiên của an ninh quốc gia cùng với quan niệm truyền thống về an ninh lãnh thổ. Đồng thời thừa nhận thực tế là, an ninh y tế của bất kỳ quốc gia nào trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay đều có mối liên hệ sâu sắc với an ninh y tế toàn cầu và một phương tiện quan trọng để bảo đảm an ninh y tế toàn cầu là y tế hoặc ngoại giao y tế.

Hiện nay, một số câu hỏi được đặt ra: Nước nào sẽ có trong tay vaccine đầu tiên và các quốc gia cũng như công dân phải trả bao nhiêu cho vaccine đó? Liệu các siêu cường và người chơi lớn trên thị trường có sẵn sàng chia sẻ tài sản trí tuệ của mình hay muốn nắm giữ để có lợi thế kinh tế? 

Mặc dù các nhóm nghiên cứu quốc tế và một số quốc gia hứa hẹn sản xuất loại vaccine có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận với mọi người, nhưng số liều vaccine khó có thể theo kịp nhu cầu của cả thế giới 7,8 tỷ người. Khả năng các quốc gia giàu có sẽ độc quyền cung cấp, kịch bản từng diễn ra trong đại dịch cúm lợn năm 2009, từng gây ra mối lo ngại trong các quốc gia nghèo.

Hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẽ biến vaccine điều trị Covid-19 mà nước này điều chế thành hàng hóa phổ thông toàn cầu một khi có sẵn. Đây có thể được coi là chiến lược “ngoại giao vaccine” của đất nước gấu trúc. Mới đây, Philippines đã tỏ ý mong muốn Trung Quốc ưu tiên để nước này tiếp cận vaccine Covid-19. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, Bắc Kinh chắc chắn sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu cho Manila một khi bào chế thành công.

Phản ứng nhanh chóng trên được nhiều nhà bình luận nhận định là cân nhắc địa chính trị trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách củng cố quan hệ với các nước ASEAN trước căng thẳng gia tăng với Mỹ trên Biển Đông. Chưa hết, nỗ lực của Trung Quốc trong “ngoại giao vaccine” còn mở rộng tới sân sau của Mỹ như cam kết cung cấp khoản vay trị giá 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latin và quốc gia vùng Caribe để mua vaccine của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đưa ra cam kết tương tự với các nước châu Phi, Afghanistan, Pakistan và Nepal…

Trong khi đó, Nga mới đây cũng tăng tốc chiến dịch ngoại giao vaccine Covid-19. Moscow tuyên bố sẵn sàng cung cấp vaccine Covid-19 cho Philippines trong bối cảnh số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này tăng cao. Theo thông tin của Nga, có khoảng 20 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc hợp tác với nước này để phát triển vaccine Covid-19. Dự kiến, Nga sẽ đăng ký cấp phép cho mẫu vaccine trị Covid-19 đầu tiên vào ngày mai (12.8).     

Linh Anh