Thành công của mô hình y tế Cuba

“Nghịch lý” Cuba

- Chủ Nhật, 11/08/2019, 08:51 - Chia sẻ
Người ta vẫn thường cho rằng sức khỏe của người dân tỷ lệ thuận với tiềm lực kinh tế của một quốc gia. Thế nhưng, nhận định ấy lại không đúng với trường hợp của Cuba - nơi người dân có tuổi thọ trung bình cao hơn nhiều quốc gia phát triển khác.

Tháng 3.2015, Cuba trở thành quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận xóa bỏ thành công lây nhiễm giang mai và HIV từ mẹ sang con. Trước đó, Cuba cũng là nước đầu tiên tung ra thị trường vaccine viêm màng não B, vaccine viêm gan siêu vi B, vaccine ngừa ung thư và thuốc điều trị AIDS. Hiện vaccine viêm gan siêu vi B của Cuba được xuất khẩu sang 30 nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pakistan.

Không chỉ vậy, Cuba còn dẫn đầu về số lượng chuyên gia tham gia các chương trình hợp tác y tế và y tế nhân đạo với 39.000 chuyên gia đang tình nguyện hỗ trợ tại hơn 60 quốc gia khắp thế giới.

Tại Thủ đô Havana, Trường Đại học Y khoa Mỹ Latin (ELAM) mỗi năm thu hút 20.000 sinh viên quốc tế theo học. Bên cạnh đào tạo, Cuba còn nổi tiếng với dịch vụ du lịch chữa bệnh rất hấp dẫn khách nước ngoài.

Cuba cũng là quốc gia thực hiện phẫu thuật động mạch vành vào năm 1964, ghép tủy xương và ghép gan vào năm 1985, ghép dây thần kinh trị bệnh Parkinson vào năm 1987... Khi trường y thuộc Đại học Yale (Mỹ) thực hiện ca phẫu thuật ghép tim thứ 5, thì 4 tháng sau đó, Bệnh viện Ameijeiras của Cuba đã thực hiện ca thứ 10.
Các trung tâm nghiên cứu của nước này cũng đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, như chế tạo ra các loại thuốc streptokinase, thuốc phá các cục máu đông ở bệnh nhân đau tim.

Đặc biệt năm 2012, các nhà khoa học Cuba đã mang đến cho bệnh nhân ung thư một niềm hy vọng lớn đó là việc bào chế thành công sản phẩm điều trị bệnh ung thư từ nọc độc của bọ cạp xanh - một loại bọ cạp đặc chủng của Cuba, mang tên gọi là sản phẩm VidadoxPlus. Với cơ chế hoạt động cô lập tế bào ung thư, cô lập khối u không cho mạch máu đến nuôi dưỡng khối u, làm cho khối u teo đi, đây được xem là một công trình nghiên cứu thực sự làm thay đổi phương pháp chữa trị căn bệnh ung thư quái ác hiện nay.

Bất chấp thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/8 so với Mỹ (khoảng 6.000 USD/năm), Cuba đang nắm trong tay hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí với chất lượng được đánh giá là tốt nhất thế giới. Theo số liệu từ World Data Bank năm 2014, tuổi thọ trung bình của người Cuba hiện nay là 79 tuổi (tương đương công dân Mỹ), tỷ lệ bác sĩ trên số dân là 1/300 (con số này ở Anh là 1/1.800), tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh ở mức thấp (0,4 - 0,6%), và tỷ lệ nhiễm HIV thấp nhất trên thế giới (0,1%). Những thành tựu thần kỳ của nền y tế Cuba dường như cưỡng lại mọi giả thuyết về mối tương quan giữa “năng lực tài chính” với “khả năng chăm sóc sức khỏe”.

Quỳnh Vũ