Chức năng giám sát của nghị viện châu Âu

Nghị viện <i>siêu quốc gia</i> duy nhất do dân bầu trực tiếp

- Thứ Sáu, 23/08/2013, 08:58 - Chia sẻ
Nghị viện châu Âu (EP) là một trong những thể chế chính trị quan trọng của EU, được công dân EU bầu cử trực tiếp 5 năm một lần. Do được bầu cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu, Nghị viện châu Âu trở thành Nghị viện “siêu quốc gia” duy nhất trên thế giới được bầu cử trực tiếp bởi người dân.

Hiện nay, nghị viện gồm 754 nghị sỹ được nhân dân 27 nước thành viên bầu trực tiếp cho nhiệm kỳ 5 năm. Tùy theo dân số nước mình, mỗi nước thành viên có một số ghế nhất định trong nghị viện. Đức, thành viên lớn nhất của EU, hiện nay có 99 nghị sỹ. Nghị viện có quyền lập pháp, phân bổ ngân sách và quyền kiểm tra, tuy nhiên không có quyền đưa ra đề nghị xây dựng dự án luật. Trụ sở của nghị viện ở Strassburg; bên cạnh đó còn có các văn phòng làm việc tại Brussel và Luxemburg.

Tổ chức tiền thân của EP là Quốc hội chung ra đời dựa trên Hiệp ước thành lập Cộng đồng Than và Thép châu Âu (năm 1951). Sau đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định thành lập một Nghị viện chung cho cả ba Cộng đồng và bắt đầu đi vào hoạt động cùng với Hiệp ước thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu năm 1958. Quốc hội chung giải tán và Nghị viện châu Âu được thành lập.

Cùng với Hội đồng Bộ trưởng và Ủy ban châu Âu, Nghị viện là một trong ba cơ quan tham gia vào quá trình lập pháp của Liên minh. EP trước hết là diễn đàn dân chủ cấp cao của châu Âu, nơi những đại diện của toàn thể công dân EU hóa giải các vấn đề nhạy cảm chính trị và quốc gia. EP thường kêu gọi việc sửa đổi, phát triển thêm hoặc thay thế các chính sách cũ bằng những chính sách mới phù hợp hơn. EP tham gia soạn thảo các Hiệp ước của Liên minh. Trong những năm gần đây, EP trở thành nhân tố thúc đẩy chính để đưa các nước thành viên cùng nhau thực hiện và bảo đảm các giá trị chung của Liên minh.

Ngoài ra, EP còn có chức năng là cơ quan thực thi quyền kiểm soát dân chủ đối với các hoạt động của Cộng đồng châu Âu, đặc biệt là của Ủy ban châu Âu. EP có thể thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, giải tán toàn bộ Ủy ban châu Âu. Ngoài ra, Nghị viện cũng cho ý kiến và bỏ phiếu thông qua chương trình lập pháp hàng năm của Ủy ban châu Âu sau khi đã thỏa thuận với Hội đồng Bộ trưởng.

EP có vai trò rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Trước hết, trong chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU, Hội đồng Bộ trưởng tham vấn EP trong những lĩnh vực liên quan đến Chính sách An ninh và đối ngoại chung của EU. Hội đồng có trách nhiệm báo cáo thường xuyên cho EP về những vấn đề liên quan đến diễn biến của Chính sách An ninh và đối ngoại chung. Thông qua Ủy ban các vấn đề đối ngoại của mình, EP liên lạc thường xuyên với những đại diện cấp cao về chính sách Anh ninh và đối ngoại của Liên minh. EP tham vấn các thỏa thuận quốc tế cũng như các thỏa thuận liên kết hay hợp tác thương mại giữa Liên minh và các nước ngoài Liên minh.

Trong vấn đề toàn cầu hóa, để tạo điều kiện cho EU có vai trò thực sự trong quá trình toàn cầu hóa, bản thân EP đã tham gia đóng góp tích cực trong các cuộc bàn thảo về toàn cầu hóa. EP quan tâm theo dõi các hoạt động của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đưa ra các khuyến nghị và đóng vai trò là người đàm phán chính của Liên minh châu Âu trong quá trình đàm phán với WTO.

Đặc biệt, EP tập trung hành động của mình vào việc bảo vệ quyền lợi của những công dân trong thế giới toàn cầu hóa. EP nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến tới toàn cầu hóa công dân để bảo đảm công bằng xã hội và dân chủ trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, bảo vệ nhân quyền là một trong những ưu tiên hàng đầu của EP. Ủy ban các vấn đề đối ngoại của EP là cơ quan trực tiếp nêu lên các vấn đề bảo vệ nhân quyền. Mỗi năm, EP đưa ra hai bản báo cáo: một bản về tình trạng nhân quyền ở các nước ngoài Liên minh châu Âu và một bản về tình hình nhân quyền trong Liên minh. EP có thể gây áp lực với ác nước liên quan để phóng thích tù nhân chính trị hay ủng hộ những hoạt động quốc tế bảo vệ nhân quyền.

EP cũng đóng vai trò chính trong quá trình thiết lập khu vực tự do, an ninh và công bằng của công dân châu Âu. Đây là ba lĩnh vực được người dân châu Âu rất quan tâm. Để bảo đảm an ninh ở mức độ cao cho mọi công dân, EU tiến hành những hoạt động đấu tranh chống lại mọi loại hình tội phạm như buôn lậu ma túy, vũ khí, tham nhũng, xâm hại tình dục trẻ em, khủng bố và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Khu vực tự do, an ninh và công bằng bảo đảm cho công dân châu Âu có thể tự do di chuyển, lưu trú tại bất kỳ đâu trong Liên minh châu Âu. Vì thế, EP hành động với tư cách là cơ quan đồng lập pháp với Hội đồng Bộ trưởng trong quá trình thành lập Khu vực tự do, anh ninh và công bằng.

Như vậy, cùng với sự mở rộng quyền hạn được quy định trong Hiệp ước Nice, EP đang tập trung nỗ lực nhằm củng cố vị trí trong các thể chế của Cộng đồng, đồng thời phấn đấu trở thành cơ quan đại diện thực thụ của công dân EU.

Tùng Nam