Nghiêm túc, thẳng thắn sẽ tạo ra phiên chất vấn có chất lượng

- Thứ Bảy, 23/06/2012, 08:37 - Chia sẻ
PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH PHÚ YÊN NGUYỄN THÁI HỌC cho rằng, để có một phiên chất vấn có chất lượng cần có 3 yếu tố quan trọng. Ngoài sự chuẩn bị của đại biểu trước khi chất vấn, người trả lời chất vấn có bộc bạch, có trao đổi rõ ràng giữa trách nhiệm “được” và “không được” về những nội dung mà đại biểu nêu ra, những vấn đề mà cử tri quan tâm hay không? Với một tinh thần nghiêm túc, bộc bạch, thẳng thắn, không né tránh sẽ là sự gặp nhau giữa đại biểu chất vấn và người trả lời chất vấn.

- QH Khóa XIII đã trải qua ba kỳ họp nhưng đây mới là lần thứ hai QH  tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Vậy  Đại biểu nhận định như thế nào về phiên chất vấn và trả lời chất vấn ?

ĐBQH Nguyễn Thái Học: Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII là kỳ họp đầu tiên của QH Khóa XIII thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn. Tôi nhận thấy, các ĐBQH cũng như các bộ trưởng đã thể hiện trách nhiệm, quyết tâm trong việc chất vấn và trả lời chất vấn. Mặc dù là phiên đầu tiên nhưng mà các ĐBQH rất chủ động nêu ra nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm. Các bộ trưởng cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình ngay sau khi được phê chuẩn, ngay sau khi được bổ nhiệm. Như vậy đây là sự khởi động rất tốt.

ĐBQH nào cũng vậy, được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH đều xác định trách nhiệm của mình trước cử tri, có nghĩa là thực hiện lời hứa của cử tri: trung thực, thẳng thắn trong việc nêu vấn đề, trong việc chất vấn theo những đề xuất kiến nghị của cử tri mà ĐBQH thấy chính đáng.

- Chất vấn nếu thực hiện một cách quyết liệt cũng đồng nghĩa với việc sẽ có va chạm… Với Đại biểu vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thái Học: Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề tế nhị nhưng hết sức trách nhiệm. Bởi vì nếu như đại biểu làm trách nhiệm của mình với cử tri có nghĩa là phải nêu cho được những vấn đề mà cử tri còn thấy bức xúc, cử tri cảm thấy chưa thỏa mãn trong cách điều hành của các bộ ngành, mà không nêu được vấn đề đó, có nghĩa là chưa làm tròn trách nhiệm với cử tri. Thế nhưng, nêu nhưng vấn đề cử tri quan tâm để bộ trưởng trả lời mà không khéo thì sẽ làm "phật lòng" những người có trách nhiệm. Nhưng theo quan điểm, suy nghĩ của tôi, dù là ĐBQH thực hiện việc chất vấn hay các bộ trưởng thực hiện nghĩa vụ trả lời chất vấn, đều phải thống nhất với nhau quan điểm: việc chất vấn và trả lời chất vấn là thực hiện trách nhiệm của mình trước nhân dân và cử tri, thông qua việc chất vấn và trả lời chất vấn như thế làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri quan tâm; công khai, minh bạch quá trình lãnh đạo điều hành của bộ trưởng đối với một ngành, lĩnh vực mà cử tri quan tâm. Tôi nghĩ rằng người chất vấn và người trả lời chất vấn thống nhất được với nhau về trách nhiệm, về phương pháp thì không có việc nể nang, né tránh. Và việc chất vấn và trả lời chất vấn cũng là việc bình thường của đại biểu.

- Chất vấn và trả lời chất vấn  nhằm làm sáng tỏ  và giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội… nhưng để thực hiện được là điều không đơn giản, thưa Đại biểu?

ĐBQH Nguyễn Thái Học: Đúng như tinh thần mà nhiều ĐBQH băn khoăn, suy nghĩ là việc chất vấn không phải là việc dễ, mặc dù đó là công việc bình thường của mỗi đại biểu. Bởi vì muốn chất vấn được một vị bộ trưởng, thì đại biểu phải nắm vững thật chắc chắn về tình hình, diễn biến và nội dung mà mình quan tâm. Đặc biệt phải thật sát với cơ sở, sát với người dân để nêu được những vấn đề mà cử tri quan tâm, có nghĩa là trước hết đại biểu phải nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chung của nhân dân về một lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, người đại biểu phải có sự phân tích, người dân quan tâm bức xúc rất nhiều vấn đề, nhưng không phải vấn đề nào ĐBQH cũng có thể chất vấn, bởi vì có những vấn đề mình có thể trao đổi lại với cử tri để có sự thông cảm, chia sẻ hơn trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Nhưng cũng có những vấn đề cử tri nêu mình cũng cần phải chất vấn, trước hết phải lựa chọn vấn đề, người đại biểu phải thể hiện tính trung thực, thẳng thắn, nếu e ngại, nể nang, né tránh không thể nêu những vấn đề mà mình chất vấn với bộ trưởng, không thể nêu những bức xúc mà cử tri quan tâm. Do vậy đòi hỏi ở người chất vấn phải thể hiện trách nhiệm của người đại biểu một cách trung thực, thẳng thắn. Tôi nghĩ rằng, đại biểu nào cũng quyết tâm để làm tròn trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân và các bộ trưởng cũng sẽ thông cảm, chia sẻ với trách nhiệm này của người chất vấn.

- Theo Đại biểu, để có một phiên chất vấn có chất lượng, cần có những yếu tố gì?

ĐBQH Nguyễn Thái Học: Để có phiên chất vấn có chất lượng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng tôi cho rằng có 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, là sự chuẩn bị của đại biểu trước khi chất vấn, phải có sự tổng hợp, phân tích, lựa chọn những vấn đề nào mà khi nêu chất vấn sẽ được người dân đồng tình ủng hộ, những vấn đề mà người dân quan tâm không chỉ tại địa phương mình và người dân cả nước quan tâm. Thứ hai, người trả lời chất vấn có bộc bạch, có trao đổi rõ ràng giữa trách nhiệm “được” và “không được” về những nội dung mà đại biểu nêu ra, những vấn đề mà cử tri quan tâm hay không? Tôi cho rằng, với một tinh thần nghiêm túc, bộc bạch, thẳng thắn, không né tránh sẽ là sự gặp nhau giữa đại biểu chất vấn và người trả lời chất vấn. Một yếu tố hết sức quan trọng nữa là, để tạo ra phiên chất vấn có chất lượng, hiệu quả hay không còn tùy thuộc ở vai trò điều hành của người chủ tọa, làm sao để không khí giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn được thoải mái nhưng phải nghiêm túc; trách nhiệm, khẩn trương nhưng không căng thẳng. Vấn đề là những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được công khai, minh bạch để người dân thấy tin tưởng hơn ở người điều hành. Và người điều hành cảm thấy đây là điều kiện để trao đổi, cung cấp thông tin cho cử tri cả nước.

- Xin cám ơn Đại biểu!

Vi Hoa thực hiện