Nghị viện Tunisia: Hướng tới hoàn thiện hệ thống bầu cử

- Thứ Sáu, 30/11/2007, 00:00 - Chia sẻ
Hệ thống bầu cử lập pháp ở Tunisia hoạt động chủ yếu dựa trên Hiến pháp và Luật Bầu cử ra đời ngày 8.4.1969, và được sửa đổi bổ sung lần gần nhất năm 2002. Cuộc bầu cử lập pháp mới nhất diễn ra ngày 24.10.2004 với chiến thắng thuộc về đảng cầm quyền RCD. Cuộc bầu cử tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2009.

      Hạ viện Tunisia bao gồm 189 thành viên, được bầu theo hình thức bỏ phiếu kín, phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm một lần. Trong đó, 152 nghị sỹ được bầu từ danh sách ứng cử viên do các đảng đề cử. 37 ghế còn lại được phân chia cho tỷ lệ với các đảng khác mà không cần phải đảm bảo đạt đa số phiếu tuyệt đối. Hình thức phân chia ghế theo tỷ lệ nhằm bảo đảm sự đại diện của nhiều đảng hơn trong Nghị viện. 
      Bắt đầu từ cuộc bầu cử lập pháp tháng 3.1994, lần đầu tiên trong lịch sử Tunisia, các thành viên của đảng đối lập cũng có mặt tại Nghị viện. Tại cuộc bầu cử tháng 10.1999, 5 đảng đối lập đã giành được ghế trong Nghị viện dựa trên Luật Bầu cử sửa đổi. 

      Về khu vực bầu cử, trên toàn Tunisia có tất cả 25 khu vực bầu cử để bầu ra 189 thành viên. Tunisia có 23 tỉnh, trong đó có hai tỉnh Tunis và Sfax đông dân cư, nên mỗi địa phương này có hai khu vực bầu cử. Tổng số ghế ở mỗi khu vực được phân chia theo tỷ lệ 52.000 dân/1 ghế.
      Theo Luật Bầu cử, mọi công dân Tunisia hoặc người mang quốc tịch Tunisia ít nhất 5 năm, đủ 20 tuổi, có đủ quyền công dân và các quyền chính trị đều có quyền đi bỏ phiếu. Những người không có quyền bầu cử là người đang bị kết án, người phá sản chưa được phục quyền, những người tâm thần, những người đang phục vụ trong các lực lượng an ninh vũ trang. 
      Các ứng cử viên do các đảng đề cử và danh sách ứng cử viên được giới thiệu vào tuần thứ 4 trước cuộc bầu cử, theo các điều khoản của Luật Bầu cử. Mỗi danh sách phải có nhiều ứng cử viên hơn số ghế quy định ở mỗi khu vực bầu cử.
      Kể từ khi đổi mới Luật Bầu cử năm 2002, cuộc bầu cử lập pháp ngày 24.10.2004 đã có thêm 1,3 triệu cử tri đăng ký đi bầu cử. Tuy nhiên, trong tổng số 10 triệu dân Tunisia, tổng số cử tri (cả hai giới) đi bầu tất cả các ghế trong Nghị viện cũng chỉ đạt gần 4,7 triệu người. 7 đảng phái chính trị đã đề cử 300 ứng cử viên ở 25 khu vực bầu cử để tranh 189 ghế trong Hạ viện. Trong cuộc bầu cử lần này, lần đầu tiên một Ban Giám sát bầu cử được thành lập và Hội đồng lập Hiến thực thi các chức năng liên quan đến việc công nhận tính hợp lệ của các hồ sơ ứng cử viên cũng như kết quả của các cuộc bầu cử. Cũng trong cuộc bầu cử này, lần đầu tiên danh sách ứng cử viên của đảng cầm quyền RCD không có bất cứ thành viên nào của Chính phủ.

Hạnh Thi